Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Khánh Hoà​​​​​​​: Chính quyền xem nhẹ công tác phòng, chống thiên tai?

Thứ Tư 21/11/2018 | 11:38 GMT+7

VHO- Tính đến sáng qua 20.11, trên địa bàn TP Nha Trang đã có 17 người chết, 3 người mất tích, 31 người bị thương, 43 ngôi nhà bị sập, hàng trăm người dân đang phải sống cảnh “màn trời, chiếu đất”. Những con số mất mát, tang thương do mưa lũ chưa từng có từ trước tới nay gây ra ở Nha Trang. Lực lượng chức năng vẫn đang căng mình để tìm kiếm những người mất tích vì lũ cuốn, do đất đá vùi lấp.

 Người dân chạy lũ

Nha Trang sau lũ, mưa đã bớt nặng hạt, nước lũ đã rút, nhiều vùng dân cư ở TP Nha Trang bao trùm bầu không khí tang thương vì người chết, nhà sập, đất đá ngổn ngang, tài sản hư hại. Đến nhiều thôn xóm nơi “rốn lũ” là cảnh tượng khói nhang nghi ngút tiễn người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Theo ghi nhận của Văn Hóa, tại nhiều vùng dân cư như các xã Phước Đồng, Vĩnh Phương, phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang), từng dòng người dài tiễn người xấu số vì sạt lở. Sáng 20.11, tại khu vực núi (thôn Thành Phát, xã Phước Đồng), lực lượng cứu hộ cùng người thân gia đình vẫn đang cật lực tìm kiếm hai người bị sập nhà vùi lấp là ông La Hân (69 tuổi) và anh Trần Duy Quyền (23 tuổi).

Thảm khốc vì người chết, sập nhà ở Nha Trang là một thực trạng quá đau buồn. Tuy nhiên dư luận lại cho rằng, lũ quét vừa qua là hệ quả tất yếu của việc “quy hoạch đào núi lấp sông tràn lan, phá rừng lấn biển vô tội vạ”. Trong đó, có cả việc buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra việc xây nhà trái phép trong vùng quy hoạch và cảnh báo thiên tai chưa được phổ biến đến người dân!.

Nhiều người dân đã đưa ra các dẫn dụ cụ thể như: Các vụ phá rừng tràn lan tại khu vực Đồng Bò xã Phước Đồng nhưng không ai chịu trách nhiệm? Hay các dự án đào khoét núi, khai thác đất đá trái phép ở xã Phước Đồng và nhiều địa phương trong TP Nha Trang “hoành hành” công khai đã được báo chí nêu nhưng không bị xử lý? Hàng loạt các dự án sai phạm đào núi lấn biển nhưng sau xử lý vẫn cho tồn tại đã tác động xấu đến môi trường, là nguyên nhân sâu xa gây ra lũ quét.

Một thực tế khác, hàng loạt các khu nhà tạm, nhà “không phép” ở xã Phước Đồng và một số vùng quy hoạch trong TP Nha Trang tại sao vẫn ngang nhiên mọc lên? Cơ quan quản lý đã làm hết trách nhiệm? Hay cụ thể hơn cả là hàng trăm hộ dân tại khu Đồng Muối Phước Long nằm trong dự án quy hoạch đã mười mấy năm rồi nhưng dự án không thấy thực hiện. Trong khi đó nhà dân khu vực này cứ mưa là nước ngập đến nửa nhà lại không được sửa chữa nâng cấp. Hay một số dự án, có hồ chứa nước tạm ở trên núi rất lớn khi mưa lớn lại không cảnh báo cho người dân biết để di dời.

Cụ thể, hồ chứa nước của một chủ dự án trên đỉnh núi khu đô thị Hoàng Phú bị vỡ đã gây ra lũ quét, làm thầy giáo Trần Hoàng Phong cùng vợ và 2 con nhỏ (thôn Hòa Trung, phường Vĩnh Hòa) tử vong.

Trả lời P.V, ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND TP Nha Trang đánh giá Nha Trang vừa trải qua trận lũ tồi tệ nhất trong nhiều chục năm trở lại đây khiến nhiều người chết và mất tích. Người dân xây nhà trái phép ở đó (thôn Thành Phát, xã Phước Đồng – PV) đã từ lâu rồi. Dân ở đó chủ yếu làm nghề chài lưới, họ cất nhà tạm ở trên đó, tồn tại năm này qua năm khác. “Tại các điểm sạt lở đã không được đề phòng, nên khi sự cố xảy ra chính quyền địa phương không trở tay kịp, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu địa phương”, ông Thọ nói.

Ông Ngô Khắc Thinh, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang cho biết, việc xây dựng ở Nha Trang diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị mọc lên nhưng hệ thống giao thông, cống thoát nước chưa được chỉnh trang. Khi mưa lớn trong thời gian ngắn khiến nước không thoát kịp gây ngập.

 Tìm kiếm người mất tích trong gạch đá

Các cấp chính quyền đã được cảnh báo

Trao đổi báo chí TS Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đánh giá thiên tai luôn mang nhiều điều bất ngờ, chính vì vậy mà trong công tác phòng chống thiên tai đã quy định chúng ta phải chủ động phòng ngừa để đến khi có tình huống thiên tai, chúng ta có giải pháp để giảm thiểu về thiệt hại. Lũ quét và sạt lở đất xảy ra rất nhiều ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ít được thông tin. Tuy nhiên, đối với Khánh Hòa không phải là người dân và chính quyền không có thông tin và cơ sở hạ tầng cũng không phải như ở những khu vực miền núi. Khu vực tại xã Phước Đồng nằm ở khe của rạch nước giữa hai quả đồi, toàn bộ lượng nước đã dồn về đây. Đây là khu vực nguy cơ cao về sạt lở đất. Các cấp chính quyền đã được cảnh báo. Công tác quản lý phải do chính quyền địa phương và người cấp phép.

TS Trần Quang Hoài cho biết: "Đối với hồ chứa nước bị vỡ, cán bộ Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã đến tận nơi và kiểm tra thì đây là một hồ chứa nước nằm ở khu đô thị mới. Qua tìm hiểu quảng cáo của Khu đô thị này thì đây là cái hồ được thiết kế theo quy hoạch của Khu đô thị này và chính cái hồ này trong khi xây dựng đã gây ra sự cố và toàn bộ lượng nước trong hồ cũng như lượng nước mưa đã đổ ụp xuống khu vực nhà dân phía dưới. Đây không phải là hồ chứa nước thủy lợi, không phải hồ thủy điện mà đây là do doanh nghiệp xây dựng theo cấp phép của chính quyền. Việc này tôi nghĩ rằng là trách nhiệm thuộc về những người xây dựng, người cấp phép xây dựng. Bởi vì trong Luật Phòng chống thiên tai đã có quy định rõ là việc xây dựng các công trình phải đảm bảo an toàn công trình trước thiên tai, chứ không thể để xây dựng xong rồi lại gây ra những thiệt hại cho chính những người dân, cho chính những công trình và cho khu vực lân cận".

“Tôi cho rằng công tác chính là quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trong quy hoạch đó, chúng ta chưa được đề cập đầy đủ đến công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là đối với những khu đô thị ở ven biển mà có kèm theo núi thì thường thiên tai ở những nơi như thế này thiệt hại sẽ rất lớn kể cả người và tài sản. Do vậy, trong cái giải pháp về phòng chống thiên tai ở khu đô thị, chúng tôi cũng đã gửi các cấp chính quyền ở những khu đô thị này và cũng đưa ra những cái tài liệu hướng dẫn cho việc đảm bảo an toàn trong thiên tai. Nhưng thực sự chúng ta phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng các cấp chính quyền quan tâm đến vấn đề này còn rất hạn chế và chủ yếu quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế, phát triển nóng để đảm bảo cho mức độ tăng trưởng. Còn việc quan tâm cho việc phát triển bền vững, đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai thì hầu hết ở rất nhiều cấp chính quyền đang xem nhẹ vấn đề này”, TS Trần Quang Hoài nói. 

Chúng ta phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng các cấp chính quyền quan tâm đến vấn đề này còn rất hạn chế và chủ yếu quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế, phát triển nóng để đảm bảo cho mức độ tăng trưởng. Còn việc quan tâm cho việc phát triển bền vững, đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai thì hầu hết ở rất nhiều cấp chính quyền đang xem nhẹ vấn đề này.

(TS Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT)

 

Một du khách thiệt mạng do lở núi

Chiều qua 20.11, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi đến các công ty lữ hành trên địa bàn yêu cầu không tổ chức các tour đến khu vực xảy ra sạt lở núi ở xã Phước Đồng, phường Vĩnh Trường, Vĩnh Hòa và Vĩnh Thọ (TP Nha Trang). Cũng theo bà Thanh, đến chiều 20.11, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn chưa gửi thống kê thiệt hại sau mưa lũ nên chưa có con số thiệt hại cụ thể.

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, trong sáng 18.11, một du khách ở tỉnh Đắk Lắk bị tử vong do sập quán phở, 4 du khách khác bị thương. Xác nhận với Văn Hóa, bà Trần Thị Hòe, Hiệu trưởng Mẫu giáo Tuổi Ngọc (xã Cư Amung, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) cho biết, đoàn khách bị nạn là giáo viên và người nhà công tác tại trường này. “Người tử vong là cháu L.Đ.H.H (7 tuổi) con của nữ nhân viên văn thư theo mẹ xuống Nha Trang du lịch”, bà Hòe nói. L.XUÂN

 

TẠ DŨNG - XUÂN HƯỚNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top