Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu vào top 3 ASEAN

Thứ Sáu 23/11/2018 | 10:28 GMT+7

VHO- Mặc dù là một trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới (theo xếp hạng gần nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO) nhưng Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN về lượng khách quốc tế đến. Chính phủ và Bộ VHTTDL đặt ra mục tiêu Du lịch Việt Nam sẽ bám đuổi các nước trong khu vực và đứng vững trong top 3 ASEAN (hiện nay đang đứng thứ 5 sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia).

 

 Cần có chính sách thông thoáng hơn nữa để thu hút khách quốc tế Ảnh: T.DŨNG

Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam năm 2018, thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum - ViEF), diễn ra ngày 5-6.12, bài học kinh nghiệm từ Thái Lan- nước luôn luôn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về lượng khách quốc tế đến sẽ được chia sẻ. Trong đó, có những vấn đề Việt Nam cần cải thiện ngay mới có thể đạt được mục tiêu đề ra: như chính sách thị thực nhập cảnh; quảng bá du lịch quốc gia; hạ tầng du lịch và tính bền vững về môi trường...

Năm 2017, Việt Nam miễn visa song phương và đơn phương cho 24 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong khi đó, Thái Lan miễn cho 57 quốc gia, vùng lãnh thổ; số nước được miễn 30 ngày trở lên của Việt Nam là 8, của Thái Lan là 55.

Theo thống kê của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2017, Thái Lan chi 69 triệu đô la Mỹ để làm truyền thông trong khi Việt Nam chỉ chi khoảng 2 triệu đô la Mỹ. Người Thái rất biết cách để làm truyền thông, họ liên tục tung ra những chương trình truyền thông mới. Mặc dù Amazing Thái Lan được sử dụng từ 1998 nhưng tuỳ từng giai đoạn, Thái Lan lại có những chương trình truyền thông khác nhau như: Một Thái Lan còn ẩn dấu, Thái Lan- Niềm hạnh phúc trên trái đất, Mở ra những sắc thái mới.

Việt Nam sử dụng slogan đầu tiên năm 2001, Việt Nam- Điểm đến của thiên niên kỷ mới; sau đó là Hãy đến với Việt Nam (2004), Việt Nam- Vẻ đẹp tiềm ẩn (2006) và từ 2011 đến nay là Việt Nam- vẻ đẹp bất tận.

Báo cáo năm 2017, doanh thu từ ngành du lịch Thái Lan đạt 57 tỷ đô la Mỹ, đóng góp 9,3% GDP; Việt Nam thu về 23 tỷ đô la Mỹ, đóng góp 7,5% GDP. Thái Lan đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng và quảng bá các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm và giải trí để giữ chân du khách và tạo du lịch những sản phẩm du lịch đặc thù, trong khi du lịch Việt Nam chủ yếu khai thác những tài nguyên sẵn có.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB): Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ cho thực hiện thí điểm những giải pháp cấp bách để cải thiện chính sách thị thực, nâng cao khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Cụ thể là điều chỉnh chính sách thị thực: Tăng thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày cho 12 nước (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan); bãi bỏ quy định “ Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”, chương trình miễn thị thực kéo dài thời hạn thành 5 năm; áp dụng chính sách thị thực quá cảnh 48 hoặc 72 giờ cho hành khách bay từ Australia đi châu Âu hoặc ngược lại; đơn giản hoá thủ tục xin và duyệt cấp thị thực tại cửa khẩu”.

Bên cạnh đó, Hội đồng tư vấn du lịch cũng sẽ đề xuất Chính phủ cải thiện chính sách thị thực bằng cách bổ sung thêm 6 nước được miễn thị thực gồm: Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ; bổ sung các nước được áp dụng chính sách thị thực điện tử; nâng cấp trang web và tốc độ truy cập; sử dụng tên miền ngắn gọn, dễ tìm kiếm như evisa.gov.vn và công bố rộng rãi.

Khối kinh tế tư nhân cam kết sẽ đồng hành cùng Chính phủ để thông báo rộng rãi cho các doanh nghiệp du lịch đối tác và cho du khách tại các quốc gia được áp dụng chính sách miễn thị thực và thị thực điện tử. Đồng thời, nỗ lực cùng Chính phủ góp phần đưa mức tăng trưởng chung của Du lịch cao hơn 15%, riêng đối với các nước miễn thị thực thì có mức tăng trưởng tăng thêm từ 7-10%; góp phần đưa giá trị xuất khẩu trên đầu khách từ 830 đô la Mỹ hiện nay lên 1.000 đô la Mỹ.

Khối kinh tế tư nhân cũng đề nghị tăng chi tiêu Chính phủ về du lịch. Hiện nay, ngân sách quốc gia dành cho quảng bá du lịch chỉ trên dưới 2 triệu đô la Mỹ, rất thấp so với các nước trong khu vực ASEAN. Trong khi đó, từ năm 2016, Indonesia đã chi 200 triệu đô la Mỹ, Malaysia chi 105 triệu đô la Mỹ, Singapore chi 80 triệu đô la Mỹ cho quảng bá, xúc tiến du lịch. Việt Nam cũng chưa có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia nào ở nước ngoài.

Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng Chính phủ cần sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để tăng nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia thời gian tới. Đồng thời thành lập Hội đồng Quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia để quản lý và vận hành Quỹ trên nền tảng hợp tác công - tư. Hội đồng Quảng bá xúc tiến điều phối sự phối kết hợp giữa các Bộ, các địa phương có điểm đến du lịch trong việc quảng bá du lịch Việt Nam ra các thị trường trọng điểm. Có quy định tài chính để doanh nghiệp được phép đóng góp Quỹ mà không phải đóng thuế. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch cũng cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các thị trường có chi trả cao, lưu trú dài ngày và có tính ổn định. Thông điệp quảng bá du lịch Việt Nam cần rõ ràng, liên tục và tập trung vào digital marketing để tiết kiệm chi phí và định hướng nội dung.

Các doanh nghiệp du lịch cam kết từ nay đến 2020 sẽ đóng góp 70 tỷ đồng vào Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; tham gia tích cực vào việc quảng bá du lịch Việt Nam tại các hội chợ du lịch quốc tế quan trọng và phát triển trang web du lịch cho thị trường khách quốc tế đến Việt Nam là www.vietnamtourism.vn. 

 Ngày 22.11, tại Hà Nội, đại diện Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân- Ban IV (Hội đồng tư vấn cải cách TTHC) đã báo cáo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng về công tác chuẩn bị Diễn đàn cao cấp Du lịch Việt Nam 2018. Thứ trưởng đánh giá cao sự chủ động, tích cực và kỹ lưỡng trong việc tổ chức Diễn đàn của Ban IV và hy vọng Diễn đàn sẽ tạo sức lan toả lớn, thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới đến Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy, góp phần đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

 THUÝ HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top