Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Chìa khóa” cho thành phố thông minh

Thứ Sáu 22/03/2019 | 10:53 GMT+7

VHO- Tương lai của một thành phố có phải là bỏ đi các công trình cũ, thay vào những tòa nhà chọc trời, đường phố rộng tràn ngập các phương tiện hiện đại? Nhiều chuyên gia cho rằng, cách tiếp cận tốt nhất là phối hợp bảo tồn và phát triển, chú ý việc giữ gìn bản sắc và nguồn gốc của các công trình lịch sử thông qua việc tái sử dụng và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu hiện đại.

 Được bảo tồn và phát huy đúng hướng, di sản sẽ trở thành nguồn lực phát triển đô thị - nguồn ITN

Tại Hoàng thành Thăng Long, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội vừa tổ chức hội thảo “Các thành phố của tương lai và bảo tồn di sản”. Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, hơn 50% di sản thế giới sống trong môi trường đô thị và con số này ngày càng gia tăng nhanh. Có thể thấy, mâu thuẫn giữa bảo tồn các giá trị truyền thống và phát triển cho phù hợp với nhu cầu hiện đại đã và đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa trong việc tăng cường sự bền vững và đáng sống của đô thị, UNESCO đã đưa nội dung này vào trong nhiều khuyến nghị. Có thể thấy, thành phố nào cũng được tạo dựng trên nền tảng di sản, biểu hiện văn hóa, với những không gian hữu hình và vô hình... tạo ra nét riêng biệt, sự đáng sống của đô thị.

Ở Việt Nam, không cần đi quá xa để thấy bối cảnh di sản văn hóa truyền thống hiện hữu trong quá trình phát triển. Ngay Hà Nội, ta có thể thấy sự tích lũy nhiều nguồn lực văn hóa thông qua lịch sử lâu đời được khai thác, phát huy biến thành phố trở thành một điểm đến hấp dẫn của khu vực. Nơi đây thu hút hàng triệu khách du lịch/năm, và hoàn toàn có cơ hội để làm tốt đẹp hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, theo ông Antonino Alessandro, Đại sứ Italia tại Việt Nam: “Dù có được thành tựu đáng kể, Hà Nội cũng như rất nhiều thành phố khác của châu Á vẫn đang đối mặt với những thách thức trong việc kết hợp sự phát triển của đô thị và việc giữ gìn bản sắc văn hóa”. Văn hóa, lịch sử khi được khai thác hợp lý, kết nối với sự phát triển nhanh của kinh tế - xã hội, sẽ là một nguồn lực quý giá, cho phép sáng tạo những biểu hiện văn hóa mới từ truyền thống - điều rất quan trọng trong thời đại toàn cầu hóa.

“Chìa khóa cho một thành phố thông minh mà vẫn gìn giữ và bảo tồn văn hóa chính là việc kết hợp kiến trúc. Với một thành phố với nhiều kiến trúc cổ và sở hữu khuôn viên rộng rãi như Hà Nội, thì các nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể cân nhắc cái gọi là “một địa điểm - nhiều chức năng”, ông Michele De Lucchi, Đại sứ Thiết kế Italia tại Việt Nam năm 2019 chia sẻ. Ví dụ, một bảo tàng vừa có thể là nơi để khách du lịch tới để tham quan, nhưng cũng có thể kết hợp thành một thư viện, có quán cafe và tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng. Đây là một mô hình đa dạng và mang đến nhiều năng lượng cho cuộc sống. Điều quan trọng nữa chính là việc quản lý phải được chú ý, thực hiện một cách nghiêm túc. Các không gian văn phòng làm việc cứng nhắc nên được cải tạo thành một không gian thân thiện, kích thích sự sáng tạo, tương tác giữa con người với con người và thiên nhiên. Chúng ta nên tạo ra một sự kết nối hữu hình, hài hòa để thay đổi chức năng của văn phòng với sự phát triển kỹ năng của con người.

Để di sản song hành với phát triển đô thị, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, các thành phố của Việt Nam cần có chiến lược bảo tồn, chú ý đến các di sản trong quá trình quy hoạch dự án; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cần sự cộng tác đa ngành trong bảo tồn... từ đó, làm cho di sản có đóng góp về kinh tế - xã hội và mang lợi ích đến cho mọi người.

HIỂU MINH

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top