Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Bộ GD&ĐT giải trình thế nào về​ kỳ thi THPT quốc gia?

Thứ Tư 26/09/2018 | 09:25 GMT+7

VH-  Như tin đã đưa, tại Phiên họp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 24.9, Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan đã giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại phiên họp giải trình sáng 24.9

 Vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế

Lý do tổ chức kỳ thi được Bộ GD&ĐT là một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định trong Điều 31 Luật Giáo dục: “Học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp bằng tốt nghiệp THPT”. Bộ GD&ĐT cũng nêu quá trình đổi mới kỳ thi ĐH-CĐ và thi THPT từ giai đoạn trước năm 2002 tới nay. Theo đó, phương thức thi ĐH-CĐ từ phương án các trường tự tổ chức đến một kỳ thi 3 chung và từ năm 2015 thì dùng kết quả của kỳ thi THPTQG làm căn cứ tuyển sinh. Về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT thừa nhận có những hạn chế, bất cập và sai sót nhất định trong việc xây dựng đề thi, trong khâu coi thi, khâu chấm thi... từ đó bước đầu xác định trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, trách nhiệm của các địa phương và các tổ chức cá nhân liên quan... Bộ GD&ĐT cũng báo cáo việc xử lý sai phạm, khắc phục hạn chế của kỳ thi...

Cụ thể, việc xây dựng đề thi chưa thật sự phù hợp với Kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, có một số câu hỏi thi khó hơn đề thi các năm trước, đặc biệt khó so với yêu cầu của thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đối với khâu coi thi, một số cán bộ coi thi vẫn còn chưa thực hiện hết chức trách của mình, kiểm tra chưa nghiêm còn để tình trạng thí sinh tô nhầm số báo danh, mã đề, tô mờ các phương án trả lời nên phải chấm thủ công bài thi; thiếu chữ ký của cán bộ coi thi trong phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Cá biệt, có phó trưởng điểm thi đến từ ĐH, CĐ không ký, ghi rõ họ tên lên tem niêm phong túi đựng bài thi như hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GD&ĐT. Đối với khâu chấm thi, còn có hiện tượng thay đổi điểm phúc khảo do cán bộ chấm thi cộng nhầm điểm thi môn Ngữ văn (tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Nam Định, Phú Yên, Thừa Thiên Huế), thay đổi điểm do Ban Chấm thi nhập sai điểm môn Ngữ văn (tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hậu Giang), thay đổi điểm phúc khảo do lỗi quét phiếu trả lời trắc nghiệm (tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Nam Định), thay đổi điểm phúc khảo do định dạng phiếu trả lời trắc nghiệm không chuẩn, cán bộ xử lý bài thi trắc nghiệm sửa không hết (tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Phú Yên). Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số Hội đồng thi (đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình), gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 rà soát, đánh giá và hướng dẫn các địa phương xử lý; đồng thời nghiêm khắc phê bình và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh các địa phương xảy ra sai phạm và có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.

Giải pháp cho kỳ thi THPT quốc gia những năm tiếp theo

Theo Bộ GD&ĐT, ngày 8.8.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2018. Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật, nhất là việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia... Bộ GD&ĐT đã tổ chức sơ kết, đánh giá việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ nhằm phát huy ưu điểm của kỳ thi trong những năm qua và tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật đảm bảo giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi trong những năm tiếp theo. Cũng theo Bộ GD&ĐT, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tiếp tục giữ ổn định đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới (từ năm 2019 đến năm 2023).

Về các bài thi, môn thi, trong các năm 2019 và 2020 việc tổ chức các bài thi được giữ ổn định như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế từng bước phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu điều kiện cho phép có thể thí điểm tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính. Cùng với việc hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và công bố định hướng đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ phù hợp với chương trình sách giáo khoa phổ thông mới theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương và tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh. Về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tập trung rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi trong các năm 2019 và 2020. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh, kiểm tra, giám sát, gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của các địa phương đối với các Hội đồng thi. Đồng thời, cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả thi. Theo đó, sẽ tổ chức chấm theo cụm hoặc chấm chéo bài thi giữa các tỉnh, đảm nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. Đặc biệt, Bộ yêu cầu cán bộ giám sát chấm thi trắc nghiệm phải có trình độ tốt về công nghệ thông tin, bố trí các phương tiện kỹ thuật cao (như camera) giám sát quá trình chấm thi... 

QUỐC HÙNG

 

 

 

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top