Để người dân được sử dụng thực phẩm sạch

VHO- Nghị định 115/2018 Chính phủ đã chính thức có hiệu lực. Trong đó, những người bán thức ăn nhưng không che đậy ngăn chặn bụi bẩn, bán thức ăn chín không đeo găng tay sẽ bị phạt từ 500.000-1.000.000 đồng.

Để người dân được sử dụng thực phẩm sạch - Anh 1

 Nhiều hộ kinh doanh thức ăn đường phố cho rằng sử dụng các dụng cụ chế biến hợp vệ sinh là điều cần thiết

Đồng tình ủng hộ
Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm thay thế cho Nghị định 178/2013/NĐ-CP trước đó. Đáng chú ý, Điều 16 Nghị định này quy định, nếu vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm như: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật; Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Qua ghi nhận của phóng viên cho thấy nhiều cá nhân, hộ kinh doanh và cả thực khách thức ăn đường phố trên địa bàn TP.HCM nghiêm chỉnh chấp hành và đồng tình ủng hộ, đồng thời cho rằng điều này hết sức cần thiết.
Tại quán bánh cuốn Thu Uyên, đường Phạm Văn Bạch, quận Gò Vấp, chủ quán cho biết, việc giữ gìn vệ sinh trong kinh doanh ăn uống là điều cần thiết. Trong quá trình chế biến thức ăn, sử dụng găng tay, kẹp gắp thức ăn, kệ, tủ để che bụi bẩn, ruồi nhặng dù có nghị định hay không chúng tôi vẫn làm. Điều này giúp thực khách cảm thấy an tâm hơn khi đến quán. 
Chia sẻ ý kiến của mình đối với việc đảm bảo ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố, anh Đồng Thành Sơn, đường Bùi Quang Là, quận Gò Vấp cho rằng, không biết thức ăn ngon dở thế nào, cứ nhìn cách quán sử dụng các dụng cụ chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh như: găng tay, gắp, tủ đựng thức ăn có che đậy đàng hoàng… là cảm thấy yên tâm phần nào.
Còn chủ quán bún bò Huế O Xinh trên đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình cho biết, mình buôn bán nhỏ lẻ, để hút khách hàng ngoài món ăn ngon ra thì vấn đề bảo đảm vệ sinh trong khâu chế biến, sơ chế là hết sức quan trọng. Với khách quen đã biết thì không nói, còn khách lạ họ nhìn thấy không hợp vệ sinh sẽ không vào quán. “Cá nhân mình cũng vậy nếu đi đến một nơi lạ việc chọn quán ăn đầu tiên là cảm thấy vệ sinh, chứ chưa biết món ăn ngon hay không. Nên từ đó quán mình luôn ưu tiên giữ vệ sinh ATTP đầu tiên chứ không phải đợi đến khi có quy định xử phạt mới làm. Nên mình sẵn sàng chấp hành và ủng hộ chủ trương này”, chủ quán O Xinh nói.
Trước đó, Cục ATTP cũng đã tiến hành tổ chức tập huấn cho các ban ngành ATTP trên địa bàn TP.HCM, cũng như đại diện UBND 24 quận huyện, các cán bộ chuyên môn của Ban Quản lý ATTP nhằm phổ biến các quy định mới của pháp luật của Nghị định 115/2018 Chính phủ đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mục đích xử phạt để tăng tính răn đe
Việc áp dụng Nghị định 115/2018 thay thế cho Nghị định 178/2013 là điều hết sức cần thiết phù hợp với tình hình mới nhằm bảo vệ tốt hơn cho người dân. Bởi thực tế ngày càng biến đổi, những vi phạm về ATTP ngày càng hết sức tinh vi, hơn nữa mức xử phạt chưa tương xứng chưa đủ sức răn đe.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho rằng, Nghị định này quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP để răn đe hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.Quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm nếu tang vật vi phạm không còn… Tất cả những hoạt động trên nhằm mục đích cuối cùng là bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng. Nhất là thời điểm Tết âm lịch đang đến gần, các địa phương cần tập trung vào các sản phẩm trong lĩnh vực ngành y tế quản lý, chú trọng đến các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp và nhất là thức ăn đường phố.
Tuy nhiên theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM việc tăng cường xử phạt là điều kiện cần, nhưng không phải là tất cả, điều cốt yếu làm sao để phát triển được nhiều thực phẩm sạch. Đặc biệt đối với thức ăn đường phố, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ khi vi phạm bị xử phạt thì phải có tình có lý. Những trường hợp vi phạm lần đầu phải nhắc nhở, tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức. Riêng các trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm thì phải xử phạt nghiêm để có tính răn đe. Bởi mục tiêu cuối cùng vẫn là để người dân được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. 

 TÂN PHONG
 

Ý kiến bạn đọc