Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Khuyến nghị không đốt đồ mã, vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội:Thực trạng, biến tướng và hệ lụy

Thứ Tư 29/05/2019 | 11:27 GMT+7

VHO- Dù đã qua mùa cao điểm lễ hội nhưng việc đốt vàng mã, đồ mã vẫn tiếp tục tràn lan. Đáng chú ý là tại không ít cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội vẫn xảy ra tình trạng đốt quá nhiều vàng mã, đồ mã kích cỡ lớn, không chỉ tạo nhiều biến tướng mê tín dị đoan mà còn tiềm ẩn vô số nguy cơ về cháy nổ, mất an toàn, gây hệ lụy cho xã hội và cộng đồng.

Cứ đến hẹn lại lên, vào mỗi mùa lễ hội, Bộ VHTTDL lại ban hành những công văn hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó có việc điều chỉnh, giảm thiểu tối đa việc đốt vàng mã, đặc biệt là quy định cấm đốt đồ mã tại nơi công cộng. Điều 15, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200- 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa.

Đua nhau đốt tiền thật thành tro

Trước thực trạng đồ mã, vàng mã đốt tràn lan này, mùa lễ hội 2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự. Đây là tín hiệu tích cực đối với việc hạn chế đốt vàng mã ở tất cả di tích, địa điểm văn hóa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc hạn chế việc đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội chưa giảm nhiều. Một số cơ sở thờ tự, đình, đền dịp đầu năm, rằm tháng Bảy trở thành “điểm nóng” của việc đốt vàng mã, đồ mã như đền ông Hoàng Bảy (Lào Cai), đền ông Hoàng Mười (Nghệ An), đền Bà Chúa Kho... Tâm lý “trần sao âm vậy” dường như đã mặc định, khiến cho phần đông người dân đã hình thành thói quen đốt vàng mã vào các dịp ngày mồng một, ngày Rằm, dịp lễ Tết, đặc biệt nhiều vào dịp lễ xá tội vong nhân (Rằm tháng Bảy âm lịch).

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, khuyến nghị nhân dân không đốt nhiều đồ mã, vàng mã là vấn đề cần thiết nhưng chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều bởi tập tục này lâu nay đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Mặt khác, vàng mã là ngành nghề truyền thống mang lại lợi ích kinh tế cho một số làng nghề, người làm nghề buôn bán. Có cung ắt có cầu, mối quan hệ tương hỗ hai bên càng khiến cho thị trường vàng mã, đồ mã ngày càng trở nên sôi động. Nhà có điều kiện thì mua sắm đủ lễ vật bằng vàng mã, từ nhà lầu, xe hơi cho đến quần áo, điện thoại, tivi… Nhà ít điều kiện hơn sắm sửa vài thếp tiền vàng và một vài bộ quần áo để “gửi” cho thần linh, tổ tiên ông bà.

Điều đáng nói là dù có điều kiện hay không, nhiều người dân vẫn không ngần ngại vung tiền sắm vàng mã. Với số lượng mỗi gia đình đốt vài tập tiền vàng, vài ba bộ áo quần cho đến những mâm đồ mã cỡ khủng, những đàn ngựa, voi khổng lồ... thì ước tính mỗi năm có đến nhiều tỉ đồng tiền thật đã bị đem hóa thành tro.

Đồ mã biến tướng, sự lệch lạc về nhận thức

Những năm gần đây, việc đốt vàng mã, đồ mã không chỉ gia tăng về số lượng mà ngày càng phát triển với nhiều biến tướng mê tín dị đoan. Thị trường đồ mã, vàng mã không dừng lại với những mặt hàng thông thường mà ngày càng xuất hiện nhiều loại hình không phù hợp thuần phong mỹ tục. Dịp đầu năm 2019, thị trường vàng mã, đồ mã không chỉ tạo sự choáng ngợp bởi những đàn voi, ngựa khổng lồ mà còn khiến người tiêu dùng bất ngờ bởi những sản phẩm bằng vàng mã như bikini, nội y, giày cao gót, túi xách hàng hiệu... xuất hiện và bày bán công khai trên nhiều tuyến phố.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã bày tỏ thái độ phản đối vấn nạn vàng mã với những hình thức biến tướng này. Nhiều người cho rằng, nếu vận quan niệm “trần sao âm vậy” trong những trường hợp này là lệch lạc, phản cảm, trái truyền thống và rất tốn kém. Mùa lễ hội năm 2019, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã ban hành văn bản đề nghị lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương đề xuất giải pháp nhằm hạn chế đốt vàng mã; đồng thời kiến nghị Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh kiểm soát, khuyến nghị các cơ sở bán đồ mã hạn chế kinh doanh những mặt hàng không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở cũng yêu cầu các địa phương nâng cao trách nhiệm tuyên truyền để hạn chế, dần loại bỏ những mặt hàng đồ mã phản cảm.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, người dân có cuộc sống sung túc hơn, và họ mong muốn người đã khuất cũng sung túc hơn. Đây chính là nguyên nhân của việc vàng mã, đồ mã bị đốt nhiều trong mấy năm trước. Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nhiều người dân cho rằng việc đốt vàng mã sẽ giúp công việc làm ăn cũng như cuộc sống của gia đình phát đạt và yên ổn. Thế nên, câu chuyện đốt vàng mã đã có từ lâu và năm nào cũng trở thành chủ đề nóng được bàn luận, nhưng dường như vẫn chưa đủ để thay đổi nhận thức của phần đông trong bộ phận người dân. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, đốt vàng mã là sự lãng phí lớn và khi đã thành phong trào thì sẽ không có điểm dừng, dẫn đến việc “đua nhau” đốt. GS Lê Văn Lan cũng nhận định việc đốt vàng mã để hướng thiện đang bị lạm dụng quá đà và khó mà dừng lại.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, bỏ ngay việc đốt đồ vàng mã trong bối cảnh hiện nay chưa thể thực hiện ngay, nhưng nhất thiết phải hạn chế. Nếu những bộ bikini, giày cao gót bằng vàng mã như đề cập ở trên được sử dụng để “gửi” cho người đã khuất với ý nghĩ “trần sao âm vậy” thì đó là sự lệch lạc, biến tướng về nhận thức, thậm chí là hành vi cần bị xử lý. “Vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm”. Nhưng chỉ là hình thức tượng trưng, sử dụng những đồ dâng cúng, mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật. Và vì thế, sử dụng vàng mã chỉ nên vừa phải, không nên lạm dụng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định. 

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top