Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Bảo vệ xuất bản phẩm bằng giải pháp công nghệ

Thứ Tư 27/10/2021 | 11:21 GMT+7

VHO- Những năm gần đây, dù ngành xuất bản đã triển khai nhiều phương thức ngăn chặn, nhưng hoạt động in lậu vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Trong bối cảnh đó, tem điện tử được đưa ra như là giải pháp cho vấn nạn nhức nhối này.

  Tem điện tử sẽ là giải pháp cho ngành sách chống in lậu Ảnh: ITN

Đây cũng được xem là xu thế ứng dụng công nghệ vào ngành xuất bản, in và phát hành trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tem chống sách giả cũng bị... làm giả tinh vi

Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức Hội thảo Ứng dụng tem điện tử vào quản lý sản phẩm In và phòng chống in lậu tại Hà Nội. Theo đó, trước thực trạng in lậu và các hành vi vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ngày càng tinh vi, nhiều nhà xuất bản, đơn vị làm sách đã chủ động tự bảo vệ mình bằng việc sử dụng tem để phân biệt sách thật, sách có bản quyền với sách giả, sách lậu. TS Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: “Sách giáo khoa chiếm tỷ lệ khá lớn trên thị trường, khoảng 200 triệu bản trong số hơn 300 triệu bản của ngành, như vậy, cứ 3 cuốn ngoài thị trường thì có 2 cuốn của NXB Giáo dục. Với số lượng lớn như vậy, một hợp đồng in tới cả triệu bản, thậm chí cử cán bộ trực tại nhà in cũng không kiểm soát được. Chúng tôi nghĩ ra cách dùng tem, in 1 triệu bản thì giao cho nhà in đúng 1 triệu tem”.

Các sách của NXB Giáo dục không có tem là sách lậu. Từ dấu hiệu này, các cơ quan chức năng, công an, quản lý thị trường nhận biết để có thể dễ phát hiện sách giả. “Chúng tôi dùng tem hologram (tem 7 màu) cả chục năm nay và thấy hiệu quả. Cách đây vài tháng, vụ bắt được 3 triệu cuốn sách lậu cũng nhờ tem. Tuy nhiên, cũng dần xuất hiện nhược điểm, tem chống giả bị làm giả, việc phân biệt tem thật và giả bằng mắt thường rất khó”, TS Nguyễn Đăng Quang nói.

Là một trong những đơn vị có sản phẩm bị in lậu nhiều nhất, NXB Trẻ cũng lúng túng trước tình trạng này. Ông Hoàng Anh Hào, đại diện NXB Trẻ chia sẻ: “Hằng năm, NXB có khoảng 2.000 đầu sách, đặt in tại 4 nhà in ở TP Hồ Chí Minh, chưa in ở phía Bắc vì không quản lý được. Để đối phó với nạn in lậu, NXB cũng đưa giải pháp dán tem trong 5-6 năm nay, với tem in 7 màu, 1 quý hay 6 tháng lại thay đổi mẫu tem; bên cạnh đó còn có lớp phủ cào, khi bạn đọc nhắn tin dãy số dưới lớp này gửi cho NXB thì sẽ nhận được điểm tích lũy, có thể dùng điểm đổi sách. Đó là tương tác giữa NXB và bạn đọc để khuyến khích bạn đọc mua sách thật. Tuy nhiên, sách lậu trên thị trường vẫn bán tràn lan, bạn đọc khó phân biệt thật, giả qua tem. Hơn nữa, 1 bộ sách thật giá 1,5 triệu đồng, sách giả bán có 300.000 đồng nên nhiều người bán sách và bạn đọc vì ham giá rẻ vẫn mua”. Ông Hoàng Anh Hào kỳ vọng, các sản phẩm tem sắp tới cần dễ nhận biết hơn, chống giả tốt hơn để NXB quản lý được sản phẩm của mình, từ đó, có thể tính đến phương án in ở phía Bắc để giảm chi phí...

Việc chống sách lậu, sách giả, các đơn vị từng có nhiều giải pháp nhưng cũng đang trong tình trạng khó khăn chung toàn ngành. Đại diện Công ty cổ phần Sách Alpha cho biết, đã sử dụng tem 7 màu từ những năm đầu ra sách, nhưng hiện nay cũng khó phân biệt hàng giả, hàng nhái. Trước đây công ty có ý tưởng làm tem từ, nhưng chi phí khá cao trong khi lợi nhuận của ngành xuất bản ít.

Giải pháp công nghệ cho ngành sách

Tại Hội thảo, nhiều đơn vị đã giới thiệu các sản phẩm tem chống giả điện tử, với các lớp bảo mật: Dùng mã QR, mã vạch, số ký tự, lớp phủ nhũ dành cho người dùng (chỉ xác thực được 1 lần), lớp dữ liệu ẩn đặc biệt... Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, tem điện tử, tem thông minh có thể ứng dụng cho các sản phẩm của ngành xuất bản với số lượng không nhiều trên mỗi mã sản phẩm, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng cao, chi phí phù hợp, giúp bảo vệ bản quyền. Với mã ẩn đặc biệt, loại tem này khó bị sao chép (chống giả cao cho chính con tem).

Người dùng có thể quét mã QR để biết hàng nhái, hàng giả và tham gia vào công cuộc chống sách lậu. Hơn thế nữa, các tem điện tử không chỉ dùng để phân biệt thật giả, mà nó còn chứa rất nhiều dữ liệu về sản phẩm, gồm thông tin từ việc sản xuất đến người sử dụng sản phẩm. Ứng dụng vào lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, ngoài việc quản lý xuất bản phẩm được tốt hơn, các dữ liệu ở tem điện tử còn giúp cho các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách biết được chính xác hơn thị hiếu đọc của thị trưởng, theo lứa tuổi, khu vực... và nắm bắt kịp thời sự thay đổi này theo thời gian.

Tuy nhiên, đại diện nhiều đơn vị xuất bản còn băn khoăn về khả năng chống giả cho con tem cũng như tính chính xác khi quét mã ẩn; việc cảnh báo sớm khi phát hiện tem giả, vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu của doanh nghiệp... Mã QR code là trào lưu xu hướng, tuy nhiên lại phụ thuộc vào thiết bị thông minh...

Ông Việt Anh, đại diện NXB Kim Đồng cho rằng: “Để chống làm giả, chúng ta sản xuất ra mặt hàng khác khó làm giả hơn để dán lên sách. Nhưng có bao nhiêu bạn đọc sẽ rút thiết bị ra quét mã để xem sách bị làm giả hay không? Bởi vậy, tem đúng hơn là dành cho NXB và cơ quan chức năng. Tôi mong muốn con tem ấy có cách nào đó vừa bí mật vừa công khai, bản thân người làm sách dễ nhận ra sách giả hay sách thật...”.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Đăng Quang cho rằng: “Mua hàng giá trị lớn, người dùng chắc chắn sẽ quét mã, vì giá trị hàng giả, thật khác nhau hoàn toàn. Trong khi đó, sách giả làm giống 90% sách thật, nhiều sách giả giá rẻ hơn, mọi người mua vì tính năng sử dụng na ná nhau. Bên cạnh đó, phương án dùng thẻ cào có tính xác thực tương đối cao, nhưng quản lý thị trường vào kiểm tra cuốn nào phải mua cuốn đó mới được cào phần nhũ để kiểm tra, lại không tái kiểm tra được khi nhập mã cào này lần 2 (thiết bị sẽ báo mã đã sử dụng, không giúp phân biệt sách thật, sách giả...). Biện pháp dán tem là phương án tốt nhất, nhưng cần hoàn thiện tem ấy”.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định, xuất bản là ngành công nghiệp nội dung, gắn liền với sự sáng tạo, nên phải làm chặt chẽ khâu bản quyền để bảo vệ sáng tạo. Con tem công nghệ không đơn thuần là giải pháp kỹ thuật, mà trong đó có thể chứa nhiều thông tin, thậm chí cả nội dung của cuốn sách, kết nối giữa người làm sách - độc giả - đơn vị quản lý. Dù vậy, theo ông Nguyễn Nguyên: “Tem chỉ là một trong những giải pháp để chống in lậu, không phải giải pháp duy nhất. Việc đặc biệt quan trọng là nâng cao nhận thức, để người đọc sử dụng sách thật, bên cạnh đó cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm bản quyền. Hiện nay, thị trường sách không quá lớn nhưng hướng tới trong tương lai, đến năm 2030 mỗi năm ngành có 700-800 triệu bản sách. Đây là thị trường tiềm năng để các đơn vị làm tem, xuất bản kết hợp bảo vệ sản phẩm bằng giải pháp công nghệ”. 

TRUNG HIẾU

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top