Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Số hoá di sản tài liệu Hán - Nôm đợt 3 tại Quảng Trị

Thứ Tư 27/06/2018 | 09:49 GMT+7

VH-  Di sản tư liệu Hán - Nôm là tài sản quý giá đối với lịch sử văn hoá dân tộc nói chung và lịch sử văn hoá dòng họ, làng xã, gia đình nói riêng.

 Tài liệu được là ủi cẩn thận trước khi sao chụp

Đây là nguồn tư liệu quý góp phần vào việc giữ gìn những bản sắc văn hoá dân tộc, văn hoá làng xã cũng như ở các dòng họ. Tuy nhiên, việc bảo quản và lưu giữ những nguồn tài liệu này hết sức khó khăn, hiện nay hầu hết những loại tài liệu Hán Nôm bao gồm các sắc phong, gia phả, chiếu chỉ, khế ước, địa bạ... còn lại hầu như đã hư hỏng trên 50%, do trình độ bảo quản còn thủ công, do trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử nên nguồn tài liệu này hầu như không còn được nguyên vẹn.

Nhận thấy được tầm quan trọng đó, Thư viện tỉnh Quảng Trị đã lập kế hoạch trình UBND tỉnh để thực hiện số hoá toàn bộ nguồn tài liệu Hán Nôm hiện còn lưu giữ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, qua hai đợt số hoá tại các huyện Triệu Phong (2014), huyện Gio Linh, và TP Đông Hà (2016) đã mang lại những kết quả tích cực, có hàng chục ngàn trang tài liệu được số hoá. Năm 2018 Thư viện tỉnh tiếp tục phối hợp với Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh thực hiện số hoá đợt 3 tại địa bàn huyện Hải Lăng.

Qua khảo sát, điều tra ban đầu Hải Lăng là địa bàn còn rất nhiều tài liệu Hán Nôm đang được lưu giữ tại các đình làng và dòng họ. Ngày 11.6.2018, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh tiến hành số hoá đợt 3.

 Phân loại đánh giá và ghi số thứ tự tài liệu trước khi chuyển sang công đoạn khác để sao chụp

Kết quả sau hơn 10 ngày thực hiện trên địa bàn 13 xã Hải Lăng và 2 xã ở Triệu Phong, đoàn công tác đã số hoá được 11.250 trang tài liệu bao gồm 121 sắc phong, 99 gia phả, 34 văn tế, 7 bằng cấp, 20 đơn từ và 97 tài liệu khác. Trong quá trình số hoá, sau khi phân loại, đánh giá, những tài liệu nào hư hỏng, rách nát sẽ được đoàn thực hiện phục chế, thao tác kỹ thuật tại chỗ như xịt hóa chất, là ủi, làm phẳng, phơi, sấy nhằm làm cho tài liệu trở lại trạng thái ban đầu. Toàn bộ tài liệu sau khi được số hóa, chỉnh lý, biên mục sẽ được sao chép ra đĩa CD riêng của từng làng, dòng họ, gia đình có tài liệu, giúp thuận lợi cho việc khảo cứu và lưu giữ một cách lâu dài.

Qua tiếp xúc trực tiếp với tài liệu, có nhiều bản sắc phong, bộ gia phả của làng, dòng họ còn nguyên vẹn, ghi đầy đủ thông tin từ các vị Thành hoàng của làng, các Ngài tiền khai khẩn, khai canh đến thế hệ con cháu trong làng, trong họ tộc hiện nay… rất có giá trị cho công tác nghiên cứu lịch sử hình thành các làng xã Quảng Trị; hàng trăm trang tài liệu Hán Nôm khác phản ánh tín ngưỡng, lễ tế, sinh hoạt ở các làng quê Quảng Trị; và một lượng lớn địa bạ về phân chia ruộng đất của các làng xã, cũng như của tư điền qua các thời kỳ lịch sử.

Theo ông Vĩnh Quốc Bảo - Phó Giám đốc Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh, sau khi kết thúc thành công phần việc sao chụp, số hóa, các tài liệu Hán - Nôm văn hóa cổ sẽ được nghiên cứu, dịch thuật, mã hóa tư liệu và lưu trữ tại Thư viện tỉnh Quảng Trị.

NGUYỄN HOÀI DIỆP

 

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top