Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

“Chảy máu” mỹ thuật là khó tránh khỏi

Thứ Sáu 23/11/2018 | 10:45 GMT+7

VHO- “Hiện nay, việc sưu tầm tác phẩm là một vấn đề đối với các bảo tàng mỹ thuật khi mà nhiều nhà sưu tầm sẵn sàng chi một số tiền rất lớn cho nghệ thuật. Do đó, để tháo gỡ khó khăn này từng bảo tàng phải có chiến lược để có những bộ sưu tập riêng, đồng thời tập trung vào các vấn đề nghiên cứu, bảo quản, thay đổi cách trưng bày...”.

 

 Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Ảnh: INTERNET

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm khoa học “Công tác nghiên cứu, sưu tầm tại các bảo tàng mỹ thuật hiện nay, thực trạng và giải pháp” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Như muối bỏ biển

Chia sẻ những khó khăn trong công tác nghiên cứu và sưu tầm tại các bảo tàng mỹ thuật VN hiện nay, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật VN cho biết, công tác nghiên cứu và sưu tầm tại các bảo tàng đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng, đặc biệt là công tác sưu tầm. Bởi, đối với bảo tàng mỹ thuật cũng như nhiều bảo tàng khác, các tác phẩm nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng, là đầu vào của bảo tàng. Công tác sưu tầm tốt thì uy tín, vị thế và chất lượng của bảo tàng được nâng cao, hay nói cách khác công tác sưu tầm là sự sống còn của các bảo tàng Mỹ thuật hiện nay. Và để làm tốt công tác này phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ công tác nghiên cứu, cơ chế chính sách đối với công tác sưu tầm, nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, chiến lược sưu tầm…

Là Chủ tịch Hội đồng mua tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong nhiều năm, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) Vi Kiến Thành cho biết, việc mua tác phẩm bổ sung vào sưu tập của các bảo tàng mỹ thuật hiện nay là vấn đề khó trong điều kiện nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước, bảo tàng nước ngoài đầu tư mạnh vào nghệ thuật. Nói một cách đằng thẳng thì các nhà sưu tầm, bảo tàng nước ngoài đã “nẫng tay trên”, mua hết những tác phẩm có giá trị và việc “chảy máu” mỹ thuật ra nước ngoài là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, kinh phí của Nhà nước dành cho hoạt động mỹ thuật còn hạn chế, quy định mua hiện vật của các tổ chức cá nhân đối với các bảo tàng vẫn phải thực hiện thông qua rất nhiều bước.

Về mặt quản lý nhà nước, quy trình như vậy là rất chặt chẽ, song đối với nghệ sĩ – chủ sở hữu hiện vật thì quy trình này quá nhiều “công đoạn”, mất nhiều thời gian đi lại, xem xét, thương thảo. Quy chế tự chủ tài chính quy định, các đơn vị tự quyết định khi mua sắm tài sản dưới 100 triệu đồng, tuy nhiên nhiều người trong ngành cho rằng, số tiền này mà mang ra mua tác phẩm mỹ thuật cho bảo tàng thì không khác gì… muối bỏ biển.

Quy trình cũng là vấn đề

Theo bà Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thực tế tại các bảo tàng mỹ thuật hiện nay, công tác nghiên cứu và sưu tầm đang phải đối diện với những khó khăn bởi có khoảng trống trong công tác tư liệu phục vụ nghiên cứu, sưu tầm; sự chuyển tiếp giữa các thế hệ nghiên cứu, sưu tầm thiếu tính liên tục; sự suy giảm nghiên cứu khoa học tác động đến chất lượng nghiên cứu, sưu tầm, Quy trình sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng thường phải mất từ sáu tháng đến một năm dẫn đến việc Bảo tàng mất cơ hội mua tác phẩm tốt, quý hiếm..

Trong khi đó, cũng theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương, hiện nay nhiều nhà sưu tập tư nhân đã và đang lặng lẽ bỏ hàng triệu USD ra mua tác phẩm nghệ thuật của danh họa nổi tiếng VN. “Bảo tàng là nơi bảo quản, lưu giữ các tác phẩm có giá trị, là kho mở để công chúng trong và ngoài nước tới xem. Vì thế, để các họa sĩ yên tâm tặng tranh, không sợ bị mất hay thất lạc tranh của mình, bảo tàng cần phải cho họ xem kho bảo quản tranh. Cùng với đó, công tác nghiên cứu phải cụ thể, tỷ mỷ và rõ ràng, các hồ sơ ghi rõ việc sưu tập ra sao. Nói cách khác, người thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm phải là chuyên gia có “con mắt xanh” trong thẩm định, đánh giá tác phẩm nghệ thuật để có thể chọn lựa được những tác phẩm có giá trị tiêu biểu góp phần phát triển kho tàng hiện vật của Bảo tàng, đồng thời cần có khả năng nghiên cứu hệ thống, tổng hợp về lịch sử mỹ thuật, nắm vững hoạt động của các gallery cũng như sưu tập tư nhân để việc sưu tầm mang tính chiến lược”, ông Trần Khánh Chương nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, các bảo tàng phải làm rõ chiến lược nghiên cứu, sưu tầm, và đặc biệt quan tâm nhiều hơn tới các tác giả mới xuất hiện. Mỗi bảo tàng cũng cần nghiên cứu để có nét riêng, ví dụ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cần quan tâm đến các nghệ sĩ ở Tây Nguyên, miền Trung để có bộ sưu tập dày dặn hơn, không thể “đua” mua tác phẩm của họa sĩ thời Đông Dương vốn có giá rất cao. Với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hiện nay có 2 vạn tác phẩm, nhiều tác phẩm không có chỗ bày thì cần đẩy mạnh nghiên cứu, phân loại tác phẩm, làm sao trưng bày dày đặc hơn, thường xuyên thay đổi trưng bày để thu hút khách tham quan. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có thể chú ý vào các họa sĩ sống hoặc từng có thời gian sáng tác ở miền Nam từ thời Đông Dương, tới kháng chiến chống Mỹ cứu nước... 

Nói một cách đằng thẳng thì các nhà sưu tầm, bảo tàng nước ngoài đã “nẫng tay trên”, mua hết những tác phẩm có giá trị và việc “chảy máu” mỹ thuật ra nước ngoài là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, kinh phí của Nhà nước dành cho hoạt động mỹ thuật còn hạn chế, quy định mua hiện vật của các tổ chức cá nhân đối với các bảo tàng vẫn phải thực hiện thông qua rất nhiều bước.

(Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL)

 

 THANH NGỌC

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top