Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Chuyện khó tin của​​​​​​​ “liệt sĩ”... trở về

Thứ Tư 19/12/2018 | 14:20 GMT+7

VHO- Sau nửa đời lưu lạc, “liệt sĩ” Phan Long Nghê trở về cố hương. Nhiều điều đã lãng quên do di chứng chiến tranh, nhưng ký ức về mái đình làng và những cái tên ruột rà máu mủ vẫn lắng lại trong ông như trầm tích về nơi chôn nhau cắt rốn…

 “Liệt sĩ” Phan Long Nghê (bìa trái) cùng con trai bên di ảnh và Bằng Tổ quốc ghi công của ông ở quê nhà thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường

“Mày nhìn kỹ xem, còn nhớ chú không? Tao là chú ruột cũng là người đưa mày đi lên núi theo cách mạng đấy”, cụ Phan Công Chánh vừa xoa vừa nắm chặt đôi bàn tay của “liệt sĩ” Phan Long Nghê. Ông nắm giữ như thể sợ sẽ thất lạc người cháu ruột thêm một lần nữa. Đây là buổi gặp lần thứ ba của hai chú cháu vừa diễn ra trưa qua 18.12 tại nhà cụ Phan Công Chánh, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) mà chúng tôi may mắn được chứng kiến.

Ký ức hiển hiện

Khuôn mặt xương xương, mỏng mảnh cùng những nếp nhăn theo thời gian giãn ra tươi tắn, “liệt sĩ” Phan Long Nghê nhìn ông chú cười hiền: “Gặp mấy lần trước chưa nhớ rõ, giờ thì cũng nhớ chút chút rồi chú ạ”. Hai người đàn ông, một lão cao niên ở tuổi 90 tóc bạc trắng, ánh mắt tinh anh, minh mẫn nắm chặt tay người cháu cũng đã ở cái tuổi gần 70. Sau nửa đời lang bạt, nay họ gặp lại trong ngỡ ngàng.

Những ký ức mờ căm nửa thế kỷ lại hiển hiện qua lớp kính cũng già nua như cụ Phan Công Chánh. Năm 1966, sau một trận đánh, Phan Công Chánh bị thương và được điều về công tác tại Trường phân hiệu đào tạo cán bộ thông tin Quân khu 5, đóng tại xã Sơn Màu, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Cuối năm 1966, trên đường đi công tác, Phan Công Chánh ghé về thăm nhà ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường. Chưa kịp lên đơn vị, địch càn quét, vây ráp quanh vùng, ông không thể lên núi về đơn vị. “Sau nhiều phương án tính toán, tôi đề nghị xã đội cho cháu ruột là Phan Long Nghê dẫn đường đưa lên căn cứ. Thoát được vòng vây, hai chú cháu lên lại đơn vị. Nhưng cuộc càn của địch kéo dài khiến Nghê không thể trở về xã đội, tôi quyết định giữ cháu ở lại đơn vị”, cụ Phan Công Chánh nhớ lại.

 P.V Đông Huyền chụp ảnh với "liệt sĩ" Phan Long Nghê (giữa) và cụ Phan Công Chánh

Năm 1969, Phan Long Nghê tham gia lớp Trung đội trưởng Thông tin, khóa 4 đào tạo sơ cấp Trường Thông tin Quân khu 5. Sau khi hoàn thành khóa học, Nghê được điều về công tác tại Đại đội 506a, Tỉnh đội Quảng Ngãi. Cuối năm 1969, Nghê đi trước trinh sát dẫn đường để tải gạo, vừa qua khỏi đèo Đồng Ngô thì bị địch phục kích. Cả đoàn tải gạo rút về căn cứ, Nghê bị bắt giữ. Địch tra tấn, hành hạ tại chỗ, Nghê khai tên là Phan Long Nghệ quê ở Thanh Sơn, làm nông. Sau nhiều đợt tra tấn, Nghê bị hỏng mắt, chấn thương và lãng trí từ đó. Tàn phế cùng nỗi ám ảnh những đợt tra tấn, nhân lúc dọn cỏ trong khuôn viên trại giam, Nghê lẻn ra ngoài, theo xe khách đi trong vô định. Vết thương hành hạ, tinh thần hoảng loạn cùng nỗi ám ảnh tra tấn khiến thanh niên trẻ không nhớ rõ mình là ai. Lang bạt một thời gian ông ra Đà Nẵng. Xin ăn, ai nhờ gì giúp nấy, ông sống qua những ngày không quê hương. Sau thời gian dài, ông gặp bà Lê Thị Chư và kết nghĩa vợ chồng, sinh được sáu người con.

Những lúc tĩnh tâm, Phan Long Nghê nhớ đến quê hương trong nỗi khắc khoải. “Không nhớ gì nhiều đâu. Mình chỉ nhớ mang máng là ở đó có đình Thanh Sơn"..., “liệt sĩ” Phan Long Nghê tìm lục trong ký ức.

 Danh chỉ bản vân tay lưu trữ năm 1973 và hiện tại của “liệt sĩ” Phan Long Nghê trùng khớp

Ngày về

Sinh năm 1945 ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), năm 16 tuổi, chiến sĩ trẻ Phan Long Nghê tham gia đội du kích tập trung của xã. Sau bao năm lang bạt xứ người, “liệt sĩ đã trở về trong sự ngỡ ngàng của người thân, dòng tộc”. Chị Phan Thị Thúy Hà vẫn chưa hết bùi ngùi khi nhớ về chặng đường tìm quê hương của cha mình, “liệt sĩ” Phan Long Nghê. Chị Hà chia sẻ, những lúc bình thường ba vẫn nhắc về quê hương, vẫn nhớ rõ là thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường nhưng ông không nhớ tên thật của mình. Cách đây mười mấy năm, sáu anh em chị Hà cũng lần tìm về quê theo những gì ba nói nhưng không ai biết Phan Long Nghệ. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, chị Hà cùng gia đình đành bỏ cuộc.

Tháng 9.2018, gia đình chị làm hồ sơ lý lịch cho con trai kết nạp Đảng. Hồ sơ gửi về xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ xác minh lý lịch cha chị là ông Phan Long Nghệ. Các cấp thôn, xã lần tìm, truy lục hồ sơ vẫn không tìm được người có tên Phan Long Nghệ để xác minh theo đơn của gia đình. “Địa phương bảo ở đây không có ai là Phan Long Nghệ từng sinh sống, chỉ có liệt sĩ Phan Long Nghê hy sinh lâu rồi”, chị Hà chia sẻ.

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chị Hà liên lạc được với những cao niên dòng họ Phan Long ở xã Phổ Cường. Hồ sơ xác minh nhân thân của cha chị được đưa đến cho lão cao niên Phan Công Chánh. “Khi nhìn ảnh của người tên Phan Long Nghệ tôi không thể tin được. Tôi tin chắc là Phan Long Nghê còn sống chứ chưa hy sinh”, cụ Phan Công Chánh nhớ lại ngày đầu gặp “liệt sĩ” Phan Long Nghê sau 49 năm lưu lạc. Để chắc chắn cháu mình chưa hy sinh, cụ Chánh nhờ hỗ trợ từ các ngành chức năng. Trích lục, tra cứu tàng thư lưu trữ thông tin năm 1973, địch bắt giữ một người đàn ông lang thang tên Phan Long Nghệ. Thấy người đàn ông tâm thần bất ổn, thương tích tàn phế địch đã thả sau đó.

Ở tuổi 90, cụ không thể tin được mình còn gặp lại Phan Long Nghê, đứa cháu ruột và là người cụ đích thân dẫn dắt đi theo cách mạng cách đây gần năm mươi năm trước. “Gia đình tôi đã nhờ hỗ trợ của Công an tỉnh Quảng Ngãi. Khi đối chiếu danh chỉ bản là dấu vân tay hiện tại của Nghê với vân tay lưu trong tàng thư năm 1973 thì khớp hoàn toàn. Chúng tôi đã báo cáo cơ quan chức năng và làm các thủ tục đề nghị trả lại nhân thân cho Nghê”, cụ Chánh khẳng định.

“Chúng tôi đã nhận được đơn và hồ sơ của gia đình liệt sĩ Phan Long Nghê về việc ông vẫn còn sống và trở về. Sở LĐ,TB&XH sẽ phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi lập đoàn thanh tra để thẩm tra, xác minh. Sau đó sẽ thực hiện các thủ tục như thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công, giấy Báo tử… Đồng thời, xem xét giải quyết các chế độ chính sách theo quy định”, ông Đinh Xuân Sâm, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Ngãi cho biết. 

 Chúng tôi đã nhận được đơn và hồ sơ của gia đình liệt sĩ Phan Long Nghê về việc ông vẫn còn sống và trở về. Sở LĐ,TB&XH sẽ phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi lập đoàn thanh tra để thẩm tra, xác minh. Sau đó sẽ thực hiện các thủ tục như thu hồi bằng Tổ quốc ghi công, giấy Báo tử… Đồng thời, xem xét giải quyết các chế độ chính sách theo quy định.

(Ông Đinh Xuân Sâm, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Ngãi)

 

 ĐÔNG HUYỀN

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top