Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Chiếc phong bì và sự “bấu víu” của phụ huynh

Thứ Năm 22/11/2018 | 10:57 GMT+7

VHO- Phụ huynh làm "hư" giáo viên bằng việc đi phong bì; tặng quà rồi kỳ vọng, mong chờ đủ thứ từ giáo viên... Thế nhưng, phía sau chiếc phong bì còn là nỗi bất an của phụ huynh vào giáo dục...

Băn khoăn "đi phong bì" hay không

Cậu con trai đầu tiên của hai vợ chồng Vân, ở Thủ Đức, TP.HCM vừa được gửi đến trường mầm non vào đầu năm học này. Gần đến ngày 20.11, thấy nhiều người rộn ràng quà cáp cho thầy cô giáo, Vân hỏi han bạn bè, hàng xóm có cần phải "đi" cô giáo bằng tiền không.

 

(Ảnh minh họa)

Ảnh minh họa

Hầu hết mọi người nói với Vân: Nhất định phải đi. Riêng chị Thanh cạnh nhà, có 2 đứa con đang học tiểu học dặn Vân nên cân nhắc, vì đi rồi cô sẽ... quen, sau này không có là nghe khó.

Vân đắn đo mãi, dự định mua ít trái cây làm quà cho cô bị lung lay. Nếu không đi kèm phong bì, Vân thật sự lo con sẽ không được cô quan tâm và chưa dám hình dung đến những điều tệ hơn. Con lại mới đi học, ốm đau miết mà lại chưa quen trường quen lớp. Nhưng nếu đi, lớp có 2 giáo viên, 1 bảo mẫu là một khoản kinh phí không nhỏ, chưa kể như chị Thanh cảnh báo...

Tự nhủ không làm hư mình, hư người, sẽ không đi tiền thay quà. Nhưng đến ngày 20/11, Vân quyết định "rút" quà, thay vào đó bỏ phong bì mỗi cô 500.000 đồng, cô bảo mẫu 200.000 đồng. 1,2 triệu đồng giúp Vân thở phào: "Dù sao đi cũng thấy yên tâm hơn".

Một câu chuyện khác bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khai Minh (quận 1, TP.HCM) kể trong buổi giao lưu Nhà giáo Ưu tú TPHCM mới đây để lại rất nhiều suy ngẫm. Khi còn dạy học, khi thấy học sinh có nhiều biểu hiện bất ổn, cô Hạnh mời phụ huynh lên trao đổi, hỏi chuyện... thì bất ngờ người mẹ đưa phong bì cho cô với lời xin lỗi vì đợt 8.3 vừa rồi bận quá không kịp đến thăm hỏi cô.

Ám ảnh không đi phong bì thầy cô thì không yên tâm, sợ con mình bị "đì", không được quan tâm dường như thường trực trong tâm lý của mọi phụ huynh. Lo lắng đó ăn sâu đến nỗi kể cả khi giáo viên muốn hợp tác, hỗ trợ cũng có thể bị hiểu là "diễn" để nhắc khéo, gợi ý.

Sự hoang mang của phụ huynh

Bên cạnh là lời cảm ơn, tri ân thì thẳng thắn nói với nhau rằng, việc phụ huynh đi phong bi cô giáo với những toan tính, kỳ vọng như thể là một sự "mua chuộc" người thầy là điều có thật. Họ cũng dễ dàng bị lên án, phê phán là thiếu tôn sư trọng đạo, coi nhẹ thầy cô, tiếp tay làm "hư" giáo viên...

Vậy nhưng đằng sau chiếc phong bì này là nỗi bất an có thật của mỗi bậc làm cha làm mẹ về giáo dục và họ phải dùng đến phong bì như một phương tiện giúp mình yên tâm hơn khi con đến trường. Và phong bì chỉ là một trong vô số cách thức mà các phụ huynh đang bấu víu để bảo vệ con mình khi họ không thể mong chờ nhiều vào nhà trường, giáo viên như cho con học trường tư, quốc tế, đi du học...

Tình cảm của cô trò được xây dựng bằng sự chân thành và niềm tin (Ảnh mang tính minh họa)

Tình cảm của cô trò được xây dựng bằng sự chân thành và niềm tin (Ảnh mang tính minh họa)

Tại một tọa đàm mới đây ở TP.HCM về đời sống nhà giáo, chị Trần Ngân Hà, một phóng viên, một nhà quan sát giáo dục và cũng là một phụ huynh bày tỏ sự dịch chuyển từ nhà trường, từ mỗi giáo viên đối với thay đổi tích cực trong giáo dục rất chậm. Phụ huynh không thể chờ đợi nên chính họ phải tự chuyển động.

Trong cách chuyển động từ phía phụ huynh có con học trường công lập, chị quan sát thấy hai chuyển động rõ rệt nhất là nhiều phụ huynh sẽ tìm cách đưa tiền, hối lộ cho cô giáo, mong chờ vào thầy cô và sự chuyển động khác là sẽ tập trung vào việc dạy dỗ con ở nhà.

Theo chị Hà, hai cách này đều là những bất ổn. Vừa kiếm tiền, vừa lo dạy con, phụ huynh bị áp lực, căng thẳng, stress vô cùng. Còn việc hối lộ thầy cô, mua điểm cho con lại đang tạo ra thành phần xã hội mà chị Hà phải nói là tệ hơn cả việc không đi học.

"Có nhiều sự chuyển động khác trong phụ huynh, rõ nhất là cho con đi du học từ sớm như là "tị nạn giáo dục" khi họ phải tự cứu mình. Nhưng cách gì đi nữa thì họ cũng đang làm những điều này trong tâm thế bế tắc, nếu không muốn nói là tuyệt vọng", chị Ngân Hà nêu quan điểm.

Tiếp nối chia sẻ của chị Hà, anh Trần Anh Khôi, một phụ huynh ở Gò Vấp, TP.HCM kể câu chuyện "thật như bịa" về người đồng nghiệp của anh. Xét thấy việc con đi học thêm là không cần thiết và gia đình cũng không tiện đưa đón nên anh không cho con đi học thêm. Nhưng để yên lòng, vợ chồng họ đã làm một động thái là hàng tháng vẫn đăng ký cho con học thêm, đóng tiền cho cô giáo nhưng không đến lớp cả năm trời.

Gửi gắm qua những bì thư làm quà tặng cho giáo viên - đó không chỉ là nỗi lo toan về một khoản tài chính, cũng không hẳn là thiếu tôn sư trọng đạo - đó còn là sự bấu víu trước niềm tin mong manh và yếu ớt.

theo Hoài Nam (Dân Trí)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top