Sợ nhất vẫn là “hậu sự kiện”

VH- ​Ngày mới mà phải nói chuyện cũ nghe nó sái thế nào ấy. Rồi mấy ông già cùng trang lứa lại trách tội tạo cớ cho lũ trẻ nó kêu mấy ông “Khốt ta bít” tài nhắc chuyện cũ ngàn lần không chán. Đúng vậy. Khổ nhất là cái khổ “biết rồi, nói mãi”. Nhưng còn có cái khổ hơn là cái khổ “nói mãi vẫn không chuyển”! Cứ như “nước đổ lá khoai”, “nước đổ đầu vịt” vậy.

Báo giới, rồi cả xã hội đã phải lên tiếng về việc cứ sau ngày lễ, ngày hội thì phố phường, công viên, vườn hoa, thảm cỏ tan hoang, rác thải đủ loại tràn ngập như để cười nhạo những nhà tổ chức sự kiện. Hiện tượng này phổ biến đến mức thành phố nào cũng có. Kỳ cuộc nào cũng có. Chỉ khác nhau đôi chút về mức độ. Ngày mới tết Dương lịch vừa rồi cũng không phải là ngoại lệ ở nhiều thành phố về hành vi thiếu văn hóa kiểu tàn phá và xả thải bừa bãi ra môi trường. Ai phá, ai xả bừa bãi? Mấy ông bà già ngồi ngán ngẩm, chép miệng đổ tội cho lũ trẻ: Là cái bọn thanh niên hư hỏng? Nói như vậy có định kiến quá không? Chẳng lẽ tham gia lễ hội, tham gia các sự kiện văn hóa lớn như vậy chỉ toàn thanh niên hư hỏng? Thanh niên, đoàn viên tốt đâu? Người tốt đâu? Chẳng lẽ chỉ có người hư hỏng tham gia những sự kiện như vậy? Chắc không phải thế. Nhưng có người lại lý sự: Chỉ ít người xấu làm hỏng cả cái tốt. Nếu đúng như thế thì cái xấu nhỏ bé đang lấn át cái tốt to lớn sao? Nói chung, giải thích thế nào cũng không ổn.

Và thế là người ta đem so sánh cái văn minh ở xứ người với tâm trạng chán nản, thậm chí miệt thị người Việt như là giống người có nhiều tật xấu nhất hành tinh vậy. Nói như vậy có quá lắm không? Không những quá mà còn để người ta nghĩ không vui rằng: Ai cũng cho phép mình đứng ngoài cái yếu kém của cộng đồng, và có thể suy ra rằng cộng đồng kém, còn mình thì… Thật nực cười! Hãy thấy xấu hổ và bóng dáng mình trong cái thiếu văn hóa đó. Cho dù mình không hề có hành vi như thế. Cho dù mình cũng đã từng không ít hơn một lần lên tiếng phản đối việc thiếu văn hóa đó. Nhưng việc như thế còn tồn tại thì chính mình, những người lịch sự (chí ít là tự cho mình là có văn hóa) phải thấy xấu hổ, bất bình và cùng nhau tìm biện pháp “tiễu trừ” dịch bệnh tệ hại này. Điều đó có nghĩa là cộng đồng phải vào cuộc, phải tẩy chay những hành vi thiếu văn hóa làm tổn hại thanh danh cộng đồng, phải đồng thuận để cơ quan chức năng có biện pháp trấn áp những kẻ cố tình gây ra tình trạng xấu lặp đi lặp lại ở khắp các thành phố như một vấn nạn đáng xấu hổ này.

Có cán bộ làm công tác văn hóa tâm sự với chúng tôi: Thời các bác làm văn hóa sướng thật. Bây giờ chúng em không chỉ lo về chuyên môn, nghiệp vụ sao cho sự kiện thật hay, thật hoành tráng, mà lo nhất lại là sau sự kiện, rác có ngập tràn không, cây cỏ, hoa lá có bị giẫm nát không? Sau lễ hội, sau sự kiện, mà hoa lá, cây cỏ nát, rác thải tràn ngập thì chúng em có diễn hay mấy cũng chẳng được tiếng hay. Nói thật chúng em có khả năng tổ chức nhiều sự kiện không thua kém nước ngoài, nhưng sợ nhất vẫn là “hậu sự kiện”. Mà cái đó ngoài khả năng của chúng em. Anh em trong ngành Công an cũng hết sức vất vả, có mặt trước thời gian sự kiện diễn ra, rời hiện trường sau khi sự kiện kết thúc. Vậy mà cũng chỉ đảm bảo an toàn cho sự kiện diễn ra, còn gần như bất lực trước đám đông giẫm đạp vườn hoa công viên và xả rác bừa bãi. Chẳng thế mà có cuộc trưng bày hoa anh đào Nhật Bản chỉ có mươi cây mà cần đến hàng trăm cảnh sát để bảo vệ.

Tết Nguyên đán cổ truyền sắp đến. Nhà nhà vui Tết. Phố phường vui Tết. Ai cũng muốn có một không khí thật vui tươi đón xuân về. Nhưng rồi ai cũng lo lắng về một việc không biết do ai mà năm nào cũng thế: Hoa nát, cây gãy! Người ta bẻ lộc một cách không thương xót cây xanh! Người ta chen lấn, giẫm đạp một cách không thương tiếc thảm cỏ! Và người ta… Và người ta…

Còn mình thì sao? Ngoài cuộc. Mặc dù mình cũng có mặt trong cuộc vui đó. Có lẽ phải có một cơ chế để cái tốt, người tốt được lên tiếng, phải lên tiếng. Xã hội mà cái xấu lấn át cái tốt, cái tốt lặng im trước cái xấu là xã hội không bình thường, xã hội yếu kém. Hãy truy tận gốc về điều đó có lẽ mới triệt được cái bệnh mà ai cũng nghĩ không phải là của mình nhưng lại là của chúng ta. Bệnh thiếu văn hóa!

lTS NGUYỄN VIẾT CHỨC

Ý kiến bạn đọc