Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Nhà Rông bị "bê tông hoá”: Băn khoăn nhưng không tránh khỏi

Thứ Tư 26/12/2018 | 09:54 GMT+7

VHO- Khó khăn về nguyên vật liệu truyền thống như tre, gỗ, cỏ tranh... được xem là nguyên nhân chính khiến hơn 30% số nhà rông trên địa bàn tỉnh Kon Tum được xây dựng bằng bê tông. Điều này đang làm cho những ngôi nhà rông “biểu tượng của buôn làng” mất đi phần hồn vốn có của nó.

Nhà rông ở làng Rắc, xã Ia Xiêr, huyện Sa Thầy

Đối với người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng, nhà rông là biểu tượng, là linh hồn của làng. Đây cũng là nơi thực thi các luật tục, nơi tiếp khách, nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng, tổ chức các lễ hội tâm linh và là “địa chỉ” để các nghệ nhân lớn tuổi truyền đạt những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nhà rông truyền thống được xây cất trên những khoảng đất rộng, thường làm bằng những trụ gỗ to, cao, mái được lợp bằng tranh, nền vách xung quanh được làm bằng gỗ hoặc những tấm liếp bằng tre, nứa, lồ ô… Tuy nhiên ở Kon Tum những năm gần đây do khó khăn về nguyên vật liệu như tranh, tre, gỗ… nên những ngôi nhà rông truyền thống dần được “hiện đại hóa” bằng bê tông, cốt thép.

Theo thống kê của Phòng VHTT TP Kon Tum, hiện trên địa bàn có 66 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó 56 làng có nhà rông, nhưng lại có đến 40 nhà rông được xây dựng bằng vật liệu “bê tông hóa”, “xi măng hóa”, chiếm tỷ lệ 71,4%. Đáng chú ý, có những địa phương không còn giữ được nhà rông truyền thống xưa cũ.

Nhà rông ở xã Ia Chim, TP. Kon Tum đã được "bê tông hóa"

Xã Ia Chim có 11 thôn, làng, trong đó có 9 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay nhà rông ở những làng này đều được tôn hóa, xi măng hóa. Già A Láo, 88 tuổi ở làng Plei Sar, xã Ia Chim bùi ngùi chia sẻ: “Khi nhà rông cũ bị hư, cả dân làng đều mong muốn được làm lại nhà rông truyền thống. Tuy nhiên, do việc tìm kiếm nguyên vật liệu quá khó khăn nên không còn cách nào khác, dân làng phải đồng ý làm nhà rông bằng xi măng, lợp mái tôn”.

Cùng chung cảnh ngộ, huyện Sa Thầy có 39 thôn, làng là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trong số đó có 36/39 nhà rông được xây dựng theo kiểu cách hiện đại, chiếm tỷ lệ 92,3%. Ông Trần Văn Tiên, Trưởng phòng VHTT huyện lý giải: “Ngoài khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu truyền thống thì nhà rông truyền thống độ bền không cao, rất dễ cháy, hư hỏng, mỗi lần sửa chữa tốn rất nhiều thời gian, công sức nên người dân các thôn, làng trên địa bàn huyện thống nhất phương án xây dựng nhà rông theo kiểu bê tông hóa. Nhà rông bây giờ chỉ còn dáng dấp chứ không còn như nhà rông truyền thống nữa. Mặc dù vậy, đây vẫn là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi diễn ra các lễ hội của bà con”.

Quang cảnh lợp mái cho nhà rông truyền thống rồi sẽ dần mất đi

Ông A Dót là người thiết kế cho ngôi nhà rông của làng Rắc, xã Ia Xiêr, huyện Sa Thầy. Chúng tôi tìm gặp ông A Dót đúng lúc ông vừa đi làm rẫy về. Trong lúc trò chuyện, khi phóng viên hỏi về ngôi nhà rông của làng mình ông lộ vẻ trầm ngâm, suy tư. Ông bảo, trước đây nhà rông làng to lắm, ngày ấy cả làng phải chung sức dựng kèo, cột, đan cỏ tranh lợp mái, bện tấm phên tre làm sàn, vách, rồi trang trí cả mấy tháng trời mới xong được ngôi nhà rông truyền thống. Dù mộc mạc, đơn sơ nhưng nhà rông cũ mang hơi thở của đất, của đại ngàn. Mùa nắng vào nhà rông mát, còn mùa mưa hạt mưa thấm vào từng lớp tranh cũng nhẹ nhàng, êm ái. Năm 2011, khi nhà rông cũ bị hư, làng phải làm nhà rông mới. Không có tranh, không có tre, không có gỗ lớn nên làng mình phải làm bằng tôn, bằng xi măng.

Ngồi trầm ngâm một hồi, già A Dót bảo: “Mặc dù bây giờ các hoạt động văn hóa, lễ hội, hội họp vẫn tổ chức ở nhà rông nhưng sao trong lòng già không thấy hân hoan như trước. Dưới mái nhà rông truyền thống bên bếp lửa bập bùng, hiền hòa, tiếng cồng, tiếng chiêng mới vang vọng, mới trầm, bổng giữa núi rừng”.

Theo Sở VHTTDL Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 617 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng chỉ có 440 thôn, làng có nhà rông. Trong đó chỉ có 304 thôn làng còn giữ được nhà rông nguyên bản, 136 ngôi nhà rông được xây dựng bằng những nguyên vật liệu hiện đại. Con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum cho biết: “Hiện nay để tìm được nguyên vật liệu từ rừng để làm nhà rông truyền thống là rất khó, do vậy việc nhà rông bị bê tông hóa là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi cũng băn khoăn vấn đề này và đã làm việc với chính quyền các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ, bảo tồn các nhà rông cũ còn giữ nguyên theo kiểu truyền thống. Đối với những nhà rông xây mới, bắt buộc phải giữ lại kiểu dáng, kiến trúc nhà rông của dân tộc mình”. 

 Chúng tôi cũng băn khoăn vấn đề này và đã làm việc với chính quyền các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ, bảo tồn các nhà rông cũ còn giữ nguyên theo kiểu truyền thống. Đối với những nhà rông xây mới, bắt buộc phải giữ lại kiểu dáng, kiến trúc nhà rông của dân tộc mình.

(Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum)

 Ngày nay, vì yếu tố khách quan nhà rông truyền thống đang được cải biên theo hướng “hiện đại hóa”, dưới góc độ nào đó nó phù hợp với thực tiễn. Song, dưới những ngôi nhà rông đó tính cộng đồng đang dần bị mất đi. Chẳng hạn, trước đây muốn làm nhà rông truyền thống dân làng phải chuẩn bị nguyên liệu cả năm trời, rồi cả dân làng cùng nhau góp ngày công xây dựng, trang trí, nhờ đó tính cộng đồng được gắn bó khăn khít. Ngày nay nhà rông được “bê tông hóa”, tất cả đã có thợ, người dân chỉ chứng kiến, vì thế trong suy nghĩ người dân nhà rông dần trở nên xa lạ, không còn thân thuộc, gắn bó như xưa nữa.

(Ông A Jar - Nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian)

 

NGỌC HÒA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top