Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xâm hại trẻ em: Tội phạm là “vành”, xét xử mới chỉ “chóp nón”

Thứ Tư 29/05/2019 | 09:54 GMT+7

VHO- Số lượng tội phạm xâm hại trẻ em còn “ẩn” được ví như vành nón, và số lượng bị đưa ra xét xử chỉ là chóp nón được những cán bộ điều tra, xét xử ví von để nói về tình trạng khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này. 


Đây là vấn đề được thảo luận tại hội thảo Góp ý sổ tay cho lực lượng cảnh sát về nhận thức và ứng phó với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Sổ tay kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em, do VKSNDTC phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc vừa tổ chức tại Hà Nội. 
Không quy định rõ ràng, các cơ quan gặp lúng túng 
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Có những vụ trọng án như hiếp, giết trẻ em, xâm hại nhiều lần dẫn đến mang thai, xâm hại trẻ em còn quá nhỏ... Nhiều vụ việc xét xử chậm, kéo dài, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo ông Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), xâm hại tình dục trẻ em là một loại tội phạm rất nhạy cảm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và có những đặc trưng riêng, do đó lực lượng công an nói chung đặc biệt là lực lượng công an cấp cơ sở nói riêng nhận thức còn hạn chế về hậu quả tác hại lâu dài đối với nạn nhân. Hơn nữa, họ chưa được trang bị kiến thức về pháp luật nên khó khăn lúng túng trong công tác nhận diện tội phạm, đánh giá tội phạm và thu thập tài liệu thu kiến thức ban đầu. 
Đồng thời thiếu kỹ năng làm việc với nạn nhân, người tố giác tội phạm vì điều này đòi hỏi một phương pháp điều tra thân thiện khi làm việc với trẻ em, đảm bảo những gì tốt nhất cho nạn nhân bị xâm hại. Tuy nhiên, cán bộ công an cấp cơ sở nơi này nơi kia vẫn chưa nhận thức hết được. “Có thể họ làm rất đúng luật nhưng lại áp dụng một cách nguyên tắc, máy móc. Các điều tra viên cần kỹ năng làm việc, chia sẻ thông cảm với nỗi đau của nạn nhân mới không làm tái tổn thương đối với nạn nhân”, ông Oanh nói. 
Là một tỉnh có số dân ít nhưng trung bình mỗi năm có khoảng 10 vụ xâm hại trẻ em, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra gần 10 vụ, ông Phạm Trung Trực, Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, nhiều vụ có tính chất phức tạp như bố, người thân hiếp dâm con, cháu trong thời gian dài, dẫn đến có thai và bỏ thai nhiều lần. Hầu hết các vụ xảy ra tại tỉnh đều được tập trung điều tra và đưa ra xét xử nghiêm minh. Tuy nhiên, công tác đấu tranh với tội phạm này còn nhiều khó khăn, trước hết là do phong tục tập quán, nhận thức của nạn nhân, người nhà nạn không biết thế nào là xâm hại, dâm ô; hoặc do lo ngại ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của gia đình họ hàng nên không tố giác tội phạm. Khi phát hiện thì hậu quả xảy ra đã rất nặng nề. 
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Bốn, Trưởng phòng thực hành Công tố kiểm sát, VKSND tỉnh Hà Nam cho rằng, hiện nay một số khái niệm theo quy định về hiếp dâm, cưỡng dâm, quan hệ tình dục, dâm ô với người độ tuổi 13 đến 16 tuổi chưa được giải thích rõ ràng nên trong thực tiễn có phần lúng túng. Chẳng hạn, như thế nào là quan hệ tình dục khác, thế nào là bộ phận nhạy cảm… Những hành vi như thế cần phải có sự hướng dẫn, giải thích chính thống của cơ quan có thẩm quyền như Hội đồng Thẩm phán, TANDTC hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội thì người thực hiện mới có thể áp dụng. “Gần đây, các vụ việc liên quan đến đến xâm hại tình dục của em đã được giải quyết một cách hiệu quả hơn, nhưng tội phạm phạm tình dục trẻ em vẫn như mô hình hình chóp nón, tội phạm thật thì như hình vành nón, còn tội phạm được đưa ra xét xử chỉ như chóp nón”, ông Bốn chia sẻ. 
Không có quy chế…, bắt giữ đối tượng gặp khó khăn 
Trước tình trạng này, để khắc phục việc bỏ lọt tội phạm xâm hại trẻ em, theo chỉ đạo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Công an đã phối hợp với ngành kiểm sát nhân dân đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện Sổ tay cho lực lượng cảnh sát về nhận thức và ứng phó với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và Sổ tay kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Trong các cuốn sổ tay này đã cung cấp nhiều kiến thức là tiền đề, chìa khóa để mở ra giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng và hiệu quả. Cẩm nang sổ tay điều tra quy định chặt chẽ chi tiết công tác ứng phó, quán triệt trách nhiệm của mỗi cán bộ công an; trang bị những kỹ năng và biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền cho cán bộ công an, cộng đồng dân cư, nhà trường… hướng dẫn trẻ em ứng phó với các tình huống cụ thể; các thủ tục trình tự khi tiếp nhận tin báo, đảm bảo khởi tố nhanh chóng các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. 
Theo ông Lê Việt Trung, điều tra viên Phòng Hình sự, Công an thành phố Hà Nội, ngoài các nội dung hướng dẫn trong cuốn sổ tay dành cho công an và kiểm sát viên, cần bổ sung việc phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân về khám nghiệm hiện trường, kiểm tra dấu vết thân thể nạn nhân và lời khai nạn nhân. Thực tế, nhiều vụ việc điều tra chậm đã gây khó khăn cho việc khởi tố tội phạm. 
Việc điều tra, xét xử tội phạm xâm hại trẻ em cần đảm bảo thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, tránh làm tổn thương thêm các em, giữ bí mật đời tư của nạn nhân tại phiên tòa. “Chúng ta cũng cần có quy chế phối hợp với các cơ quan giám định trong việc trả lời kết quả giám định. Trong quá trình làm, chúng tôi trưng cầu giám định để có kết quả và quyết định giữ hay không giữ đối tượng, vì để ra các quyết định tố tụng là rất quan trọng. Thế nhưng có những trường hợp nhanh thì cũng 7 đến 9 ngày, thậm chí cả tháng cơ quan giám định mới cho kết quả. Bởi vậy, việc lưu giữ đối tượng và áp dụng các biện pháp tố tụng rất khó khăn cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát”, ông Lê Việt Trung nêu ý kiến. 

 Kiểm tra việc thực hiện bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em 
Ủy ban quốc gia về trẻ em Việt Nam cho biết sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tại 2 Bộ, ngành và 7 tỉnh, thành phố trong tháng 6 tới. Cùng với việc kiểm tra, Bộ LĐ,TB&XH và Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiến hành thanh tra tại một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập của 3 tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch, việc kiểm tra, thanh tra sẽ tập trung vào việc thực hiện Luật Trẻ em, chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ trẻ em; đặc biệt là phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em phát sinh thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương. 
Qua đó phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình về bảo đảm quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác trẻ em… Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra sẽ sẽ kiểm tra, thanh tra việc bố trí nhân lực và kinh phí để thực hiện công tác trẻ em và lồng ghép thực hiện chỉ tiêu về trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương. 

 QUỲNH HOA 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top