Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

​Quy định mới về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước: Vì sao lấy dấu mốc năm 1993?

Thứ Sáu 05/10/2018 | 10:45 GMT+7

VH- Trao đổi với Văn hóa về Nghị định 133/2018/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2014/NĐ-CP về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, ông Phùng Huy Cẩn (Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ VHTTDL) cho biết, Nghị định 133 có nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những vướng mắc thực tế từ mùa xét tặng Giải thưởng gần đây, với mục đích cao nhất nhằm đảm bảo quyền lợi và tôn vinh những cống hiến của các văn nghệ sĩ với nền VHNT nước nhà.

 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng các tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (5.2017). Ảnh: TR. HUẤN

P.V: Xin ông cho biết rõ hơn về những điểm mới trong Nghị định 133 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2014/NĐ-CP về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT?

- Ông Phùng Huy Cẩn: Trong suốt hai năm qua, Bộ VHTTDL đã nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, giới văn nghệ sĩ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 90.

Theo đó, có bốn nội dung sửa đổi, bổ sung. Đầu tiên là về dấu mốc năm 1993. Điều kiện để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT trong Nghị định 90 quy định tác phẩm “đã được công bố, sử dụng dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát và các hình thức khác kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) 2.9.2945”. Nay Nghị định 133 sửa đổi, bổ sung điều kiện để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cụ thể hơn, đặc biệt lấy dấu mốc 1993 để soi chiếu.

 ​Đối với ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung thì những nội dung này có thể nói là “cứu cánh”, và dấu mốc 1993 đã được lựa chọn để đưa vào Nghị định sửa đổi, bổ sung như một căn cứ pháp lý rạch ròi khi xét tặng. Sau khi xin ý kiến của các bộ phận liên quan, chúng tôi cũng nhận được sự đồng tình bởi tính thuyết phục của căn cứ pháp lý này khi xét tặng các Giải thưởng. (Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ VHTTDL)

Dấu mốc 1993 được xác định làm căn cứ pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác xét tặng áp dụng. Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng từ năm 1993 trở về trước có giá trị đặc biệt xuất sắc, nhưng không có giải thưởng, huy chương vì những lý do khách quan vẫn được xem xét. Tuy nhiên, sau năm 1993 phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí về giải thưởng như phải có các giải A, B, giải Vàng, Bạc...

Điểm mới thứ hai ở Nghị định 133 là quy định hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng các Giải thưởng được ít nhất 80% tổng số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp bỏ phiếu đồng ý thì hồ sơ đó đã đủ điều kiện để trình lên Hội đồng cấp cao hơn. So với Nghị định 90 thì con số này đã giảm 10%. Đây cũng là kiến nghị đã được các văn nghệ sĩ và các nhà quản lý đưa ra tại những hội thảo trước đây. Đến thời điểm này, trong số 7 Nghị định về xét tặng các giải thưởng, danh hiệu thì duy nhất có Nghị định 133 giảm tỉ lệ phiếu thông qua của các thành viên Hội đồng.

Thứ ba, trong Nghị định 90 quy định phiên họp có ít nhất 75% thành viên thì mới có giá trị pháp lý. Tuy nhiên qua các hội thảo được tổ chức, tiếp thu ý kiến từ các văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa, Nghị định 133 quy định: “Hội đồng tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 90% thành viên Hội đồng, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng uỷ quyền”.

Thứ tư là quy định mang tính chất mở, được hiểu là để bảo vệ quyền lợi tối đa và nhằm ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của các văn nghệ sĩ tài năng. Theo đó Nghị định 133 quy định: “Xem xét đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và bỏ phiếu đối với các tác phẩm, công trình VHNT có giá trị đặc biệt xuất sắc, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống xã hội nhưng chưa đạt tỉ lệ phiếu đồng ý theo quy định tại Hội đồng cấp Nhà nước”.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao giải thưởng Nhà nước cho các tác giả và đại diện các tác giả (tháng 5.2017). Ảnh: TR HUẤN

Dấu mốc năm 1993 được xem như một căn cứ pháp lý tại Nghị định sửa đổi, bổ sung này. Vì sao lại là năm 1993, thưa ông?

- Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Quyết định số 25-TTg về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp VHNT. Điều 4 tại Quyết định này quy định rõ về thành lập Quỹ Giải thưởng VHNT của Chính phủ. Theo đó, hằng năm, các Hội VHNT tổ chức tuyển chọn và khen thưởng các tác phẩm, công trình VHNT xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình. Bộ VHTT chủ trì và cùng với các Hội VHNT tổ chức việc tuyển chọn các tác phẩm, các công trình về VHNT xuất sắc để Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng. Bên cạnh đó, đối với những người có công sưu tầm các giá trị văn học dân gian, các hiện vật bảo tàng có giá trị, những người có công bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần, bao gồm cả các bí quyết ngành nghề thủ công truyền thống được xét khen thưởng xứng đáng.

 Theo ông, những quy định mới tại Nghị định 133 cơ bản đã khắc phục được những vướng mắc thực tế từ những mùa giải trước, khi công tác xét tặng Giải thưởng được áp dụng theo Nghị định số 90 hay chưa?

- Không có một Nghị định, văn bản pháp lý nào có thể điều chỉnh được toàn diện những vấn đề muôn hình vạn trạng từ thực tiễn, nhưng tôi cho rằng, những sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 133 đã thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ, nhà quản lý và dư luận. Dưới góc độ quản lý nhà nước thì cái gì cũng phải có đủ các yếu tố định tính và định lượng, nếu không sẽ rất khó. Phải cùng lúc trên hai thanh ray thì con tàu mới có thể đi xa và giữ thăng bằng được. Do đó, Nghị định 133 cơ bản đã đáp ứng được nhiều yếu tố, giải quyết được một số vướng mắc mà dư luận từ mùa Giải thưởng trước đã cho rằng còn cứng nhắc và thiếu linh hoạt.

Đối với ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung thì những nội dung này có thể nói là “cứu cánh”, và dấu mốc 1993 đã được lựa chọn để đưa vào Nghị định sửa đổi, bổ sung như một căn cứ pháp lý rạch ròi khi xét tặng. Sau khi xin ý kiến của các bộ phận liên quan, chúng tôi cũng nhận được sự đồng tình bởi tính thuyết phục của căn cứ pháp lý này khi xét tặng các Giải thưởng.

Tuy nhiên, có những băn khoăn rằng sau Quyết định năm 1993, các kỳ thi, hội diễn có được tổ chức thường xuyên cũng như các văn nghệ sĩ có điều kiện tham gia để có các giải thưởng đáp ứng quy định tại Nghị định 133 hay không?

- Tôi xin nói rõ thêm về tiêu chuẩn xét tặng các Giải thưởng sau năm 1993. Đối với Giải thưởng Hồ Chí Minh, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, có giá trị đặc biệt xuất sắc về VHNT, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật... thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn: đã được tặng giải Vàng, giải A, giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức hoặc Giải thưởng cao nhất của Hội VHNT chuyên ngành TƯ thuộc lĩnh vực chuyên ngành, hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT quốc tế có uy tín.

Đối với việc xét Giải thưởng Nhà nước, ngoài các tiêu chuẩn chung, những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng sau năm 1993 phải đáp ứng các tiêu chí về Giải thưởng: Đã được tặng giải Nhất, Nhì, Ba (giải A, B, C hoặc Vàng, Bạc, Đồng) tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức; hoặc được tặng Giải Nhất, Nhì, Ba (giải A, B, C hoặc Vàng, Bạc, Đồng) của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải thưởng chính tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT quốc tế có uy tín.

Tuy nhiên, nếu để đặt câu hỏi liệu sau năm 1993, các kỳ thi, hội diễn có được tổ chức thường xuyên, cũng như các nghệ sĩ có điều kiện tham gia để đủ giải thưởng hay không, tôi vẫn khẳng định lại quan điểm rằng mọi văn bản quy phạm pháp luật đều tiếp cận đến sự công bằng tương đối chứ khó có thể toàn diện. Tôn trọng, tạo điều kiện tối đa nhằm bảo vệ quyền lợi và tôn vinh tài năng, cống hiến của các văn nghệ sĩ nhưng vẫn cần có những quy định pháp lý đủ định tính, định lượng khi thực hiện công tác xét tặng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PHƯƠNG ANH (thực hiện)

 

 

 

=

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top