Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Kiểm tra thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH tại Hưng Yên, Hà Nội: Phong trào văn hóa mà làm hình thức thì vô nghĩa

Thứ Sáu 14/06/2019 | 09:39 GMT+7

VHO- Trong hai ngày 12-13.6, Đoàn kiểm tra của BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện phong trào này tại tỉnh Hưng Yên và TP. Hà Nội. Đánh giá chất lượng phong trào đã có nhiều chuyển động tích cực, đặc biệt sau Hội nghị trực tuyến tổng kết 18 năm thực hiện Phong trào do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, lãnh đạo Bộ VHTTDL lưu ý, trong thời gian tới, cần chú trọng đưa những nội hàm mới của phong trào vào đời sống.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy kiểm tra tại di tích Đền Tống Trân (huyện Phù Cừ - Hưng Yên) Ảnh: THU TRANG

Đặc biệt, việc bình xét các danh hiệu văn hóa cần được triển khai đi vào thực chất, tránh hình thức.

Bắt nguồn từ cơ sở

Tại Hưng Yên, Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy làm Trưởng đoàn. Tiếp và làm việc với đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng cho biết, quan tâm và đầu tư cho văn hóa luôn được địa phương đặt song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn trong những năm qua ngày càng phát triển sâu rộng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hưng Yên Phạm Văn Hiệu cho biết, trong thời gian qua, BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Hưng Yên đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của BCĐ Trung ương Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và văn bản chỉ đạo triển khai của Bộ VHTTDL, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện việc xét tặng danh hiệu văn hóa từ năm 2019 theo Nghị định 122. Hưng Yên cũng là địa phương ngay từ sớm đã tích cực xây dựng kế hoạch tập huấn triển khai Nghị định đến tận thôn bản. Chất lượng bình chọn từng danh hiệu đều được chú trọng tính thực chất.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nhiều nội dung phong trào được tích cực đẩy mạnh như: Đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo; Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; Xây dựng môi trường văn hóa; Xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; Xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh. Bên cạnh đó là 7 phong trào cụ thể gồm: Xây dựng người tốt, việc tốt; Xây dựng Gia đình văn hóa; Làng, Tổ dân phố văn hóa; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; Phong trào học tập, lao động, sáng tạo.

Một số hạn chế, tồn tại trong thực hiện phong trào cũng được thẳng thắn nêu rõ. Trong đó, việc nhân rộng điển hình ở một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, chất lượng một số phong trào chưa bền vững. Công tác thông tin tuyên truyền chưa phong phú đa dạng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội ở một số làng văn hóa chưa được khắc phục. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, nhiều địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở một số địa phương còn chưa nghiêm; một số đám cưới, đám tang còn tổ chức rườm rà, tốn kém.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, qua khảo sát thực tiễn đã cho thấy những chuyển động tích cực của phong trào trên địa bàn qua từng năm. Thứ trưởng lưu ý, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 18 năm thực hiện Phong trào. Những chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các địa phương cần chú trọng triển khai những nội dung trong kết luận của Thủ tướng sau hội nghị này. “Những nội dung mới nhằm nâng cao chất lượng phong trào có đi vào đời sống hay không phải bắt đầu từ cơ sở, từ chính sự chủ động và tự nguyện của người dân. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động cũng như nhân rộng những gương điển hình tiên tiến cần được chú ý đẩy mạnh”, Thứ trưởng chỉ đạo.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đi khảo sát mô hình thực tế tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng lưu ý, cần tiếp tục chú trọng nội dung xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa, nâng cao chất lượng danh hiệu theo nội dung của Nghị định 122. Gia đình là nền tảng, tế bào của xã hội, vì vậy, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, lối sống trong mỗi gia đình. “Mong rằng trên nền đã có, trong năm 2019, Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển và đặc biệt sẽ tạo ra những chuyển động mới; chú trọng đưa những nội hàm mới của phong trào vào đời sống...”, Thứ trưởng phát biểu.

Thứ trưởng và đoàn công tác đã đi khảo sát hai mô hình thiết chế tiêu biểu trên địa bàn gồm: HTX sản xuất, cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ và Di tích cấp Quốc gia Đền Tống Trân, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ.

Nhân rộng mô hình điểm 5 không

Ngày 13.6, Đoàn kiểm tra do Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương làm trưởng đoàn đã tiếp tục kiểm tra thực hiện phong trào tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, các chính sách và giải pháp “xoá đói giảm nghèo”, xây dựng các danh hiệu văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... được tích cực đẩy mạnh, góp phần xây dựng hình ảnh, con người thủ đô Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại.

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đại diện BCĐ TƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH và Quỹ Bảo trợ trẻ em trao tiền học bổng cho lãnh đạo huyện Phù Cừ để chuyển tới các cháu học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu chia sẻ những “bí quyết” được người dân trên địa bàn cùng chung tay thực hiện, đưa Thanh Xuân dần trở thành một địa bàn đáng sống. Theo đó, trong công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị, từ năm 2018 về trước, mỗi tổ dân phố của quận Thanh Xuân đều lựa chọn đăng ký một tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp. Năm 2019, 16/317 tổ dân phố đăng ký thực hiện mô hình điểm Tổ dân phố văn hóa 5 không: không rác, không tệ nạn, không hộ nghèo, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không vi phạm trật tự xây dựng. Một số tổ dân phố còn đang tính đến các mô hình 6 không, 7 không...

Một số hạn chế trong quá trình thực hiện phong trào cũng được chỉ rõ như công tác thanh kiểm tra còn chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền, vận động vẫn còn tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”; chất lượng các mô hình văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa đảm bảo; việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hoá một số nơi còn qua loa, hình thức...

Đánh giá cao những mô hình có hiệu quả đặc biệt như 5 không ở quận Thanh Xuân, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho rằng, đây là những mô hình cần nhân rộng để tạo sức lan tỏa cho phong trào. Từng nhân tố điển hình đều là những minh chứng sống động để khẳng định sức sống của phong trào TDĐKXDĐSVH, đã được chính người dân nuôi dưỡng, đưa vào cuộc sống. “Những phong trào văn hóa, danh hiệu văn hóa mà làm hình thức thì là vô nghĩa. Phải đưa từng nội dung đi vào chiều sâu, đặc biệt là tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh, bình chọn các danh hiệu văn hoá...”, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh. Các ý kiến của đoàn kiểm tra cũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc bình chọn các danh hiệu văn hóa, đặc biệt là danh hiệu “Gia đình văn hoá” vì đó là cơ sở để nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những tế bào xã hội lành mạnh.

Tại hai buổi kiểm tra, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương và ông Lương Đức Thắng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH đã đại diện BCĐ và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao học bổng cho 50 trẻ em, học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên và quận Thanh Xuân, Hà Nội.

 

 HÀ PHƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top