Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Sai phạm nghiêm trọng tại di tích lịch sử quốc gia đền Nưa (Thanh Hóa): Xử lý vi phạm theo kiểu “hòa cả làng

Thứ Tư 13/07/2022 | 10:02 GMT+7

VHO- Nhà Tiền đường của di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Nưa (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bị một cá nhân tự ý tháo dỡ toàn bộ cấu kiện gỗ rồi xây mới bằng bê tông, cốt thép khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, thế nhưng tập thể, cá nhân liên quan của UBND huyện Triệu Sơn chỉ bị phê bình và nghiêm túc rút kinh nghiệm.

 Nhà Tiền đường, yếu tố gốc của di tích quốc gia đền Nưa (bìa phải) bị tháo dỡ và xây mới bằng bê tông, cốt thép

Trong báo cáo số 390, ngày 29.6.2022 của Sở Nội vụ Thanh Hóa vể kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thuộc UBND huyện Triệu Sơn trong việc để xảy ra vi phạm tại di tích quốc gia đền Nưa, lại chưa thấy nhắc đến hình thức, mức độ kiểm điểm đối với Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn. Mặc dù, trước đó ngày 8.4.2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã ký và ban hành văn bản số 4730, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn, trong đó có nêu rõ: Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nếu để xảy ra sai phạm trong quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn.

Sai phạm nghiêm trọng tại di tích lịch sử quốc gia đền Nưa được các nhà nghiên cứu văn hóa của Thanh Hóa, cơ quan báo chí phản ánh. Theo đó, những sai phạm cũng đã được chỉ rõ trong kết luận thanh tra số 2438, ngày 30.6.2021 và báo cáo 1355, ngày 5.4.2022 của Sở VHTTDL Thanh Hóa: Để xảy ra sai phạm này, địa phương đã không thực hiện nghiêm nội dung kết luận thanh tra của Giám đốc Sở VHTTDL và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại văn bản số 2962, ngày 7.3.2022, về chủ trương đầu tư dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi hạng mục nhà Tiền đường, di tích quốc gia đền Nưa. Mặt khác, địa phương đã buông lỏng quản lý để cho thủ từ tiếp tục cố ý tổ chức thi công, hoàn thiện công trình nhà Tiền đường khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Theo đó, ngày 15.4.2022, Chủ tịch UBND tỉnh thanh Hóa đã ban hành văn bản số 5174, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn chỉ đạo kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với người đứng đầu tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Cũng tại văn bản số 390 của Sở Nội vụ Thanh Hóa có nêu, “… qua nghiên cứu báo cáo của UBND huyện Triệu Sơn và hồ sơ, tài liệu liên quan không thể hiện việc UBND huyện Triệu Sơn, UBND thị trấn Nưa đã thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra của Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa. Do đó, có cơ sở để nhận xét UBND huyện Triệu Sơn, UBND thị trấn Nưa có biểu hiện buông lỏng quản lý, để thủ từ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà Tiền đường đền Nưa khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép…”. Tuy nhiên, điều khó hiểu là, trong văn bản số 390, Sở Nội vụ lại đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận kết quả kiểm điểm của tổ chức, cá nhân liên quan thuộc UBND huyện Triệu Sơn chỉ dừng ở mức phê bình, nghiêm túc rút kinh nghiệm theo báo cáo của UBND huyện Triệu Sơn trước đó. Lý giải việc này, Sở Nội vụ Thanh Hóa cho rằng, xét nguyên nhân khách quan, việc thủ từ đền Nưa tự ý hạ giải và sửa chữa, tu bổ nhà Tiền đường xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân và du khách thập phương trong dịp lễ tết nguyên đán (năm 2021), sự nôn nóng của người dân và các bản hội. Việc thủ từ đền Nưa tự ý hạ giải, sửa chữa nhà Tiền đường không báo cáo với UBND thị trấn Nưa, sau đó vào khoảng tháng 1.2022, thủ từ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà Tiền đường vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, nên công tác kiểm tra, giám sát, cập nhật thông tin, tình hình không được thường xuyên, kịp thời.

Không biết vì sao Sở Nội vụ Thanh Hóa lại đưa ra những nguyên nhân có phần thiếu trách nhiệm với di sản văn hóa, qua đó để biện minh cho trách nhiệm của các cấp chính quyền huyện Triệu Sơn trong công tác quản lý, bảo vệ di tích lịch sử quốc gia đền Nưa, khi để một cá nhân tự ý tháo dỡ hoàn toàn các cấu kiện gỗ của nhà Tiền đường (yếu tố gốc) của một di tích rồi xây mới bằng bê tông cốt thép khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, thậm chí ngang nhiên đưa công trình vào hoạt động. Chẳng lẽ cứ dựa vào nguyên nhân khách quan nêu trên của Sở Nội vụ là muốn làm mới di tích thì làm, lúc đó những giá trị di sản văn hóa đã tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm mà ông cha để lại sẽ đi về đâu, liệu có còn được bảo vệ, bảo tồn, hay lại bị tháo dỡ rồi xây mới như di tích quốc gia đền Nưa ?

Chắc ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa, người đã ký báo cáo số 390, cũng biết rằng tại văn bản số 4730, ngày 8.4.2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa, có nêu rõ: Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Để chấn chỉnh thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nếu để xảy ra sai phạm trong quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn. 

 NGUYỄN LINH

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top