Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Bệnh” thành tích lại bùng phát vào cuối năm học?

Thứ Hai 27/05/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- Là nhà giáo, chúng tôi còn nhớ, năm 2006, Bộ GD&ĐT từng phát động phong trào lớn với hai không trong toàn ngành giáo dục: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Có thể nói, mấy năm đầu triển khai, hai nội dung này đã phát huy hiệu quả, chất lượng dạy và học có chuyển biến tích cực.

Xử lý bệnh thành tích cần có sự tham gia của các thầy cô (ảnh minh họa) Ảnh: V.D

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007, cả nước có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất từ trước đến nay, có trường không đỗ một thí sinh nào. Số lượng, tỉ lệ học sinh tiên tiến, học sinh giỏi… cũng giảm xuống đáng kể, sát, đúng với thực tế dạy và học. Thật đáng tiếc, phong trào “dạy thật, học thật, thi thật” này chẳng duy trì được lâu, sau vài năm, mọi thứ lại đâu vào đó. Nhiều năm trở lại đây, tình trạng lạm phát, tháo khoán về điểm số, về học sinh tiên tiến, học sinh giỏi… ở mọi bậc học phổ thông (kể cả bậc ĐH, CĐ) đã đến mức báo động khiến dư luận bức xúc, người tâm huyết chán nản.

Một số người đưa ra các lý do để biện minh như: điều kiện dạy và học bây giờ tốt hơn, các bậc phụ huynh quan tâm, quản lý con cái kỹ hơn, các em học sinh của chúng ta chuyên cần, thông minh hơn, chuẩn đánh giá về học lực của Bộ có phần nhẹ nhàng, mở rộng hơn trước… nhưng xem ra chưa mấy thuyết phục. Một lớp có 4 em học sinh cá biệt, hư hỏng nhưng cuối năm cô giáo chủ nhiệm lại toàn xếp hạnh kiểm loại khá, loại tốt. Một lớp học bậc tiểu học có 43 em, cuối năm, kết quả, 42 em học sinh giỏi, 1 em học sinh tiên tiến. Một lớp 12, có 40 học sinh, học kỳ 1 chỉ có 5-6 học sinh giỏi, đến cuối năm tăng vọt lên đến gần 20 em đạt loại giỏi. Điểm số, các danh hiệu của học sinh lớp 12, nhiều năm nay ở nhiều địa phương cũng có bước nhảy vọt... đến không tưởng so với những năm trước đây (Vì điểm số, học bạ lớp 12 tham gia vào xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ). Những con số, ví dụ nêu trên, lại khá phổ biến trong giáo dục phổ thông, liệu có đáng tin hay không, mừng hay lo? Rõ ràng, “căn bệnh” thành tích” đã hoành hành trở lại trong môi trường giáo dục. Ai cũng biết hậu quả của nó thì khôn lường…

Vậy những căn nguyên chính bắt nguồn từ đâu? Trước hết, ngành giáo cũng bị lây lan, tiêm nhiễm, dính “vi rút” thành tích ảo từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác mang sang. Tiếp đến, thói tham lam, đạo đức giả của bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý giáo dục là căn nguyên chính của bệnh chạy đua theo thành tích ảo hiện nay. Vì các vị muốn “ghế” của mình thật vững, luôn được cấp trên, nhiều người ca tụng, khen ngợi về “tài lãnh đạo” giỏi của mình nên trường lớp, học sinh, giáo viên mới đạt được thành tích này, nọ. Có vị lãnh đạo duy ý chí đến mức, chỉ tiêu, tỉ lệ học sinh khá, giỏi… của nhà trường năm sau luôn phải cao hơn năm trước.

Khi anh, chị, em giáo viên phản biện… thì dùng đủ chiêu trò để thuyết phục, bắt tất cả mọi người phải tuân theo con số, tỉ lệ đã định. Cuối học kỳ, cuối năm học, các vị lại “chỉ đạo” miệng cho thầy cô giáo, cấp dưới của mình phải biết “quan tâm, giúp đỡ, yêu thương” con em nhân dân, đặc biệt các em học sinh cuối cấp bằng cách nâng hạnh kiểm, nâng thêm điểm, thêm phẩy…

Hơn nữa, thói bắt chước, không chịu thua chị kém em giữa các đơn vị nhà trường, địa phương cũng diễn biến khá phức tạp. Nghe, thấy trường người ta tháo khoán, dễ dãi trong việc đánh giá, nâng điểm học sinh, các vị lãnh đạo, kể cả giáo viên trường mình “đứng ngồi không yên”, bắt chước làm y như vậy để học trò mình không bị thua thiệt với bất kỳ ai khi thi cử, xét tuyển. Cuối cùng là một bộ phận giáo viên thiếu bản lĩnh; an phận thủ thường, hờ hững, vô tâm; toàn toan tính cái lợi cho mình nên trong họp hành, bàn bạc các chỉ tiêu, tỉ lệ thì im hơi lặng tiếng, trên bảo sao nghe vậy. Có người hờ hững, vô tâm vì nghĩ mình có nói gì đi nữa cũng chẳng thay đổi được cái chi. Có người không muốn “va chạm” với lãnh đạo để còn được cất nhắc… “tạo điều kiện” cho dạy học thêm... Có người “sợ” bị cô lập, trở thành kẻ “dị hợm” nơi mình công tác…

Vậy ai tiên phong trong việc chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo đang hoành hành trong ngành giáo dục hiện nay? Tôi thiết nghĩ không ai khác chính là đội ngũ thầy cô giáo chúng ta. Thầy cô giáo công tâm, chuyên nghiệp, bản lĩnh, kiên quyết phản biện, đấu tranh trước những chỉ tiêu, tỉ lệ “trên trời” của cấp trên đưa ra. Những cuộc họp đầu năm học, khi bàn thảo về chỉ tiêu thi đua, các tổ, khối, các giáo viên cần có tiếng nói xây dựng nghiêm túc của mình. Chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng, cân nhắc trên cơ sở thực tế, đặc thù từng môn, từng lớp, từng trường.

Trong quá trình thực hiện có thể điều chỉnh cho phù hợp, không cứng nhắc, máy móc, không lấy chỉ tiêu, tỉ lệ làm căn cứ chính để phân loại, xếp hạng giáo viên. Còn các vị lãnh đạo, cái gì họ nói đúng, làm đúng thì mình nghe, mình thực hiện; cái gì họ nói sai, làm sai thì mình phản đối, đề nghị làm cho đúng. Nếu vị nào mắc “bệnh” thành tích quá nặng, góp ý, đề xuất mãi không chịu nghe thì không tín nhiệm, bổ nhiệm lại nữa, lựa chọn những người xứng đáng hơn, nói thật, làm thật. Thầy cô giáo khi nào cũng nghĩ mình là “con sâu, con kiến”, luôn sợ sệt, yếm thế, nhu nhược, dung dưỡng… cho cái gian dối, thành tích ảo thì bao giờ tình hình ở môi trường giáo dục mới sáng sủa lên?

 ĐỖ TẤN NGỌC (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Sơn Tịnh - Quảng Ngãi)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top