Nhiều phát hiện mới ở di chỉ khảo cổ Suối Chình

VHO- Trong quá trình thăm dò, khai quật và bảo tồn địa điểm khảo cổ Suối Chình, gắn với Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), các nhà khảo cổ đã có những phát hiện mới về mộ cổ của cư dân Sa Huỳnh và trang sức tùy táng ẩn sâu dưới lòng đất.

Nhiều phát hiện mới ở di chỉ khảo cổ Suối Chình - Anh 1

 Mộ nồi của cư dân Sa Huỳnh Ảnh: NGỌC KHÔI

TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi cho biết, khi khai quật điểm khảo cổ Suối Chình ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, đoàn đã phát hiện 6 mộ cổ gồm các loại mộ vò, mộ nồi, mộ đất có niên đại thế kỷ I, II sau Công nguyên. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện, bên trong nhiều mộ cổ có đồ tùy táng là đồ trang sức hạt cườm đá, các khuyên tai, hạt cườm thủy tinh, hạt chuỗi chế tác từ vỏ tridacna (ốc tượng).

Điểm khảo cổ Suối Chình đã có hai cuộc khai quật vào năm 2000 và 2005 do Viện Khảo cổ phối hợp với Sở VHTT Quảng Ngãi thực hiện. Năm 2018, các nhà khảo cổ học tiếp tục thăm dò khảo cổ khai quật và và bảo tồn địa điểm khảo cổ Suối Chình, gắn với Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh. Suối Chình bắt nguồn từ chân núi Thới Lới chảy ra biển, là nơi có rất nhiều cá chình, nên dân gian gọi là suối Chình. Phía Đông suối Chình là di chỉ cư trú của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Từ xa xưa cư dân Sa Huỳnh đã chọn phía Nam chân núi Thới Lới và gần với nguồn suối nước ngọt để sinh sống, họ khai thác thủy sản dồi dào từ biển và nguồn rau, củ, quả từ núi.

NAM MINH

 

Ý kiến bạn đọc