Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Thú vị với hai tập tản văn mới về sông núi miền biên viễn Tây Nam

Thứ Ba 04/06/2019 | 22:05 GMT+7

VHO- Không hẹn mà gặp, hai tập tản văn về mảnh đất An Giang - miền biên viễn Tây Nam của Tổ quốc vừa cùng lúc xuất hiện “Mật nắng biên thùy” của Nghiêm Quốc Thanh và “Trong sương thương má” của tác giả Trương Chí Hùng.

Tác giả Trương Chí Hùng và Nghiêm Quốc Thanh 

Hai tác giả là hai cái tên còn khá mới mẻ, đề làm công tác giảng dạy, qua “cây cầu” Nhà xuất bản Kim Đồng, đã mang tới cho độc giả những trang tản văn tươi tắn về vùng đất ít người biết, đặc biệt với độc giả miền Bắc. Vùng đất An Giang với sông nước, và những rặng thốt nốt vươn giữa trời xanh là điểm dừng chân thú vị.

Và nơi đó, vùng núi sông An Giang yêu thương của tác giả Nghiêm Quốc Thanh, hình ảnh người thân người quen trong kí ức nối nhau thức dậy, đưa anh quay về quãng ngày còn là một chú bé, hay khi còn là chàng trai chưa rời xa quê. Trong làn nắng mật oi ả quyện mùi sông nước ngọt ngào của vùng biên giới Tây Nam đất nước, người đọc có thể ngắm nhìn khung cảnh nhà cửa sông nước, cây trái vườn tược, thưởng thức bao sản vật, món ngon từ bàn tay chân chất mộc mạc của những người phụ nữ quê. Trong làn nắng mật, người ta có thể lắng nghe lao xao biết bao giọng nói và ngôn ngữ của những con người chung sống nơi này, đó là các cộng đồng người Việt, người Hoa, người Khmer, người Chăm. 

Bước chân kí ức đưa Nghiêm Quốc Thanh đi mãi, thành 19 tản văn nhỏ xinh trong “Mật nắng biên thùy”. Để khi khép cuốn sách lại, người đọc sẽ như nắng đâu đó còn vương trên đỉnh đồi phía ấy Thất Sơn.

Nhà văn Võ Diệu Thanh cho rằng: “Nghiêm Quốc Thanh hút mật nắng quê mình để làm nên những dòng văn nồng hương rừng núi, cỏ cây xen trong sỏi đá khô cằn và hẳn là thơm mùi nắng gió. Văn được chắt từ đất nên cũng chân tình như chính đất lửa Thất Sơn. Một An Giang rất An Giang nhưng lại lạ lẫm mà ngay cả người từng tìm hiểu về vùng đất này cũng phải  ngỡ ngàng như xứ nào xa lắm. Bởi thấm trong nắng gió biên thùy là mấy mươi năm Nghiêm Quốc Thanh sống, rất sống, sống nhiều hơn nữa. Bức tranh biên cương đầy khói lửa chợt bừng lên sức sống hồn nhiên như bất chấp những năm tháng đã rất nhọc nhằn.”

Trong khi đó, tác giả Trương Chí Hùng cũng mang đến 19 tản văn với một âm hưởng khác biệt về miền đất nơi dòng Cửu Long bắt đầu chảy vào đất Việt qua tập “Trong sương thương má”. Lợi thế là người đến với thơ trước khi đưa bút sang địa hạt văn xuôi, tản văn Trương Chí Hùng làm nên tập sách vừa hiền hòa mà cũng thật bi tráng. Mùa nước nổi miền Tây sẽ hiện ra trước mắt người đọc vô cùng sống động. Những câu chuyện về má, về ba, về những con người giản dị mà mỗi hành động đều thấm đẫm tình thương mang đến thật nhiều xúc cảm sâu lắng. Và như thế, như ô cửa trên chuyến xe văn chương, “Trong sương thương má” cho chúng ta nhìn về con người và vùng đất miền Tây thật gần, thật chi tiết, thật yêu thương.

Bìa tập “Mật nắng biên thùy” và “Trong sương thương má” 

Tác giả Trương Chí Hùng chia sẻ: “Những trang văn đầu tiên của cuộc đời, người cầm bút thường viết về má về ba, về thầy cô và những đứa bạn thân, về những kỉ niệm ấu thơ ngập tràn niềm vui lẫn nỗi khốn khó. Tôi thích xê dịch, đôi chân luôn thèm hơi đất mới. Nhưng dù đi đến đâu, tôi vẫn không quên ngôi nhà tuổi thơ giữa mùa nước nổi, khung cảnh lúc hiền hòa lúc dữ dội khi tháng nước về, khúc sông má bơi xuồng chở tôi đi bán bông điên điển, không quên cái nền nhà ba vít đất đắp lên năm này qua tháng khác. Những lúc đang rong ruổi ở nơi xa xôi nào đó, tôi lại chợt thèm về quê, thèm nằm ở hàng ba ngủ một giấc ngon lành. Mỗi trang văn trong quyển sách này có thể xem như lát cắt từ kí ức của một đứa trẻ miền Tây. Đọc Trong sương thương má, biết đâu bạn sẽ bắt gặp khung trời tuổi thơ mình trong đó. Mà tuổi thơ nào cũng chỉ đong đầy khi có má có ba…”  

Có thể nói, trong không khí văn chương trẻ đang kéo người đọc về vùng trung tâm - đô thị hoặc dẫn độc giả ra với thế giới những năm gần đây, thì những trang sách chạm đến hơi thở của vùng phên dậu Tổ quốc ngày càng thiếu, thậm chí khan hiếm. Tác giả Nghiêm Quốc Thanh - thầy giáo dạy Ngữ văn tại huyện biên giới Tịnh Biên, và tác giả Trương Chí Hùng - giảng viên bộ môn Ngữ văn, Trường Đại học An Giang, qua hai tập tản văn “Mật nắng biên thùy” và “Trong sương thương má” đã phần nào bổ khuyết vào “điểm nóng” còn thiếu trên, cụ thể ở đây là mảnh đất An Giang. Những trang văn của hai tác giả trẻ đã góp phần làm tròn đầy hơn hình dung và hiểu biết của chúng ta về miền biên viễn vừa trù phú vừa huyền thoại của vùng đất Tây Nam Tổ quốc.

MAI THƯ



 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top