Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Giữ bản sắc làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch

Thứ Hai 03/06/2019 | 10:16 GMT+7

VHO- Ninh Phước (Ninh Thuận), nổi tiếng là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ hay gốm Bàu Trúc - làng gốm lâu đời nhất của đồng bào Chăm. Những năm qua, chính quyền địa phương cùng bà con nỗ lực đầu tư, giữ gìn bản sắc sản phẩm thủ công làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững; đồng thời, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật làm gốm tại Năm Du lịch quốc gia và Festival Biển Nha Trang-Khánh Hòa 2019

 Giữ bản sắc truyền thống

Làng nghề Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ vốn nổi tiếng với nghề dệt thủ công truyền thống sản xuất thổ cẩm phục vụ hoạt động tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Hiện còn hàng trăm hộ dân gắn bó với nghề dệt và hàng chục cơ sở dệt công nghiệp gồm nhiều cỗ máy sản xuất vải hoa văn đặc trưng phục vụ nhu cầu trang phục cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống và vải dệt máy sản xuất tới đâu được thị trường tiêu thụ hết tới đó, đem về doanh thu làng nghề khoảng 15 tỷ đồng/năm.

Ông Hàm Minh Thiệu, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cho biết, hằng năm có khoảng trên 10 ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan mua sắm sản phẩm. Cùng với đó, HTX tiếp tục đầu tư phục hồi hoa văn cổ, đa dạng hóa sản phẩm và tái hiện quy trình dệt vải cổ truyền của đồng bào Chăm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách. Trong năm 2018, HTX đã liên kết với Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận đưa du khách đến tham quan làng nghề với mục tiêu phấn đấu thu hút 15.000 lượt khách mỗi năm.

Trong khi đó, làng gốm Chăm Bàu Trúc, được biết đến là làng nghề làm gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Gốm Bàu Trúc “hút hồn” du khách bởi kỹ thuật rất dân dã là “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban quản lý khu phố Bàu Trúc, chia sẻ: Từ năm 2017 đến nay, khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, làng Bàu Trúc trở thành điểm đến của du khách trong dịp nghỉ lễ và những ngày nghỉ cuối tuần. Các nghệ nhân lao động không ngơi nghỉ làm ra sản phẩm bảo đảm chất lượng cung cấp cho bạn hàng yêu thích gốm mỹ nghệ phục vụ trang trí gia đình và các cơ sở kinh doanh du dịch. Trong những năm qua, Nhà nước quan tâm đầu tư trên 10 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, dạy nghề, đổi mới quy trình nung gốm đưa làng nghề ngày càng phát triển bền vững. Tính riêng trong hai tháng đầu năm 2019, lượng khách đến làng gốm Bàu Trúc khoảng 8.000 lượt, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2018. Các nghệ nhân làng nghề đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu gốm Chăm Bàu Trúc ngày càng phát triển bền vững.

 Nét độc đáo nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm thu hút du khách đến tham quan và tìm hiểu nghiên cứu

Giải quyết cái khó để phát triển du lịch

Thời gian qua, mục tiêu giữ bản sắc truyền thống nhưng nội lực tại các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Ở làng gốm Chăm Bàu Trúc, số người tham gia làm gốm ngày một giảm đi. Ông Phú Minh Thuần, Giám đốc HTX gốm Bàu Trúc lo lắng: “Nhiều năm qua, HTX và các cơ sở gốm không chỉ đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, mà các công nhân làm ở đây cũng ngày càng “già hóa”. Thời gian tới, cần sự quan tâm của Nhà nước để huy động được nhân lực trẻ, nhiệt huyết và tìm được đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, mới phát triển cho làng gốm Bàu Trúc.

Một vài nghệ nhân dệt thổ cẩm ở HTX Mỹ Nghiệp bộc bạch: Để phát triển sản phẩm gắn với du lịch tại đây thì cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình đã vứt bỏ khung dệt, vì họ nghĩ rằng sản phẩm thổ cẩm không còn phù hợp với thị trường thời trang hiện nay; chưa kể một số cửa hàng nơi đây độn hàng thổ cẩm Trung Quốc để bán cho du khách, làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ… Tất cả nghệ nhân đang nỗ lực giữ bản sắc thổ cẩm truyền thống trong từng khung dệt, thổi “hồn” vào sản phẩm để đưa đến người tiêu dùng và du khách. Tuy nhiên, chỉ một vài người vì cái lợi trước mắt mà làm mất đi hình ảnh, thương hiệu của nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, tại các làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp… nếu địa phương có chính sách đầu tư xây dựng căn cơ, kết hợp làng nghề truyền thống với các hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào Chăm, thì các làng nghề trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế trong tương lai.

Ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Sở VHTTDL Ninh Thuận cho biết: “Thời gần đây, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề truyền thống gốm và dệt của đồng Chăm luôn được ngành du lịch Ninh Thuận quan tâm, đẩy mạnh. Đã có hơn 100 công ty lữ hành kết nối, đưa khách về các làng nghề tham quan du lịch. Nhờ vậy, đời sống của bà con đã được nâng cao”. Theo ông Sơn, thời gian tới việc cần làm với địa phương là tạo cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp để tạo dấu ấn trong lòng du khách; còn ở góc độ ngành văn hóa của tỉnh sẽ cố gắng bảo tồn, tìm kiếm lưu giữ những nét hoa văn trên thổ cẩm và gốm Chăm, góp phần thu hút du khách và bảo tồn những nét độc đáo của sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

PHAN HIẾU

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top