Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Nhận diện nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể

Thứ Năm 16/07/2020 | 14:56 GMT+7

VHO-  Để thực hiện tốt hơn những quy định của Nghị định 62/2014/NĐ-CP góp phần vào việc đề xuất các chính sách liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong tương lai, những câu chuyện thực tế đang đặt ra vấn đề cần sự nhận diện rõ về những nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

 Sau 2 đợt xét tặng danh hiệu  "Nghệ nhân nhân dân" và "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể (năm 2015 và năm 2019) theo  Nghị định 62/2014/NĐ-CP năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, đã có tổng số 1.253 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, gồm 66 Nghệ nhân nhân dân và 1.187 Nghệ nhân ưu tú.

Cố NSƯT Hà Thị Cầu

Thực hiện Nghị định 62/2014/NĐ-CP, ngày 9.10.2019, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 3470/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba - 2021. Theo đó, tiến độ thực hiện của các cấp Hội đồng được thực hiện từ tháng 8. 2019 đến tháng 3. 2021. Sau cấp Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ thực hiện từ 16.10.2020 đến  01.02.2021, Hội đồng cấp Nhà nước thực hiện từ 15.02.2021 đến 15.03.2021. Bộ VHTTDL sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba trước ngày 30.3.2021.

Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể là người nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật về di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài những yếu tố này, nghệ nhân còn là người được cộng đồng thừa nhận. Với môi trường có trình độ cao về năng lực đánh giá, cảm thụ, hiểu biết về di sản văn hóa phi vật thể thì người được cộng đồng gọi là nghệ nhân thường có trình độ rất cao về kỹ năng, kỹ thuật, hiểu biết về di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ; có đạo đức tốt  trong lối sống, thực hành di sản.

Đa số các nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể sinh ra, lớn lên trong môi trường các di sản được thực hành qua nhiều thế hệ. Đó có thể là gia đình, dòng tộc, làng hoặc cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể chung. Họ được tiếp cận với di sản văn hóa phi vật thể khá sớm và tiếp cận với nhiều khía cạnh của di sản văn hóa phi thật thể, từ kỹ năng, kỹ thuật, tri thức về di sản văn hóa phi vật thể  cho đến các sinh hoạt văn hóa, ứng xử giữa các cá nhân, nhóm và cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Họ được tiếp cận tự nhiên (chiếm đa số) với di sản văn hóa phi vật thể , có trường hợp là tiếp cận có sự định hướng, dẫn dắt của người thân và trong một số trường hợp khác là do nhu cầu, mong muốn hoặc đam mê tự thân.

Để trở thành nghệ nhân, người thực hành cần có thời gian tích lũy, trau dồi và thực hành các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật,… Tuy nhiên, không phải người thực hành nào cũng trở thành nghệ nhân. Giới hạn về năng lực, trình độ, điều kiện, sự đánh giá của cộng đồng của người thực hành sẽ quyết định họ có trở thành nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể  hay không.

Cố NNND Nguyễn Phú Đẹ

Hầu hết nghệ nhân là tuổi cao. Mặc dù có những người sinh ra đã có những năng lực, tố chất “trời phú”, nhưng kỹ năng, kỹ thuật, sự hiểu biết của các nghệ nhân đều không phải “từ trên trời rơi xuống”. Những vốn quý đó cần có quá trình tiếp nhận, thực hành, tích lũy,… Trong nhiều trường hợp còn phụ thuộc vào quá trình trưởng thành về sinh học của cơ thể con người. Quá trình này thường kéo dài nhiều năm và hoàn thiện thành nghệ nhân khi tuổi của họ đã cao. Một số trường hợp hãn hữu, quá trình này có thể rút ngắn để có những người đạt mức nghệ nhân khi tuổi còn trẻ, tầm 40-50 tuổi, nhưng số này chiếm không nhiều.

Do tính chất, đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể, khi xác định, nhận diện nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể  có thể căn cứ vào tài năng, kỹ năng, kỹ thuật trong việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể mà nghệ nhân đó đang nắm giữ; căn cứ vào các di sản văn hóa phi vật thể mà nghệ nhân đó đang nắm giữ; vào sự đóng góp của cá nhân đó đối với cộng đồng trong việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể; khả năng truyền dạy, số lượng các học trò mà nghệ nhân đó đã trao truyền.

 Trong thực tế, tỉ lệ các nội dung này trong mỗi nghệ nhân cũng như giữa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể  là khác nhau. Sự khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến như: đặc điểm loại hình di sản, hiện trạng thực hành, sức sống của di sản; khả năng tiếp cận cộng đồng, công chúng của di sản,… Thường thì những nghệ nhân uyên thâm nghề có nhiều “ngón nghề” trong thực hành di sản. Hay nói cách khác, họ làm chủ việc thực hành di sản tốt hơn. Với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể  là nằm trong con người, sống cùng đời sống của con người, di sản văn hóa phi vật thể có còn được lưu giữ, thực hành hay không hoàn toàn phụ thuộc vào con người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể đó.

Việc nhận diện rõ hơn về nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể sẽ góp phần thực hiện tốt các quy định của Nghị định 62/2014/NĐ-CP, Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba - 2021, đồng thời góp phần vào việc đề xuất các chính sách liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong tương lai.

PHẠM CAO QUÝ

Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top