Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hỗ trợ địa phương biên giới phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa

Thứ Hai 27/05/2019 | 09:10 GMT+7

VHO- Rất nhiều vấn đề liên quan đến phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch tại các tỉnh biên giới, cộng đồng làm du lịch, nguồn nhân lực du lịch ở vùng sâu, vùng xa… đã được đề cập và thảo luận tại Hội thảo “Lấy ý kiến đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số” vừa diễn ra tại Hà Nội.

 

Đời sống bà con các vùng dân tộc thiểu số khá dần lên từ khi biết làm du lịch cộng đồng

Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương chủ trì Hội thảo, cùng dự có đại diện Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới, Bộ Kế hoạch đầu tư, các Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, đại diện một số địa phương có đường biên giới trên bộ và các doanh nghiệp du lịch đã có nhiều năm lăn lộn với du lịch các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Thương mại hóa tại các điểm du lịch đã làm mai một văn hóa địa phương

Theo đánh giá, rà soát tình hình ban hành và thực hiện chính sách liên quan đến phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới và yêu cầu đặt ra, TCDL nhận định: Do sự phát triển không đồng đều về quy mô dân số cũng như điều kiện sống, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, bị chia cắt lớn; dân cư sống phân tán; cơ sở hạ tầng lạc hậu, kinh tế chậm phát triển; đời sống vật chất và tinh thần còn thấp kém, nguy cơ tụt hậu và mất dần bản sắc văn hóa ở một số dân tộc là đáng lo ngại. Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc ít người đã được ban hành, triển khai thực hiện nhưng nhìn chung có nơi đời sống kinh tế được cải thiện song đời sống văn hóa lại gặp nhiều khó khăn.

Khách du lịch quốc tế học làm thổ cẩm với bà con dân tộc thiểu số

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số. Mặc dù dân số chỉ chưa tới 15% dân số cả nước nhưng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên một địa bàn rộng lớn (chiếm ¾ diện tích đất liền cả nước). Phần lớn các đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Có những dân tộc có số dân trên 1 triệu người nhưng có những dân tộc số dân rất ít, dưới 1.000 người.

Về công tác bảo tồn văn hóa, nhiều hoạt động đã được thực hiện như kiểm kê, lập danh mục kiểm kê di tích để quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật; phục dựng các lễ hội truyền thống, bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống; công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; hỗ trợ đào tạo với đối tượng người dân tộc thiểu số; mở các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể…

Văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phục vụ khách du lịch

Liên quan đến lĩnh vực du lịch, cụ thể là phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số cũng được triển khai thông qua các hoạt động như tổ chức và hỗ trợ các địa phương tổ chức nhiều chương trình khảo sát phát triển sản phẩm du lịch (khu vực Tây Bắc, Đông Bắc…); tổ chức và hỗ trợ mở khóa tập huấn nghiệp vụ cho thuyết minh viên du lịch (tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…); triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ các địa phương (như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang); nghiên cứu, khảo sát và lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; phát triển mô hình du lịch cộng đồng…

Du lịch cộng đồng bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn thu nhập cho người dân vùng dân tộc thiểu số và góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Tiêu biểu nhất là Sa Pa (Lào Cai) có tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh gấp 3 lần sô với các thôn, ban không có du lịch cộng đồng. Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), trên 70% du khách quốc tế đến Sa Pa có nhu cầu tới thăm các làng bản của đồng bào dân tộc ở địa phương. Nhờ phát triển du lịch mà các ngành nghề thủ công (sản xuất thổ cẩm, chạm khắc bạc, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm…) và các dịch vụ phục vụ du lịch cũng tạo hàng nghìn việc làm cho người dân. Đồng thời, phát triển du lịch cũng đòi hỏi có các điều kiện hạ tầng, tiếp cận, cơ sở vật chất kỹ thuật cùng các dịch vụ, tiện nghi, năng lực đón tiếp cùng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phù hợp.

Khách quốc tế đến Việt Nam rất thích đi thăm các làng bản và tìm hiểu văn hóa địa phương

Theo đánh giá chung, các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt một số kết quả tích cực. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến, thảo luận từ phía đại diện các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Trong đó phần lớn các đại biểu cho rằng xu hướng thương mại hóa đã làm nhiều giá trị văn hóa mai một như việc trang phục truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc vốn là sản phẩm thủ công được thêu tay tỉ mỉ thì nay đã thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hoặc các trang phục may sẵn. Việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương còn bị rập khuôn một cách máy móc, làm mất đi giá trị văn hóa mỗi vùng miền. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực, hoặc nhân lực chưa được đào tạo (đối với người làm du lịch tại địa phương, hướng dẫn viên du lịch) cũng là một điểm yếu trong việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số.

Đầu tư nguồn nhân lực du lịch là quan trọng nhất

Trong khi đó, hiện nay đang rất thiếu chính sách để có thể hỗ trợ phát triển du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số như: thiếu hỗ trợ hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, thiếu chính sách cơ bản về du lịch (đào tạo nghiệp vụ du lịch, xây dựng năng lực đón tiếp cho bà con dân tộc thiểu số; phát hiện, lực chọn các giá trị văn hóa phù hợp để xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với bảo tồn; hộ trợ tìm kiếm, kết nối thu hút khách du lịch, xúc tiến du lịch; hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số về xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ khách)

Cần có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ đồng bào vùng biên giới phát triển du lịch

Lào Cai, một trong những tỉnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa khá tốt, đặc biệt tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương… có thể nhận thấy bản sắc văn hóa địa phương vẫn vô cùng đậm đặc và đây chính là thứ hấp dẫn du khách nhất. “Tỉnh Lào Cai đã phục dựng thành công 10 lễ hội truyền thống, nâng tổng số lễ hội trên địa bàn tỉnh lên 40 lễ hội… Phục dựng và xếp hạng 26 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; phát triển mô hình du lịch cộng đồng với trên 300 homestay phân bố tại các địa bàn trọng điểm du lịch như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát”, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai chia sẻ.

Còn tại Hà Giang, địa phương có 7/11 huyện là huyện biên giới cũng có nhiều chính sách hiệu quả trong việc hỗ trợ phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế địa phương. Theo bà Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, với các hộ dân đăng ký mô hình du lịch cộng đồng, tỉnh thực hiện cơ chế hỗ trợ tối đa lên đến 100 triệu đồng/hộ. Công tác đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch được triển khai tới các đối tượng từ cán bộ quản lý, các hộ gia đình và những người trực tiếp làm du lịch. Gần đây nhất, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với một số trường tổ chức khóa bồi dưỡng tiếng Anh tại cơ sở.

Một số nơi phát triển du lịch cộng đồng với cách làm khá chuyên nghiệp

Đại diện Công ty du lịch Travelogy lấy ví dụ về hai thôn bản làm du lịch cộng đồng thành công tại huyện Mai Châu (Hòa Bình) là bản Lác và bản Mai Hịch để minh chứng cho tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực. Tại bản Lác, mặc dù người dân đã làm du lịch nhiều năm với kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm, có nguồn khách ổn định, tạo được thương hiệu về làm du lịch cộng đồng, tuy nhiên một số hộ dân còn thiếu kỹ năng quản lý, tiếp đón khách. Trong khi đó, chỉ cách bản Lác 15km, bản Mai Hịch đi sau bản Lác về làm du lịch cộng đồng nhưng đang là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách và được đánh giá rất tốt về năng lực làm du lịch cộng đồng. “Rõ ràng, việc đầu tư đào tạo cho người trực tiếp làm du lịch tại các xã, thôn, bản sẽ giúp người dân hiểu hơn về du lịch cộng đồng, hướng đến phát triển du lịch bền vững”, đại diện Công ty du lịch Travelogy nhấn mạnh.

Hội thảo đã ghi nhận 16 ý kiến góp ý liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương biên giới phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số như cần xây dựng cơ chế thủ tục thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh; việc triển khai các chính sách cần sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn; đẩy mạnh marketing và ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, hỗ trợ cộng đồng tự giới thiệu sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch nhằm nâng cao năng lực, đào tạo kỹ năng phục vụ khách du lịch…

LẠI THÚY HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top