Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tiếp bài Phù điêu có giá trị quý thời Mỹ thuật Đông Dương bị "nhốt”: 15 năm “năn nỉ” vẫn rơi vào quên lãng

Thứ Tư 12/06/2019 | 09:25 GMT+7

VHO- Hàng loạt văn bản, đề nghị bảo tồn và trả lại không gian nơi hiện hữu những bức phù điêu có giá trị đặc biệt, mang dấu ấn của thời mỹ thuật Đông Dương đã được phát hành từ 15 năm trước. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà đến nay, hai bức phù điêu trong hiện trạng bị “nhốt” vẫn hoàn “nhốt”.

Sốt ruột, lo lắng và bức xúc nhưng những tiếng “kêu cứu” vẫn rơi vào thinh không, để hôm nay, một lần nữa số phận của những bức phù điêu di sản lại tiếp tục được giới nghề kêu gọi chung tay “giải cứu”.

Mừng hụt !

Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam Trần Hậu Yên Thế nhớ lại chuyện mừng hụt 15 năm trước. Trong bài viết của anh về điều ít biết về tòa nhà giảng đường chính của khoa Hội họa từ thời Mỹ thuật Đông Dương có đoạn: Đón chào lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1925 - 2005), một tin vui đến với Trường là theo Quyết định của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng ký, đoạn đường Trần Quốc Toản từ Yết Kiêu đi ra đường Lê Duẩn sẽ được khai thông, mà nhờ đó những cánh cửa đưa tranh chuyên dụng đã bị khoá hơn 20 năm nay sẽ được mở lại. Và hơn thế, mọi người sẽ lại được chiêm ngưỡng bức phù điêu từ thời mỹ thuật Đông Dương nằm phía sau lưng giảng đường.

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cũng là người lưu giữ và cung cấp khá đầy đủ các văn bản liên quan đến việc “kêu cứu” cho hai bức phù điêu. Đầu tiên là Giấy phép năm 1980 do UBND TP Hà Nội cho phép Bộ Công an sử dụng một đoạn đường Trần Quốc Toản. Sau đó 24 năm, cũng là văn bản của UBND TP Hà Nội (văn bản 2972/UB-XDĐT ngày 20.8.2004) khẳng định, sau khi Bộ Công an xây dựng trụ sở mới thì bàn giao lại đoạn đường này để thành phố sử dụng vào yêu cầu phục vụ giao thông theo quy hoạch. Văn bản 2972 nêu rõ, đường Trần Quốc Toản được hình thành từ lâu đời trong khu phố cũ để phục vụ giao thông: “Hiện nay, do dân số và phương tiện giao thông tăng nhanh, thành phố đang tập trung đầu tư mở thêm một số tuyến phố nhằm giảm bớt ùn tắc và tai nạn giao thông theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc mở thông lại tuyến đường Trần Quốc Toản là yêu cầu cần thiết phục vụ nhu cầu phát triển giao thông đô thị và mong muốn của nhân dân”.

Ngày 25.10.2004, Thứ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) Lê Tiến Thọ cũng đã ký Công văn 3936/VHTT-MTNA gửi Bộ Công an về hai bức phù điêu này. Văn bản cho biết, tại kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XI, đại biểu Quốc hội đã chất vấn và yêu cầu Bộ trưởng Bộ VHTT tìm hiểu và giải quyết vấn đề hai bức phù điêu tại khu vực dự án xây dựng của Bộ Công an. Ngày 30.7.2004, Bộ VHTT đã cử đoàn công tác đến làm việc với Bộ Công an để khảo sát hai bức phù điêu gắn trên tường dãy nhà học hình họa của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, phía đường Trần Quốc Toản, do Bộ Công an đang sử dụng. Đó là hai bức phù điêu có nội dung về “Ngư nghiệp” và “Nông nghiệp”, khuôn khổ khoảng 2m x 6m và 2m x 10m. Về hiện trạng, hai tác phẩm còn khá nguyên vẹn. Về giá trị nghệ thuật, đây là hai bức phù điêu quý có chất lượng nghệ thuật cao, sáng tác vào những năm 30 của thế kỷ trước, được gắn trong tổng thể kiến trúc của ngôi nhà học hình họa của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, xây dựng từ ngày thành lập trường.

Bộ VHTT nhấn mạnh, đây là hai tác phẩm nghệ thuật cần được bảo vệ và giữ gìn. Để bảo tồn hai bức phù điêu trên, Bộ VHTT đề nghị Bộ Công an giữ nguyên hiện trạng, đồng thời có biện pháp giữ gìn, bảo quản an toàn cho hai bức phù điêu để khi có điều kiện giới thiệu đến đông đảo công chúng. Hoặc có thể nghiên cứu giải pháp tháo dỡ, di dời hai tác phẩm đến một địa điểm khác, để bảo quản và phát huy giá trị trưng bày và giới thiệu đến công chúng. Tuy nhiên, đây là phương án khá phức tạp, dễ ảnh hưởng đến kết cấu của tác phẩm và kiến trúc của ngôi nhà. Do vậy, Bộ VHTT đề nghị Bộ Công an phối hợp để cùng tìm giải pháp hiệu quả.

Số phận hai bức phù điêu cũng là câu chuyện xôn xao giới nghề từ những ngày ấy. PGS.TS Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT VN trong bài viết “Về việc thông đường Trần Quốc Toản, Hà Nội: Cần bảo tồn một di tích văn hóa”… Theo bà, trước đây do nhu cầu xây dựng trụ sở Bộ Công an mà Nhà nước đồng ý cho họ mượn đoạn phố Trần Quốc Toản. Nhà trường cũng vì lợi ích quốc gia mà đồng ý. Nhưng nay những lều lán tạm bợ đã được dỡ bỏ, thì Bộ Công an cần phải trả đoạn phố này cho thành phố, trả lại di tích văn hóa này cho nhà trường và các thế hệ họa sĩ của ngành mỹ thuật. “Cần phải trả lại con đường ấy, mặt phố ấy, không chỉ cho nhân dân đi lại, cho Trường Đại học Mỹ thuật, mà để nhân dân được chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật quý...”, cố họa sĩ từng lên tiếng.

15 năm trông ngóng

Ngày 8.6.2004, nguyên Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Hà Nội Nguyễn Lương Tiểu Bạch cũng đã ký công văn 107/MT- CV về việc giải phóng đoạn đường Trần Quốc Toản. “Về phía Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội , đường phố Trần Quốc Toản là một mặt của nhà trường. Trên bức tường trông ra đường Trần Quốc Toản có phù điêu nổi tiếng của nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm (người đã tạc tượng chân dung Hồ Chủ tịch tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh) thể hiện từ những năm 30 của thế kỷ trước, hiện bị các công trình “tạm” của Bộ Công an xây lấn, che khuất....”, văn bản nêu rõ.

Trước nguyện vọng tha thiết và chính đáng của nhân dân, cán bộ viên chức nhà trường, lãnh đạo Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã kiến nghị Bộ Công an, UBND TP Hà Nội hãy vì lợi ích chung, có biện pháp để đoạn đường Trần Quốc Toản được trở lại là một đường phố, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông. Nhà trường nhấn mạnh, Đại học Mỹ thuật Hà Nội gần 80 năm xây dựng và phát triển luôn là một trung tâm văn hóa của cả nước. Việc giải tỏa đường Trần Quốc Toản sẽ tạo cho Trường vị thế xây dựng ban đầu, cũng như nhân dân lại được chiêm ngưỡng một bức phù điêu có giá trị của nhà điêu khắc tài năng Vũ Cao Đàm.

Như vậy, từ các cơ quan quản lý nhà nước, UBND TP Hà Nội đến các Hội chuyên ngành và Trường Đại học Mỹ thuật đều đã lên tiếng từ rất lâu về số phận và sự “giải cứu” cần thiết đối với hai bức phù điêu. Thế nhưng hồi âm vẫn là tình trạng giậm chân tại chỗ. Ngày 8.6.2019, họa sĩ Lê Trí Dũng, cựu sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ 1961- 1972, cựu chiến binh trong chiến tranh chống Mỹ đã có đơn kiến nghị UBND TP Hà Nội, trong đó ông khẩn thiết đề nghị UBND thành phố và Bộ Công an giải phóng mặt bằng, trả lại đoạn phố Trần Quốc Toản cũ từ đầu tiếp giáp phố Yết Kiêu tới đầu tiếp giáp phố Lê Duẩn mà Bộ Công an đã sử dụng từ khoảng 1972 đến nay. Họa sĩ nhấn mạnh, đoạn phố này có gắn hai bức phù điêu nổi tiếng của các cựu sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, những bức phù điêu này rất cần được phát lộ để trở thành tài sản của nhân dân Việt Nam.

 BẢO NGÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top