Bứt phá lớn, hoạt động thư viện vẫn còn khó khăn

VHO- Đó là nhận định đã được Bộ VHTTDL đưa ra tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hội nghị diễn ra sáng 28.12 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ.

Bứt phá lớn, hoạt động thư viện vẫn còn khó khăn - ảnh 1

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ  trao Giải thưởng Phát triển Văn hoá đọc năm 2018 cho các tập thể

Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Vũ Dương Thuý Ngà cho biết, kể từ khi Đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều hoạt động đã được triển khai, góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, nhiều tiện ích cho người dân có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin, tri thức có hiệu quả. Hội nghị nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý và đội ngũ chuyên gia  đánh giá những kết quả đạt được, xác định những thuận lợi, khó khăn và thách thức, cũng như phổ biến một số mô hình, giải pháp hiệu quả, góp phần phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng.

Bà Ngà cũng nhấn mạnh, sau hơn một năm thực hiện đề án, hoạt động thư viện cả nước đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, thiết thực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước cũng như nhu cầu đọc sách của nhân dân. Đáng chú ý là sự đổi mới trong phương thức hoạt động, ngoài phục vụ tại chỗ, các thư viện đã triển khai phục vụ lưu động và phục vụ qua không gian mạng; cải cách và đổi mới việc cấp thẻ thư viện bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh luân chuyển sách báo đến các điểm thư viện xã, điểm bưu điện văn hoá xã, trường học, đồn biên phòng, trại giam...

Bứt phá lớn, hoạt động thư viện vẫn còn khó khăn - ảnh 2

Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thuý Ngà trao Giải thưởng cho 6 cá nhân

 Bên cạnh đó, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ thư viện, phát triển các loại hình dịch vụ mới và làm mới những dịch vụ truyền thống, chú trọng các dịch vụ ứng dụng CNTT, dịch vụ hướng đến các đối tượng như thiếu nhi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, phạm nhân...

Trong mạng lưới thư viện công cộng, nhiều thư viện đã có những bứt phá mạnh mẽ trong  phục vụ bạn đọc như Hà Nội, Sơn La, Hà Giang, Đăk Lăk, Vĩnh Long. Năm 2018, hệ thống thư viện công cộng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: tổng lượt bạn đọc đến thư viện đạt 36 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2017; tổng lượt sách báo phục vụ bạn đọc của thư viện đạt 58,3 triệu lượt.

Bứt phá lớn, hoạt động thư viện vẫn còn khó khăn - ảnh 3

Toàn cảnh Hội nghị

“Trong thời gian qua, Chính phủ đã giành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển văn hoá đọc, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo cụ thể về việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng. Tại Hội thảo phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra phương hướng cho sự phát triển của thư viện trong thời kỳ mới, đó là: ngành Thư viện cần thay đổi nhận thức để thư viện không chỉ là nơi lưu giữ, bảo quản tài liệu mà còn phải là nơi trao truyền tri thức, thu hút người dân đến với thư viện bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu đọc của người dân trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường liên kết để chia sẻ nguồn dữ liệu số”, Vụ trưởng Vụ Thư viện nhấn mạnh.

Bứt phá lớn, hoạt động thư viện vẫn còn khó khăn - ảnh 4

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ xem trưng bày một số sản phẩm và hình ảnh hoạt động khuyến đọc của các thư viện

Cùng với đó vẫn còn có nhiều khó khăn mà văn hoá đọc đang phải đối diện. Nhiều thư viện cơ sở vật chất nghèo nàn, kinh phí hoạt động thiếu thốn. Hiện còn 05 thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở độc lập; khoảng 40%  thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí hằng năm để bổ sung sách báo và tổ chức các hoạt động khác. Hiện đại hoá thư viện đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0 còn chưa được quan tâm đầu tư phát triển.Một số thư viện còn thụ động, thiếu sáng tạo trong triển khai các hoạt động, dẫn đến thu hút bạn đọc còn nhiều hạn chế.

Bứt phá lớn, hoạt động thư viện vẫn còn khó khăn - ảnh 5

Trưng bày một số sản phẩm và hình ảnh hoạt động khuyến đọc của các thư viện

Đáng chú ý, nhận thức về vai trò của thư viện đối với phát triển văn hoá đọc còn chưa cao. Theo báo cáo, trong năm 2018, khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, một số địa phương chưa nghiêm túc trong thực hiện yêu cầu và tinh thần của Nghị quyết 19- NQ/TW, chủ trương và triển khai sáp nhập thư viện cấp tỉnh, cấp huyện với các cơ sở văn hoá khác như Bảo tàng, Quản lý di tích, Trung tâm Văn hoá...

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đã trao Giải thưởng Phát triển Văn hoá đọc năm 2018 cho 13 tập thể. 06 cá nhân có thành tích tiêu biểu cũng đã được trao thưởng trong dịp này.

HÀ NGÂN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc