Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Khai thác “năng lượng” từ truyền thống

Thứ Sáu 07/06/2019 | 09:44 GMT+7

VHO-Văn hóa dân gian là kho tàng quý giá được tích lũy, cất giữ qua hàng ngàn đời, ngày càng được giới trẻ nhìn nhận đúng giá trị. Bằng tài năng và góc nhìn của mình, nhiều bạn trẻ đã và đang sáng tạo dựa trên các giá trị xưa, đưa truyền thống đến gần hơn với những người cùng thế hệ.

Đó là ý kiến được đưa ra tại tọa đàm “Văn hóa dân gian và giới trẻ: những khả năng và cơ hội” vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo các nhà nghiên cứu, trải qua hàng ngàn năm phát triển của một xã hội nông nghiệp, văn hóa dân gian Việt Nam đã được bồi đắp và có bề dày đáng kể, làm nên truyền thống văn hóa Việt, với các thành ngữ, tục ngữ, truyện kể, huyền thoại đã đi vào đời sống; âm nhạc đa dạng đặc trưng; phong tục tập quán, tín ngưỡng... Tuy nhiên, trước sự thay đổi của kinh tế, xã hội, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, hội nhập thế giới sâu rộng, văn hóa dân gian đã gặp “cú sốc” lớn. Trong bối cảnh ấy, nhiều thành tố văn hóa dân gian không còn tồn tại như một thực thể mà như “vỡ vụn” và biến đổi cả cấu trúc, chức năng, một số thành tố văn hóa dân gian như đã bị mất đi cơ sở xã hội, vì không còn môi trường nuôi dưỡng và phát triển. Tuy nhiên, các giá trị của văn hóa dân gian vẫn còn đó, như nguồn năng lượng dồi dào nằm ẩn sâu trong kho tàng văn hóa Việt.

Việc giữ gìn và phát huy vốn văn hóa dân gian giúp con người hiện đại có nội lực để phát triển mạnh mẽ. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã coi trọng việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân gian, nhằm khẳng định bản sắc, và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, lan tỏa và khẳng định thương hiệu quốc gia trên toàn cầu. Ở nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... nền văn hóa truyền thống cũng đã được bảo tồn tốt và quảng bá rộng rãi.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, văn hóa dân gian đã được quan tâm hơn, đặc biệt là thu hút được giới trẻ. Chẳng hạn, bởi trăn trở về phong cách thiết kế đậm chất Việt và khẳng định vị trí của Việt Nam trong ngành thiết kế toàn cầu, nhà thiết kế Trịnh Thu Trang và nhóm Sriver đã thực hiện dự án Họa sắc Việt, với mục tiêu cung cấp kho nguyên liệu truyền thống dành cho ngành thiết kế. Từ dữ liệu màu sắc và họa tiết tranh Hàng Trống, các bạn trẻ đã số hóa thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp màu sắc và cách ứng dụng trên đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ… Bên cạnh họa tiết lấy trong tranh cổ, dự án còn sáng tạo vector từ hoa văn truyền thống. Chị Trịnh Thu Trang chia sẻ: “Thông qua những khía cạnh được đề cập, dự án nhằm tạo ra một cách tiếp cận mới về việc duy trì, bảo tồn những giá trị truyền thống. Không cố gắng bê nguyên truyền thống đặt vào thực tại, không cố níu kéo những điều thuộc về lịch sử, chúng tôi hướng tới chắt lọc những gì từ chất liệu dân gian có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại”.

Ngoài Họa sắc Việt còn có nhiều nhóm chọn văn hóa dân gian như một cơ hội khởi nghiệp như Hoa văn Đại Việt, sưu tầm và số hóa các mô típ mỹ thuật cổ truyền Việt Nam; Ỷ Vân Hiên phục dựng nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt như: trang phục, lễ nghi, các sản phẩm phục vụcho sân khấu truyền thống; Chèo 48h với các khóa học về nghệ thuật dân gian cho giới trẻ; My Hanoi đưa các trò chơi dân gian về với cuộc sống; nhóm Zó nghiên cứu, hỗ trợ cộng đồng làm giấy dó truyền thống, phát triển dó trong các sản phẩm ứng dụng đương đại... Điều đó cho thấy sức sống bền bỉ của văn hóa dân gian và sự hấp dẫn của nó với giới trẻ.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa của tổ chức UNESCO tại Việt Nam: Việt Nam có sự đa dạng về văn hóa, về di sản và cũng đang có một thế hệ trẻ năng động, sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ trong việc tiếp cận công nghệ, sáng tạo và thiết kế trẻ. Chúng ta có thể nghĩ tới cơ chế khuyến khích để phát triển nguồn năng lượng đó, ví như thiết lập quỹ cho các dự án của những bạn trẻ và hội đồng các chuyên gia là người đóng vai trò xét duyệt và tư vấn trong suốt quá trình phát triển dự án dựa trên cảm hứng văn hóa dân gian, điều đó sẽ làm cho giá trị văn hóa sống hơn và chuyển giá trị văn hóa thành giá trị kinh tế, gắn với cộng đồng...

Điều quan trọng là giới trẻ cần tìm ra những gì là hồn cốt, những điều tốt đẹp, phù hợp với xã hội hiện đại để bảo tồn, phát triển, sáng tạo nên các giá trị mới dựa trên truyền thống, được mọi người chấp nhận. Khi làm được điều đó, vốn văn hóa dân gian không hề là rào cản của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập, mà ngược lại, sẽ trở thành nguồn động lực to lớn cho chính quá trình ấy. 

 MINH HIẾU

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top