Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nhạc thiếu nhi: Sự lặng lẽ đáng ngại

Thứ Ba 04/06/2019 | 22:17 GMT+7

VHO- Âm nhạc cho thiếu nhi đang đối mặt với thực trạng đáng buồn là có rất ít bài hát mới và hay về thiếu nhi. Nhiều cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi sử dụng các bài hát dành cho người lớn.

Âm nhạc được xem là một thành tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là với các em thiếu nhi

Khoảng trống ngày càng lớn

Nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội nhận xét trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, ngày càng nhiều trẻ em hát những bài hát dành cho người lớn, với những lời hát về tình yêu, về chia ly, đau khổ... khiến cho người lớn không khỏi “giật mình”.

Tại nhiều sân chơi âm nhạc cho thiếu nhi như Đồ Rê Mí, The Voice Kids, Thần tượng tương lai, Tuyệt đỉnh song ca nhí… ngày càng xuất hiện nhiều trẻ em hát những ca khúc người lớn, không phù hợp với lứa tuổi.

Nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: “Việc trẻ em đua nhau hát nhạc người lớn trong các chương trình âm nhạc chứng tỏ, âm nhạc cho thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các em thiếu nhi. Hay nói cách khác, các ca khúc cho thiếu nhi nói riêng, các tác phẩm âm nhạc hay dành cho thiếu nhi nói chung của chúng ta đang bị thiếu trầm trọng”.

Những năm 1960-1990 có thể coi là thời hoàng kim của những ca khúc dành cho thiếu nhi, với hàng loạt ca khúc của các nhạc sỹ tên tuổi như: “Trường cháu là trường mầm non” của Phạm Tuyên, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” của Phong Nhã, “Con chim vành khuyên” của Hoàng Vân, “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của Hàn Ngọc Bích, “Đi học về” của Hoàng Long - Hoàng Lân, “Chú ếch con” của Phan Nhân, “Cháu yêu bà” của Xuân Giao... Hàng trăm ca khúc thiếu nhi đã đi vào đời sống và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, những sáng tác mới và hay dành cho thiếu nhi lại không nhiều, tạo nên một "khoảng trống" về âm nhạc thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay, khi có rất ít tác phẩm âm nhạc chất lượng cao. Nhiều tác phẩm mới ra đời lại “chết yểu” do không được dàn dựng hoặc công chúng không đón nhận do không phù hợp với nhu cầu của các em.

Sự trăn trở phải biến thành hành động

Nguyên nhân của tình trạng thiếu vắng các tác phẩm âm nhạc mới và hay dành cho thiếu nhi, nhiều ý kiến cho rằng, một phần do tư duy và năng lực thẩm mỹ về văn học của người sáng tác, một phần do tác giả không chịu đầu tư công sức để tìm hiểu tâm lý lứa tuổi các em. Nhiều nhạc sỹ có sáng tác mới nhưng lại theo nếp cũ, tư duy cũ nên các em không thích nghe.

Không ít người sai lầm khi cho rằng viết nhạc thiếu nhi là rất dễ. Trên thực tế, để viết được một tác phẩm hay, người nhạc sỹ vừa phải nghiên cứu để hiểu tâm lý lứa tuổi của các em, vừa phải dành nhiều tâm sức để cho ra đời tác phẩm phù hợp với yêu cầu của thời đại.

“Trẻ em giờ không thích những giai điệu chậm chạp, ê a, nên âm nhạc cho các em phải sôi động hơn, tiết tấu, âm hưởng nhanh, mạnh hơn, kể cả nhạc dance, đôi lúc lại có cả Rock, Pop... Ca từ trong bài hát cũng cần sâu sắc hơn, hình ảnh sinh động hơn và các đề tài cũng gần gũi với đời sống hiện nay của các em hơn”, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long nói.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung, tác giả của ca khúc “Nhật ký của mẹ”, “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to” chia sẻ, rất nhiều người nghĩ, nhạc thiếu nhi dễ viết. Đó là họ đang nhầm lẫn. Không phải ai và lúc nào cũng có thể sáng tác được ca khúc cho thiếu nhi. Nhạc thiếu nhi đúng là dễ thuộc, dễ hát theo và ở một mặt nào đó dễ viết, nhưng lại rất khó hay. Bởi khi người lớn viết nhạc cho thiếu nhi, thì cần phải tìm chủ đề gì, nội dung gì cho phù hợp, bài hát đó có thông điệp gì cho các con. Nếu viết một cách hời hợt, đơn giản, không có ý nghĩa gì, nhạc thiếu nhi sẽ không có sức sống lâu dài.

Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có trên 20 triệu trẻ em trong độ tuổi thanh thiếu nhi (dưới 15 tuổi). Như vậy, nhu cầu âm nhạc của các em là rất lớn, nhưng chúng ta lại đang thiếu vắng một đội ngũ sáng tác trẻ có tài. Làm thế nào để có những sáng tác mới và hay cho thiếu nhi là trăn trở của rất nhiều nhạc sỹ, những người yêu âm nhạc, yêu thiếu nhi hiện nay.

Ở thời nào, âm nhạc vẫn luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Âm nhạc cho thiếu nhi lại càng quan trọng vì nó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Chính vì vậy, để âm nhạc thiếu nhi phát triển tốt, cần có định hướng đúng đắn cho các hoạt động âm nhạc thiếu nhi, từ việc hoạch định chính sách, đến việc sáng tác, phổ biến, biểu diễn và truyền thông...

Một số nhạc sỹ hiến kế, Nhà nước, ngành văn hóa, các hội âm nhạc, các địa phương… nên xây dựng một quỹ giải thưởng thường niên cho ca khúc thiếu nhi để khen thưởng những sáng tác hay về thiếu nhi; tổ chức đều đặn các trại sáng tác, cuộc vận động, các cuộc thi viết bài hát cho thiếu nhi và có giải thưởng xứng đáng cho các tác phẩm chất lượng cao, có sức sống trong lòng công chúng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các hội diễn văn nghệ cho thiếu nhi ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở, để các tác phẩm âm nhạc thiếu nhi có thêm những cơ hội lan tỏa đến với thiếu nhi cả nước.

Theo nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường, Việt Nam hiện có hàng chục kênh truyền hình Trung ương và trên 60 Đài truyền hình địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có một kênh truyền hình chuyên biệt nào dành cho âm nhạc thiếu nhi. Để âm nhạc cho thiếu nhi có “đất sống”, việc xây dựng một kênh truyền hình chuyên biệt dành riêng để phát sóng các ca khúc, các chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi là rất cần thiết. Kênh này sẽ lần lượt giới thiệu các ca khúc thiếu nhi Việt Nam từ xưa đến nay, giới thiệu những tác phẩm mới, những sản phẩm âm nhạc cũ nhưng được dàn dựng sáng tạo theo phong cách mới… đều có thể được phát sóng để giới thiệu đến với các em.

Chinhphu.vn

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top