Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Tu sửa cấp thiết tại di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm (Hà Nội): Vòng vo... trách nhiệm?

Thứ Tư 06/04/2022 | 10:04 GMT+7

VHO-  UBND quận Bắc Từ Liêm vừa có văn bản 149/BC-UBND báo cáo Bộ VHTTDL, Thành ủy, UBND TP Hà Nội và Sở VHTT Hà Nội về công tác tu bổ cấp thiết tại di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm.

Báo cáo cho biết, cây đa bị chặt hạ là giống đa đỏ (đa Ấn Độ), nằm ở vị trí sát với nghi môn nội và nghi môn ngoại thuộc di tích đình Chèm. Cây đa được trồng từ khoảng năm 1996-1998 để tạo bóng mát, không phải đa cổ thụ hay cây di sản, không có trong Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia Đình Chèm năm 1990.

Do là giống đa đỏ nên tốc độ phát triển của cây rất nhanh, tán dày nặng, rễ to ăn nổi ra diện tích xung quanh. Rễ cây ăn sâu gây bong tróc gạch, nghiêng nứt sân nghi môn và cột đồng trụ. Vào mùa mưa bão năm 2021, cây đa đã bị gió thổi gãy một phần, làm ảnh hưởng tới các chi tiết trang trí trên nghi môn ngoại (cột đồng trụ) tại di tích. Ban Khánh tiết, đại diện nhân dân đã họp và thống nhất chặt hạ cây đa để trả lại không gian kiến trúc của đình; đảm bảo an toàn cho nhân dân và di tích trong mùa mưa bão.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Ban Khánh tiết đình Chèm đã chặt hạ cây khi chưa báo cáo và được cấp có thẩm quyền cho phép. Văn bản kiểm tra của Sở VHTT Hà Nội nêu, trên bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ cấp 1 di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm năm 2017 có thể hiện vị trí cây đa, song không thể hiện trên bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích quốc gia đình Chèm xếp hạng năm 1990. Tại thời điểm kiểm tra, cây đa đã bị chặt tới gốc. Việc chặt hạ, di dời cây không thuộc trong nội dung tu sửa cấp thiết Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm... Thường trực Quận ủy Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo UBND phường Thụy Phương kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan việc chặt hạ cây đa tại di tích.

 Phá bỏ một đoạn tường bao để xây mới cổng (trong ảnh) đang gây sự tranh cãi

Trách nhiệm của ai?

Theo đề xuất của UBND quận Bắc Từ Liêm và nội dung thẩm định báo cáo tu sửa cấp thiết di tích đình Chèm, các hạng mục tu sửa gồm: Điều chỉnh cao độ phần sân đường cho phù hợp, tôn tạo hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (sân, đường, bó vỉa, cấp điện, cấp thoát nước), tường rào. Tu sửa, chỉnh trang (không hạ giải), chống xuống cấp các hạng mục: Nghi môn nội, Đại đình, Phương đình, Nhà bia tả, hữu (tiểu phương đình), Tả vu, Hữu vu... Chống mối toàn bộ công trình. Bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành. Toàn bộ các hạng mục gốc của di tích như: Nghi môn nội, Đại đình, Phương đình, Nhà bia tả, hữu (tiểu phương đình), Tả vu, Hữu vu... chủ yếu tu sửa phần mái, xây lại bậc cấp, quét vôi, chống mối và lắp đặt hệ thống PCCC cho công trình, không thay đổi kết cấu kiến trúc của di tích.

Tuy nhiên, báo cáo của UBND quận Bắc Từ Liêm lại cho thấy nhiều nội dung đáng chú ý. Thứ nhất, về việc dịch chuyển cổng trên hệ thống tường bao của di tích, kết quả kiểm tra của Sở VHTT ghi nhận, theo hồ sơ Dự án đầu tư tu bổ di tích đình Chèm (báo cáo tu sửa cấp thiết), tại mặt bằng tổng thể hiện trạng của di tích có 1 cổng cạnh nhà Tả Vu. Thế nhưng, tại mặt bằng tổng thể thiết kế cảnh quan của Dự án lại thể hiện cổng này không còn tại vị trí cũ mà được mở tại vị trí khác trên hệ thống tường bao của di tích. Theo hồ sơ dự án, cổng này chỉ được thực hiện việc “tu bổ”, không thấy có nội dung xây bịt hoặc chuyển vị trí cổng. Quyết định 6423/QĐ-UBND ngày 20.11.2020 của UBND quận Bắc Từ Liêm cũng chỉ ghi cổng này được “hạ giải, tháo dỡ cổng cũ, trùng tu phục hồi theo kiến trúc truyền thống”. Vậy mà trên thực tế hiện nay, vị trí cổng cũ đã được xây bịt kín; tường bao của khu di tích bị phá một đoạn để xây cổng mới; cổng mới đã được xây xong phần thô và đang hoàn thiện.

Giải trình về nội dung này, UBND quận “phản biện”, ghi nhận tại văn bản số 844/SVHTT-TTr của Sở VHTT Hà Nội phù hợp với nội dung Quyết định số 6423/QĐ-UBND ngày 20.11.2020 của UBND quận Bắc Từ Liêm, có nội dung: “Cổng phụ số 2: Hạ giải, tháo dỡ cổng cũ, trùng tu phụ hồi theo kiến trúc truyền thống”. Tuy nhiên, quyết định cũng nêu: “Các nội dung chi tiết theo Thiết kế bản vẽ thi công đã được thẩm định và phê duyệt. Theo đó, nội dung tu bổ cổng phụ sát điểm K được thể hiện trong hồ sơ bản vẽ đã trình thẩm định và phê duyệt kèm theo quyết định. Với giải trình trên, UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị Sở VHTT Hà Nội thống nhất chủ trương về nội dung này.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Có đúng việc thẩm định bản vẽ thi công do Sở VHTT Hà Nội thực hiện đã không đầy đủ, chi tiết, khiến cổng phụ số 2 đã bị xây bít kín, cổng mới đã được xây xong phần thô và đang hoàn thiện, dù hồ sơ dự án không có nội dung này? Đến đây có thể thấy, nếu cách “giải trình” của quận Bắc Từ Liêm là đúng thì Sở VHTT Hà Nội chịu phần sai. Hoặc ngược lại. Nghiên cứu kỹ báo cáo của quận Bắc Từ Liêm về vụ việc cụ thể như phá một đoạn tường bao để xây cổng mới là hoàn toàn đúng “quy trình”, không vi phạm Luật Di sản văn hóa. Trong khi đó, Sở VHTT Hà Nội lại không cho như vậy. Vì thế, có hay không việc hai bên đang đổ lỗi, trách nhiệm cho nhau?

 Giải trình của UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, chưa có bản vẽ thỏa thuận việc gia cố móng, xin được bổ sung

“Tiền trảm, hậu tấu”

Sở VHTT Hà Nội cũng ghi nhận, tại khu vực sân bia nằm cạnh tứ trụ phía ngoài cổng di tích đang xây dựng, móng được gia cố phía bên dưới của lan can đá bằng bê tông lót đá, bê tông cốt thép và đá nguyên khối xếp chồng lên nhau. Tuy nhiên, theo Dự án đầu tư tu bổ di tích đình Chèm (báo cáo tu sửa cấp thiết), không thấy có nội dung gia cố móng tại vị trí này…

Giải trình, quận Bắc Từ Liêm nêu, tại hồ sơ thỏa thuận với Sở VHTT đã thể hiện nội dung điều chỉnh vị trí lan can đá và móng, mở rộng sân giữa Tứ trụ và Nghi môn cũng như lối tiếp cận để không lấn át hạng mục cổng của di tích. Tuy nhiên, chưa có bản vẽ thỏa thuận việc gia cố móng.

Thực tế trong quá trình thi công, sau khi hạ cao độ sân giữa Tứ trụ và Nghi môn để trả về cao độ nguyên trạng, sân bia chênh cao 1,08m so với sân giữa Tứ trụ và Nghi môn. Đất tại khu vực bờ sông có cát bởi nền đất yếu dẫn đến sân bia có hiện tượng lún, nứt gây nguy cơ sạt lở xuống sân Tứ trụ và Nghi môn. Trong tình huống cấp bách, xét thấy việc gia cố móng là cần thiết, đơn vị thi công đã thực hiện việc gia cố nêu trên. Và để “hợp thức hóa”, UBND quận đề xuất Sở cho phép chỉ đạo các đơn vị liên quan bổ sung hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thỏa thuận bổ sung hạng mục móng lan can để đảm bảo thực tế phát sinh trong quá trình thi công.

UBND quận Bắc Từ Liêm cũng đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân BQL dự án đầu tư xây dựng quận đối với các nội dung trong triển khai, thực hiện dự án. Tuy nhiên, cách ứng xử tùy tiện, “tiền trảm, hậu tấu” trong tu bổ tại di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm khiến người yêu di sản không khỏi băn khoăn, cách giải quyết những tình huống “sự đã rồi” như thế này liệu có phải là cách “hợp thức hóa” những sai phạm hay không? 

 Có thể thấy, nếu cách “giải trình” của quận Bắc Từ Liêm là đúng thì Sở VHTT Hà Nội chịu phần sai. Hoặc ngược lại. Nghiên cứu kỹ báo cáo của quận Bắc Từ Liêm về vụ việc cụ thể như phá một đoạn tường bao để xây cổng mới là hoàn toàn đúng “quy trình”, không vi phạm Luật Di sản văn hóa. Trong khi đó, Sở VHTT Hà Nội lại không cho như vậy. Vì thế, có hay không việc hai bên đang đổ lỗi, trách nhiệm cho nhau?

 

PHƯƠNG ANH

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top