Đề xuất Lễ cấp sắc của dân tộc Dao là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

VH- Trong khuôn khổ các hoạt động Ngày văn hóa dân tộc Dao lần thứ nhất, ngày 30.9, tại thanh phố Tuyên Quang, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước”.

Tham dự hội thảo, các đại biểu, các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, các nhà quản lý tập trung vào một số chủ đề chính, gồm nhận diện giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao; đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Dao; những cơ chế chính sách, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao trong thời kỳ hội nhập; bài học kinh nghiệm của các địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…
Giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc Dao rất đa dạng, giàu bản sắc, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, nghi lễ trong hôn nhân, thờ cúng, quy ước, hương ước của dòng họ, làng bản, các loại hình dân gian… Những giá trị văn hóa đó luôn gắn liền với cuộc sống của người Dao từ bao đời nay. Đó vừa là sản phẩm của quá trình lao động, sáng tạo, là tài sản của một dân tộc trong quá trình phát triển, đồng thời cũng chính là những tinh hoa văn hóa vô cùng quý báu của nền văn hóa dân tộc, rất cần tuyên truyền ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa để bồi đắp ngày một giàu thêm cho nền văn hóa dân tộc.
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển như hiện nay, việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa dân tộc Dao nói riêng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chính vì vậy, công tác sưu tầm và nghiên cứu song song với phát huy ảnh hưởng của những người có uy tín, phát huy sức mạnh tối đa của chính chủ thể văn hóa trong các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản về đồng bào Dao ở Việt Nam luôn được coi trọng.
Từ thực tế nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa dân tộc Dao, PGS. TS Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, văn hóa của người Dao được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử tộc người, những giá trị văn hóa ấy thể hiện ở các giá trị văn hóa đời sống, tinh thần và đặc biệt rõ nét qua hệ thống tín ngưỡng được thực hành trong các gia đình, dòng họ và cộng đồng dân tộc Dao.
Trải qua nhiều thế hệ, mặc dù sống cận cư với các dân tộc khác, nhưng cộng đồng dân tộc Dao vẫn giữ được những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Cùng với sự hội nhập và phát triển, các thế hệ trẻ người Dao đang tiếp cận ngày càng nhiều với khoa học công nghệ, nên đã không còn mặn mà với việc sử dụng và tiếp nhận tri thức dân gian từ cha ông.
Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để lựa chọn và xác định các giá trị văn hóa đặc trưng, các yếu tố văn hóa cần bảo tồn và phát huy phù hợp với bối cảnh hội nhập để trao truyền cho thế hệ trẻ, đồng thời tăng cường phát huy vai trò của người uy tín, tiêu biểu ở vùng có người Dao sinh sống, trong việc vận động, tuyên truyền đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng và Nhà nước, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng người Dao tại địa phương…
Kết luận hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn ghi nhận, Hội thảo đã thu nhận được nhiều kết quả quan trọng đóng góp cho việc giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Dao. Qua hội thảo, Ban tổ chức thống nhất đề xuất Chính phủ, Bộ VHTTDL cho phép làm hồ sơ Lễ cấp sắc của người Dao vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO, đưa Lễ hội Bàn Vương vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồng thời, kiến nghị Bộ VHTTDL, UBND các tỉnh có chính sách cụ thể nhằm bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Dao; tổ chức điều tra, sưu tầm và phổ biến di sản văn hóa người Dao; phát huy vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín, đặc biệt là các thầy cúng của cộng đồng người Dao…

Linh Khôi
 

Ý kiến bạn đọc