Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Nhiều hoạt động tưởng niệm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Thứ Sáu 24/03/2023 | 19:19 GMT+7

VHO - Nhân tưởng niệm 43 năm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng (30.3.1980-30.3.2023), Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP.HCM) phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động về Bác Tôn. Trong những năm qua, Bảo tàng đã chủ động xây dựng các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và từng đối tượng để thu hút công chúng tìm hiểu về Bác Tôn.

Triển lãm “Bác Tôn với Quốc hội khóa I, 1946 -1960” tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, diễn ra đến ngày 31.7.2023

Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những lớp chiến sĩ đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng vô sản Việt Nam. Bác Tôn sinh ngày 20.8.1888, tại Cù lao Ông Hổ, nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sau khi tốt nghiệp sơ học, Bác rời quê hương lên Sài Gòn học việc ở Trường Cơ khí Á Châu và trở thành người thợ máy. Sự lựa chọn này đã đưa Bác đến với giai cấp công nhân. 

Có nhiều sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn. Với góc nhìn theo bối cảnh lịch sử, chúng ta thấy được Bác là nhân chứng theo suốt cuộc đấu tranh vì tự do, độc lập dân tộc và toàn vẹn chủ quyền. Bắt đầu từ thời kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn đến những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, rồi 15 năm ngục tù Côn Đảo, trải qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và hai cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc,… Trong cuộc đời, trên bất kỳ cương vị nào, là người thợ máy hay Chủ tịch nước, Bác Tôn luôn thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng: bình dị, thanh liêm chính trực; hết lòng vì nước, vì dân; sẵn sàng hy sinh, đặt lợi ích chung lên trên hết, Bác luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí, sẵn lòng chia sẻ khó khăn với mọi người. 

Bác Tôn đã sống và cống hiến trọn một đời cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Nhân cách ở Người là sự gương mẫu, tiêu biểu cho đạo đức cách mạng, là bài học thiết thân cho các thế hệ mai sau về ý chí kiên cường và tinh thần đấu tranh cách mạng, về tài tổ chức, tập hợp lực lượng, về tinh thần đại đoàn kết. Với những cống hiến to lớn của mình, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên nhận được Huân chương Lê-nin, Giải thưởng Lênin “Vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc”. Bác cũng là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Thiết chế văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với công tác giáo dục truyền thống

Bảo tàng Tôn Đức Thắng được thành lập nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20.8.1888-20.8.1988). Trong hệ thống các Bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Tôn Đức Thắng có vị thế hết sức đặc biệt. Đây là một trong hai bảo tàng lưu niệm danh nhân hiện có ở nước ta: Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Đây cũng là nơi duy nhất trong cả nước giới thiệu khá đầy đủ, có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Bảo tàng chủ động xây dựng các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp, thu hút học sinh, sinh viên tìm hiểu về Bác Tôn

Ngày 12.10.2020, dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng được khởi công theo quyết định của UBND TP.HCM. Trong giai đoạn thi công xây dựng mới, phòng tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được cung thỉnh và an vị tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM. Tại đây, một phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng được bố trí bên cạnh phòng tưởng niệm Bác Tôn để phục vụ công chúng, các đoàn khách đến tham quan, dâng hoa, dâng hương.

Theo ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, trong những năm qua, Bảo tàng Tôn Đức thắng đã chủ động xây dựng các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với thực tế của đơn vị và từng đối tượng để thu hút công chúng tìm hiểu về Bác Tôn. Bảo tàng đã tổ chức nhiều chuyến tuyên truyền đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ, các trường mang tên Tôn Đức Thắng tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Từ khi bảo tàng xây dựng mới cùng với nguyên nhân khách quan của dịch Covid-19, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã linh hoạt đề ra biện pháp tăng cường hoạt động tuyên truyền giáo dục qua hình thức trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng lại vừa đảm bảo thực hiện an toàn trong tình hình dịch bệnh xảy ra… Thông qua hình thức này, đơn vị đã tận dụng được nguồn tài nguyên miễn phí từ internet để tạo ra một hình thức tuyên truyền giáo dục mới đầy sinh động, hấp dẫn cho công chúng. 

Được biết, dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng có quy mô hơn 2.000m², trong đó phần diện tích trưng bày phải đáp ứng yêu cầu chuyển tải 5 chủ đề trưng bày thường xuyên, các trưng bày ngắn hạn, cũng như các hoạt động trải nghiệm. Khi hoàn thành, Bảo tàng sẽ có đầy đủ các khu chức năng, không gian trưng bày, kho hiện vật, phòng xử lý kỹ thuật phim ảnh, không gian làm việc,…

Ông Phạm Thành Nam cho biết, nhân tưởng niệm 43 năm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng (30.3.1980-30.3.2023), Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp với Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tỉnh An Giang tổ chức triển lãm “Bác Tôn với Quốc hội khóa I, 1946 -1960” nhằm giúp công chúng hiểu rõ về những đóng góp của Bác Tôn đối với Quốc hội khóa I. Triển lãm 83 hình ảnh, tư liệu, giới thiệu đến công chúng sự ra đời của Quốc hội Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh, đó vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Triển lãm sẽ diễn ra đến ngày 31.7.2023, tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên. “Sinh thời, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là nhà cách mạng lão thành, một tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống… Trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng không chỉ là sự ghi nhận, biểu dương những cống hiến của Bác và bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta với Bác, mà còn tạo ra một thiết chế văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với công tác giáo dục truyền thống. Vì thế, đẩy mạnh các hoạt động của bảo tàng chính là sự hưởng ứng tích cực của chúng ta đối với phong trào học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, Bác Tôn”, ông Nam bày tỏ.

Cũng trong dịp này, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng”. Cuộc thi dự kiến tổng kết và trao giải ngày 30.3.2023. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, Bảo tàng tổ chức hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi TP.HCM Bác Tôn”. Hội thi tổ chức hằng năm thu hút sự tham gia của đông đảo thiếu nhi trên địa bàn TP. Qua hội thi, các em được động viên để cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Hội thi Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một nhân cách lớn được Bảo tàng phối hợp với Liên Đoàn Lao động TP.HCM tổ chức từ 2003 nhân dịp các năm tròn sinh nhật Bác Tôn, thu hút sự tham gia của đông đảo công nhân, viên chức, người lao động thuộc liên đoàn lao động các quận, huyện của Thành phố. Hội thi “Sắc màu quanh em” được Bảo tàng phối hợp với Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM tổ chức, dành cho đối tượng là học sinh trung học cơ sở…

Trong thời gian qua, Bảo tàng Tôn Đức Thắng là một trong những Bảo tàng có nhiều sáng tạo, năng động trong việc tổ chức các hoạt động. Mặc dù cơ sở vật chất của bảo tàng còn hạn chế (diện tích hẹp, không gian trưng bày chưa thật phù hợp với yêu cầu bảo tàng, hiện vật, tài liệu trưng bày còn ít...), nhưng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn của Bảo tàng đã luôn suy nghĩ tìm tòi và mạnh dạn tiến hành đổi mới, nâng cấp trưng bày. Nhờ đó, trưng bày của Bảo tàng ngày càng hấp dẫn hơn, hiệu quả giáo đục được tăng cường hơn. Bảo tàng cũng đặc biệt chú trọng công tác sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật từ nhiều nguồn khác nhau (gia đình Bác Tôn, các địa phương trên toàn quốc, các bảo tàng quốc gia và các bảo tàng tỉnh, thành phố có hiện vật về Bác); tăng cường cho kho cơ sở và phục vụ việc chính lý, nâng cấp trưng bày của Bảo tàng.

Nhân tưởng niệm 43 năm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng, vào sáng ngày 30.3 tới đây, Bảo tàng Tôn Đức Thắng sẽ tổ chức họp mặt truyền thống, tại Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM.

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top