Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Nơi ấy ở Sóc Sơn trước "cơn bão"

Thứ Sáu 16/11/2018 | 09:18 GMT+7

VHO- Khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) trong những ngày này vẫn mang khung cảnh thanh bình và yên tĩnh. Nhưng đây có thể là những ngày bình yên trước “cơn bão” vì chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa, nhiều khu nhà vườn vô cùng xinh đẹp trong khu rừng sẽ bị máy xúc, máy ủi san bằng để trả lại đất rừng như trước kia nó vốn vậy.

 

 

 Những công trình, hạng mục đẹp đẽ thế này sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ nếu không tự nguyện

Sáng qua 15.11, chúng tôi tìm đến khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn thuộc địa bàn thôn Lâm Trường (xã Minh Phú - huyện Sóc Sơn) khi thời hạn việc tháo dỡ các công trình vi phạm, nơi chỉ còn tính từng ngày. Con đường dẫn lên rừng phòng hộ quanh co, yên tĩnh như trong phim trường của Holywood. Từ cửa rừng vào khoảng vài trăm mét, ẩn hiện dưới những tán cây xum xuê xanh tốt là những căn nhà được thiết kế theo kiểu biệt thự. Mỗi khu đất rộng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mét vuông được bao tường xung quanh. Có những khu đất có tới 3-4 cổng các phía. Nhiều khu đất mới chỉ bao tường còn các cánh cổng sắt đã gỉ sét, chứng tỏ nó đã được xây bao từ nhiều năm nay. Một vài khu đất đã xây tường, có treo quảng cáo bán đất hoặc cho thuê đất.

Tất cả đều rất bình yên như chưa hề đã và đang có những cơn “địa chấn” từ việc sử dụng trái phép đất rừng.

Lượn một vòng trong rừng chúng tôi rút ra ngoài con đường liên xã. Vừa nhâm nhi ly trà đá, vừa trò chuyện với mấy người dân xung quanh thì nhận thấy, ít người quan tâm đến “sự kiện” sắp tới. Nhiều người cho biết rằng cũng chỉ nghe nói về việc cưỡng chế vi phạm nhưng đã thấy động tĩnh gì đâu. “Ở đây dường như ít ai biết cụ thể sai phạm thế nào, nhưng đất rừng thì phải trả cho rừng, chứ cứ có tiền mua bán như thế, chuyển rừng thành nhà mình thì mấy chốc mà hết rừng”, một người dân ngồi kế bên nói chen vào

Một người dân khác trong thôn Lâm Trường cũng cho hay, đất rừng được mua bán chủ yếu là của các cán bộ và công nhân lâm trường Sóc Sơn. Do được giao khoán để quản lý và khai thác rừng, nhưng đã chuyển nhượng cho những người “từ Hà Nội” lên mua, “chứ dân ở đây không có nhu cầu mà cũng không có khả năng mua hàng héc ta như thế”. Khi được hỏi về “lệnh” cưỡng chế công trình sai phạm và có thể là thu hồi lại đất rừng đã được chuyển nhượng trái phép, người dân này cho biết rất đồng tình với việc “trả lại đất cho rừng”.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tâm, Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết, hiện xã đang vận động các hộ dân tự tháo dỡ để hạn chế thiệt hại cho dân, vì nếu dân tự tháo dỡ sẽ tận dụng được những vật liệu xây dựng và không phải trả chi phí cho việc thi hành cưỡng chế của chính quyền. Chúng tôi hỏi về việc những hộ vi phạm “phản ứng” thế nào trước lệnh cưỡng chế của chính quyền, ông Tâm nói, “đã có 5 hộ dân đồng ý tự nguyện tháo dỡ, một số hộ khác không phản đối lệnh tháo dỡ nhưng chưa đồng ý tự tháo dỡ. Còn một số hộ khác không đồng ý vì cho rằng cần đợi kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm cụ thể. Trên cơ sở kết luận này mới biết sai phạm đến đâu, ai sai phạm và phải xử lý thế nào”.

Lãnh đạo UBND xã Minh Phú cũng cho biết thêm là sẽ kiểm tra, giám sát việc tháo dỡ của các hộ dân tự nguyện tháo dỡ. Chính quyền hiện cũng đã chuẩn bị các phương án để nếu hộ dân nào không tự tháo dỡ thì sẽ tiến hành cưỡng chế. “Chúng tôi sẽ thực hiện chỉ đạo của thành phố và huyện về việc cưỡng chế trong tháng 11 này”, ông Tâm khẳng định.

Về khu vực nhà của ca sĩ Mỹ Linh, ông Tâm cho biết không nằm trong danh sách cưỡng chế tháo dỡ lần này.

 Sẽ công bố kết luận thanh tra trước Tết

Liên quan đến việc sai phạm “xẻ thịt” rừng phòng hộ Sóc Sơn, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 14.11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đây là vấn đề tồn tại nhiều năm và liên quan đến chính sách giao đất rừng của huyện cho người dân vào khai hoang. Theo ông Chung, sau này, lập quy hoạch rừng thì có sự chồng lấn cần phải làm rõ. Trong câu chuyện này cũng có những bất cập. Từ những năm 1985-1986 và giai đoạn 1995-1999 thì UBND huyện Sóc Sơn có chính sách di dời khoảng 300 hộ dân từ xã Minh Trí và Tân Dân vào trong rừng để xây dựng kinh tế mới. Đến khi lập quy hoạch chung, bộ phận lập quy hoạch cũng đưa quy hoạch di cư của người dân vào quy hoạch rừng phòng hộ. Đây là vướng mắc đã có kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Trong vụ việc sai phạm này đã có thiếu sót trong quản lý. Những vướng mắc đó đã được TP kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ.

Thời gian qua UBND thành phố và huyện Sóc Sơn cũng đã nhận trách nhiệm. Thành phố đã giao cho Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại xã Minh Phú và xã Minh Trí, cũng như thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ. Theo đúng hạn, thành phố sẽ công bố kết luận thanh tra trước Tết và nêu rõ trách nhiệm công bố công khai với nhân dân.

T.DŨNG

 

HOÀNG HƯƠNG

 

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top