Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Phạt người đi bộ là hiển nhiên!

Thứ Sáu 29/12/2017 | 08:58 GMT+7

VH- Trong giao thông, người đi bộ tỏ ra yếu thế về mọi phương diện. Yếu thế về tốc độ so với xe đạp, xe máy và đương nhiên không có gì để so với xe hơi.

Yếu về độ an toàn trong va chạm với các phương tiện khác khi tham gia giao thông! Và cũng có thể yếu cả về mặt “sĩ” so với người tham gia giao thông có phương tiện hiện đại…

 Nhưng có một nghịch lý là hình như tất cả những cái yếu ấy cộng lại thành “cái mạnh” “cho phép người ta được tự do hoàn toàn khi tham gia giao thông”! Người đi bộ “có quyền” sang đường bất cứ nơi nào họ muốn! Nếu có va chạm “đương nhiên” cái sai thuộc về người tham gia giao thông có phương tiện, chí ít là xe đạp. Không biết từ khi nào và từ đâu mà thành như thông lệ: va chạm trong giao thông lỗi thuộc về người tham gia giao thông có phương tiện hiện đại hơn. Xe máy sai khi va với xe đạp, ô tô sai khi va với xe máy… và đương nhiên xe gì va với người đi bộ đều sai. Hình thành nhận thức như vậy mà nghe đến việc phạt người đi bộ sai luật giao thông thì có vẻ kỳ quá. Thậm chí còn phạt tù, tù giam đến chung thân nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Thật khó hình dung!

Nhưng hãy dừng lại một chút suy ngẫm để thấy cái lý và cả cái tình trong luật pháp. Người đi bộ và người ngồi trên phương tiện tham gia giao thông đều là người, và vì vậy nên và phải được bình đẳng trước pháp luật. Người tham gia giao thông dù có phương tiện hay đi bộ cũng phải chấp hành luật giao thông. Không ai có quyền tuỳ tiện qua đường không những nguy hiểm cho bản thân mình mà còn nguy hiểm cho người khác, gây ách tắc giao thông. Văn hoá giao thông không cho phép người nào ứng xử tuỳ tiện xâm phạm lợi ích của người khác, lợi ích cộng đồng. Quy định người đi bộ cũng phải chấp hành nghiêm luật giao thông là hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Nó khẳng định nguyên tắc không có ai trên pháp luật và cũng không có ngoại lệ với sự “cảm thông” khi thực thi pháp luật. Với nguyên tắc ấy, tuỳ lỗi vi phạm mà định hình phạt khi tham gia giao thông dù là đi bộ hay đi trên phương tiện xe hơi hiện đại. Sự không phân biệt hình thức tham gia giao thông chính là sự bình đẳng trước pháp luật của mọi người tham gia giao thông. Nhân đây chúng tôi cho rằng cần nhắc nhở những người đi xe đạp, những người bán hàng rong, quang gánh cồng kềnh. Trên phố, nhiều người đi xe đạp dường như cũng đã tự cho phép mình không cần tuân thủ luật giao thông. Đèn đỏ vẫn “ung dung” đạp xe “tiến lên”. “Tiến lên” rồi còn “thanh thản” guồng cho xe chậm chạp đi giữa đường mặc cho các phương tiện khác phải tránh mình. Việc dùng còi xe là không hay, nhưng nhiều người đã phải bấm còi inh ỏi vì bực tức! Lại nữa, những người gồng gánh cồng kềnh vốn đã cản trở giao thông, nhưng cũng “tự cho phép mình” dềnh dang giữa phố như để phô diễn cái “tự do của người đi bộ có phương tiện cồng kềnh trên vai”!

Đất nước đổi mới, mở cửa hội nhập với khu vực và thế giới. Công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi thượng tôn pháp luật. Mọi thói quen, mọi nhận thức và hành vi trái với nguyên tắc đó cần loại bỏ. Việc người đi bộ tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm pháp luật là điều hiển nhiên. Không thể có sự thông cảm, tuỳ tiện trong thực thi pháp luật. Nên nhớ rằng, cản trở giao thông là làm chậm tốc độ phát triển của cộng đồng, của đất nước. Người đi bộ không chấp hành nghiêm luật giao thông đôi khi còn gây hậu quả nghiêm trọng chết người, phá hỏng tài sản có giá trị lớn… trong trường hợp ấy không thể không xử lý nghiêm theo pháp luật! Phạt người đi bộ chỉ áp dụng đối với người vi phạm luật giao thông. Và đương nhiên điều đó là rất nên.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại cho công bằng. Ở nước ta, người tham gia giao thông trên phương tiện xe, máy chưa có thói quen nhường người đi bộ khi có chỉ báo dành đường cho người đi bộ. Nhiều nước tiên tiến, trên đường phố có chỗ lắp cột đèn tự thông báo tín hiệu xin qua đường cho người đi bộ. Văn hoá nhường nhau mươi giây để vui vẻ cùng nhau cả hành trình cần được xác lập thành chuẩn mực tham gia giao thông của người Việt hiện đại. Hãy tôn trọng nhau để tôn trọng luật giao thông dù đi bộ hay đi trên phương tiện hiện đại, phải chăng là việc nên làm, cần làm hơn cả mọi hình phạt!

TS Nguyễn Viết Chức

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top