Bhutan đau đầu với tỷ lệ nghiện Internet tăng cao

VHO- Trong một nghiên cứu mới được công bố của nhóm các chuyên gia tại Bhutan, cứ 10 thanh niên nước này thì có tới 4 em nghiện Internet.

Bhutan đau đầu với tỷ lệ nghiện Internet tăng cao - Anh 1

Trẻ em tại Bhutan được tiếp cận với Internet từ khá sớm Ảnh: THINLEY CHODEN

Nghiên cứu này được trình bày tại Hội nghị Quốc tề lần thứ tư về Khoa học, Y tế và Sức khỏe tổ chức tại Thimphu (Bhutan) vừa qua. Nghiên cứu được tiến hành trên 721 thanh thiếu niên từ lớp 4 đến lớp 12 tại 12 trường công lập, 6 trung tâm giáo dục và 6 trường học bán trú tại quốc gia này, nghiên cứu cho thấy 38% thanh thiếu niên Bhutan nghiện Internet ở mức độ vừa phải, trong khi đó 2% còn lại có những biểu hiện nghiêm trọng hơn nhiều.

Những hậu quả khôn lường

Theo định nghĩa của các chuyên gia, nghiện Internet biểu hiện ở người dùng qua các triệu chứng như dành quá nhiều thời gian lên mạng đến nỗi ảnh hưởng đến các mối quan hệ, công việc và sức khỏe. Những người nghiện Internet thường có xu hướng trải qua các cảm xúc tiêu cực hoặc các triệu chứng tương tự người đang cai nghiện thuốc kích thích khi việc sử dụng Internet của họ bị hạn chế.

Tiến sĩ Karma Tenzin, Phó Trưởng khoa Y học sau đại học, Đại học Khoa học Y khoa của Bhutan cho biết, các biểu hiện của nghiện Internet thường có nhiều điểm tương đồng với chứng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Ông cũng cho hay, mặc dù hiện chưa có các tài liệu chứng minh việc nghiện Internet có thể gây ra chứng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu hay không, tuy nhiên về mặt tâm lý học, người nghiện Internet thường trải qua các xúc cảm tương tự hai chứng bệnh nêu trên.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng Bhutan hiện đang là quốc gia với tỷ lệ nghiện Internet cao nhất trong khu vực Nam Á. Theo thống kê được thực hiện vào năm 2017, mức sử dụng Internet tại nước này là 75%, trong khi tỷ lệ về thuê bao di động đạt mức 92%. Đây cũng là mức cao nhất trong khu vực.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn phụ thuộc vào Internet của các thanh thiếu niên chủ yếu là sự chán nản, áp lực, căng thẳng hoặc mặc cảm thế hệ. Tiến sĩ Karma Tenzin cũng cho biết, sự phổ biến rộng rãi của Internet và cách thức truy cập dễ dàng cũng biến nhiều thanh niên tại Bhutan trở thành con nghiện. Hiện Internet là một trong những lý do ảnh hưởng đến hiệu suất học tập của thanh thiếu niên, đồng thời dẫn đến chứng mất ngủ hoặc đảo lộn đồng hồ sinh học.

Theo nghiên cứu, điều kiện dân cư đô thị, điều kiện cá nhân, việc sử dụng điện thoại thông minh, mật độ sử dụng Internet vào ban đêm, cuộc sống ký túc xá và các loại bệnh về tâm lý khác như trầm cảm hoặc căng thẳng là những yếu tố đáng kể tác động và thúc đẩy chứng nghiện Internet ở thanh thiếu niên Bhutan. Tiến sĩ Karma Tenzin cho hay, các yếu tố nêu trên kết hợp với quan điểm của người dùng về Internet có thể cung cấp những thông tin giá trị trong việc nghiên cứu các biện pháp can thiệp và giải quyết vấn nạn này. Ông cũng nhấn mạnh về vai trò của gia đình và nhà trường trong công tác quản lý và giáo dục con em: “Vai trò của giáo viên và phụ huynh là rất quan trọng trong quá trình giám sát việc sử dụng Internet của giới trẻ, cũng như giáo dục các em về những mối nguy hiểm tiềm tàng thông qua các chương trình giảng dạy bài bản”.

Vấn nạn toàn cầu

Trên thực tế, Bhutan không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới đối mặt với tình trạng nghiện Internet. Thống kê cho thấy, có khoảng 13,4 triệu trong cơ cấu dân số 23,1 triệu người Úc đang bỏ ra tới 18,8 giờ mỗi ngày để sử dụng Internet. Tiểu bang New South Wales nước này có mức sử dụng Internet lớn nhất, trên 32% dân số. Số lượt truy cập Facebook của người Úc lên đến 16 lần mỗi ngày.

Trong khi đó, việc nghiện sử dụng Internet để chơi game online hiện đang được coi như một “đại dịch” tại Hàn Quốc. Ước tính, tại Hàn Quốc hiện có khoảng 1 triệu trẻ em và thanh thiếu niên có các biểu hiện nghiện Internet, tức là khoảng 1 phần 10 dân số cả nước. Tình trạng này nghiêm trọng đến nỗi, vào năm 2011, chính quyền nước này đã thông qua một bộ luật gây tranh cãi có tên gọi là Luật Sundown, theo đó cấm toàn bộ trẻ vị thành niên chơi trò chơi trực tuyến, thậm chí ngay cả trên máy tính cá nhân, thiết bị cầm tay vào khoảng từ nửa đêm đến 6 giờ sáng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thậm chí đã liệt kê “nghiện Internet” như một trong những hội chứng toàn cầu trong ấn bản lần thứ 11 của Cẩm nang Phân loại Bệnh Quốc tế (ICD) xuất bản vào đầu năm nay.

 THANH HẰNG

Ý kiến bạn đọc