Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Khu di tích, danh thắng Chùa Hương Tích (Hà Tĩnh): Mập mờ giữa "thu và chi"

Thứ Sáu 15/02/2019 | 10:32 GMT+7

VHO- Theo con số thống kê từ BQL chùa Hương Tích Hà Tĩnh thì năm 2018 riêng khoản khai thác dịch vụ tại Khu Di tích, danh thắng cảnh này được gần 3 tỉ đồng, nhưng sau khi nộp vào ngân sách nhà nước thì toàn bộ số tiền này được chi lại về cho Khu di tích.

 Chùa Hương Tích Hà Tĩnh mỗi năm đón trên dưới 12 vạn du khách đến thắp hương, tham quan

Dư luận đang đặt ra câu hỏi là số tiền này đang rơi vào tay ai khi nhiều năm nay khu di tích này không đầu tư, tu bổ một hạng mục nào. Ngân sách thu được tại chùa Hương Tích này chỉ đủ trả lương cho công nhân vận hành…?

Doanh nghiệp “lộng quyền” trục lợi?

Như Văn Hóa đã thông tin, thời gian qua Khu Di tích, danh thắng cảnh chùa Hương Tích Hà Tĩnh đang bị một doanh nghiệp “thao túng” tất cả các hoạt động tổ chức, quản lý, khai thác hết các dịch vụ… khiến địa phương lẫn người dân không khỏi lo ngại.

Vé tham quan danh lam thắng cảnh chùa Hương Tích do BQL chùa Hương Tích in ấn nhưng việc phát hành, bán vé thu tiền lại do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh đảm nhiệm. Toàn bộ khuôn viên BQL cùng với mặt bằng tại Tiểu dự án cải thiện vệ sinh môi trường Khu Di tích chùa Hương Tích đang trong thời gian thi công cũng đã bị doanh nghiệp tư nhân này trưng dụng để làm bãi giữ phương tiện ôtô. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh còn thu phí dịch vụ trông giữ phương tiện cao hơn rất nhiều so với quy định của Nhà nước. Nghiêm trọng hơn, Công ty này còn ngang nhiên cho in, phát hành vé giữ xe giả để nhằm trốn thuế. Theo đó, ngày 31.1 Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh có công văn thông báo phát hành hóa đơn đăng ký in vé trông giữ phương tiện tại chùa Hương Tích gửi tới Chi cục Thuế huyện Can Lộc. Mức giá vé giữ ôtô dưới 7 chỗ là 20.000 đồng, trên 7 chỗ là 30.000 đồng, còn xe máy là 3.000 đồng.

Thông báo với Chi cục Thuế huyện Can Lộc là vậy, tuy nhiên Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh đã ngang nhiên cho in vé giữ xe giả có mệnh giá cao hơn rất nhiều để phát hành. Cụ thể, vé giữ ôtô dưới 7 chỗ là 30.000 đồng, trên 7 chỗ là 40.000 đồng, còn xe máy là 10.000 đồng khiến cho người dân rất bức xúc. Thậm chí, vé giữ xe máy Công ty này còn lấy lại vé cũ của Ban quản lý Khu Du lịch chùa Hương phát hành năm 2016. “Mức phí gửi xe như vậy là quá cao, chúng tôi thắc mắc thì họ chỉ trả lời đó là quy định của công ty”, một du khách về trẩy hội chùa Hương Tích cho biết.

Thu được chỉ đủ trả lương…?

Khu Di tích, danh thắng chùa Hương Tích Hà Tĩnh hiện đang được Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh “thay mặt” Ban quản lý Khu Di tích chùa Hương Tích quản lý, điều hành. Điều này không chỉ tạo nên một số bất cập trong quản lý, mà nguồn ngân sách nhà nước đang có dấu hiệu rơi vào tay doanh nghiệp, bởi toàn bộ số tiền thu được từ các dịch vụ Khu di tích, danh thắng cảnh này sau khi nộp vào ngân sách nhà nước thì được chi lại toàn bộ cho doanh nghiệp để trang trải các hoạt động dịch vụ mà Nhà nước không tích lũy được một đồng lợi nhuận nào.

Theo số liệu thu thập được, mỗi năm Khu Di tích, danh thắng chùa Hương Tích có trên dưới 12 vạn người từ trong nước và nước ngoài về đây vãn cảnh, thắp hương. Khi đến đây du khách lên chùa phải trả tiền các phí dịch vụ như: Phí gửi xe máy (10.000 đồng/ xe), phí gửi xe ô tô (30.000 đồng/ xe dưới 7 chỗ ngồi; 40.000 đồng/ xe trên 7 chỗ ngồi), phí vào cổng tham quan (20.000 đồng/người lớn; 10.000 đồng/trẻ em), phí xe ôm 50.000 đồng/ người/lượt (nếu lên cáp treo); phí thuyền máy (nếu đi bằng đường thủy) và nhiều loại phí dịch vụ khác… Cũng qua con số thống kê từ BQL chùa Hương Tích Hà Tĩnh thì năm 2018 riêng khoản khai thác dịch vụ tại Khu di tích, danh thắng cảnh này được gần 3 tỉ đồng. Tất cả số tiền này do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh “thay” BQL Khu Di tích danh thắng chùa Hương Tích thu và sau đó nộp vào ngân sách nhà nước.

Điều dư luận thắc mắc là, liệu có sự thông đồng giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi ngân sách nhà nước hay không khi số tiền hàng tỉ đồng thu được tại Khu di tích, thắng cảnh này sau khi nộp vào ngân sách nhà nước lại được chi hết toàn bộ về lại cho đơn vị nộp trước đó. Các đơn vị quản lý đã thẩm định, kiểm tra các hạng mục mà đơn vị đề xuất các khoản chi hay chưa mà có sự trùng lặp một cách “lạ thường” - thu chỉ đủ chi.

Thông tin về số tiền chi các hoạt động tại Khu Di tích, thắng cảnh chùa Hương Tích thu được trong năm 2018, ông Nguyễn Huy Quế, Phó trưởng ban quản lý chùa Hương Tích cho biết, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh thu được số tiền 2.076.000.000 đồng, trích lại cho BQL 1.013.000.000 triệu đồng trả lương cho cán bộ nhân viên BQL và các hoạt động văn phòng phẩm, số còn lại huyện chi trả lại cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh để chi trả cho các hoạt động thuê công nhân bán vé, bảo vệ an ninh trật tự, làm vệ sinh môi trường… Ông Quế cũng cho biết, về phần đầu tư tôn tạo, xây dựng cơ sở vật chất, trùng tu tại Khu Di tích, thắng cảnh trong năm qua Công ty chỉ tu bổ, cải tạo được cổng vào, lắp camera và đổ được một ít đá bây trước cổng... hết khoảng 40 triệu đồng.

Ông Đỗ Trọng Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh cho rằng, từ khi doanh nghiệp quản lý thì doanh thu thu vé qua cổng vượt mức, về cơ sở vật chất thì dự án đang trong quy hoạch nên chưa được xây dựng. Ngân sách chi về cho Công ty chỉ để chi trả lương cho đội ngũ bán và soát vé thắng cảnh, trả chi phí tổ chức lễ hội, dọn dẹp môi trường…

Như vậy với mức thu và chi như trên mà Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh cho rằng: “Thu chỉ đủ chi” thì liệu đã hợp lý? 

 Về mặt quản lý nhà nước chùa Hương Tích phân cấp cho huyện quản lý, thu phí, các phần việc khác là do huyện và BQL chùa Hương Tích. Việc phân cho ai thu, thu bao nhiêu thì Sở không liên quan. Sở chỉ quản lý về các hoạt động lễ hội, quản lý nhà nước nói chung… Sau khi có thông tin, Sở đã chỉ đạo thanh tra kiểm tra để báo cáo cụ thể.

(Ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh)

 

 THÂN BA

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top