Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Bảo tàng gặp khó vì tranh cãi thuế tài trợ

Thứ Sáu 19/10/2018 | 10:34 GMT+7

VHO- Nguy cơ cắt giảm ưu đãi thuế tài trợ có thể đẩy các bảo tàng, trong đó có Bảo tàng Louvre, một trong những biểu tượng về nghệ thuật tại Pháp đứng trước nguy cơ gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Viện Bảo tàng Louvre là một trong những bảo tàng nghệ thuật và lịch sử nổi tiếng bậc nhất trên thế giới

Sẽ giảm nguồn thu

Đề xuất giảm mức ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp làm hoạt động từ thiện đã gây tranh cãi lớn trong giới nghệ thuật và văn hóa Pháp. Đề xuất này có thể làm ảnh hưởng lớn tới các khoản tài trợ có trị giá lên tới hàng triệu euro của các tập đoàn dành cho Bảo tàng Louvre cũng như các bảo tàng và trung tâm tổ chức nghệ thuật tại châu Âu.

Viện bảo tàng Louvre hiện đang là một trong những bảo tàng nghệ thuật và lịch sử nổi tiếng bậc nhất trên thế giới. Bên cạnh Tháp Eiffel, đây cũng được coi như biểu tượng về kiến trúc của “kinh đô ánh sáng” Paris. Bảo tàng Louvre hiện là nơi trưng bày các hiện vật về những nền văn minh cổ, nghệ thuật Hồi giáo và nghệ thuật châu Âu từ thế kỷ XIII cho tới giữa thế kỷ XIX. Mỗi năm, bảo tàng đón khoảng gần 10 triệu lượt khách, đây cũng được đánh giá là bảo tàng thu hút khách tham quan nhất thế giới.

Theo thống kê, Bảo tàng Louvre từng nhiều lần giữ vị trí đầu bảng trong số những địa điểm thu phí được thăm quan nhiều nhất tại Paris. Riêng trong năm 2014, đã thu hút được 9,2 triệu lượt khách tham quan. Theo thống kê, cứ trên 10 khách tham quan bảo tàng Louvre trong năm 2014, có đến 7 là du khách nước ngoài. Đông nhất vẫn là du khách đến từ Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc và Nga. Lượng khách ghé thăm thường niên tại Louvre đứng trên Tháp Eiffel, chỉ xếp sau nhà thờ Đức Bà và nhà thờ Sacré-Coeur. Đây cũng là nơi cung cấp việc làm cho khoảng 2.000 nhân công tại Paris.

Dù vậy, chi phí hoạt động tại nơi này vẫn phụ thuộc một phần vào các khoản tài trợ đến từ các tổ chức và doanh nghiệp và nhà nước. Năm 2006, Bảo tàng Louvre được nhà nước cấp 109,98 triệu euro. Doanh thu bảo tàng đạt 72,74 triệu euro, trong đó hơn 40 triệu từ tiền vé, 13 triệu từ các tổ chức bảo trợ, còn lại là từ các hoạt động văn hóa và nguồn tài trợ của một số doanh nghiệp như LCL, Accenture hay Blue Martini. Trên thực tế, trong suốt 15 năm qua, các ưu đãi về thuế đóng vai trò lớn trong tổng giá trị các khoản đóng góp từ thiện tại Pháp. Những ưu đãi này đã giúp khoản tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật hoặc từ thiện tại nước này tăng gấp 4 lần. Cũng vì lý do đó, nhiều trung tâm văn hóa cũng như bảo tàng đều duy trì hoạt động. Tuy nhiên, các chính trị gia lại cho rằng, các khoản ưu đãi này chính là tác nhân gây nên sức ép nặng nề cho người đóng thuế. Hiện tại, theo quy định của Pháp, các cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp các khoản tài trợ về nghệ thuật, giáo dục và các lĩnh vực liên quan có thể hưởng mức khấu trừ lên tới 930 triệu euro (khoảng 1 tỉ USD) một năm trong hóa đơn tiền thuế của mình.

Đấu tranh vì văn hóa

Pháp hiện là quốc gia có các khoản ưu đãi về thuế lớn nhất trong các nước châu Âu. Đây là hệ quả của điều luật được thông qua vào năm 2003, quen gọi là “Luật Alliagon”. Điều luật này quy định, các tổ chức hoặc doanh nghiệp có đóng góp tài trợ cho lĩnh vực văn hóa có thể nhận được ưu đãi thuế lên tới 60% so với khoản đóng góp của họ. Chính vì lẽ đó, các nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực văn hóa tại Pháp hiện đang tiến hành các cuộc vận động hành lang để chống lại đề xuất nêu trên. Họ lo ngại, chỉ một điều chỉnh nhỏ cũng sẽ khiến cho các khoản quyên góp để duy trì hoạt động của những trung tâm nghệ thuật tương tự Bảo tàng Louvre giảm mạnh.

Jean-Jacques Aillagon, cựu Bộ trưởng Văn hóa, Tổng giám đốc đương nhiệm của Quỹ Pinault, một trong số những quỹ bảo trợ cho Lourve hiện đang là người đi đầu trong cuộc vận động nhằm giữ nguyên luật quy định thuế. Ông cũng là người đã góp phần hiện thực hóa quy định này 15 năm trước. Trong một bài viết được đăng tải gần đây ở tờ Le Monde, Aillagon nhận xét, việc coi các điều khoản liên quan trong bộ luật như một thủ thuật để trốn thuế là một điều vô cùng sai lầm.

Như vậy, trong thời gian tới, nếu những sửa đổi trong quy định về ưu đãi thuế tài trợ được thông qua, Viện bảo tàng Louvre cũng như nhiều cơ sở văn hóa khác trên toàn nước Pháp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trên thực tế, trong suốt năm 2016, Bảo tàng Louvre đã trải qua khó khăn với sự sụt giảm nặng nề về doanh thu. Theo đó, doanh thu của bảo tàng đã giảm 10 triệu euro (tương đương với 11,5 triệu USD). Nguyên do của sự sụt giảm này chính là đợt mưa lớn gây ngập lụt cũng như các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Pháp trong khoảng thời gian này. Chính vì vậy, việc bị cắt giảm các khoản viện trợ từ đối tác sẽ là một kịch bản vô cùng ảm đạm đối với tương lai của biểu tượng văn hóa này. 

 THỤC LINH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top