Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bàn thảo về di sản văn hóa phi vật thể với sinh viên

Thứ Sáu 14/06/2019 | 10:54 GMT+7

VHO- Vừa qua, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã diễn ra chương trình biểu diễn và giới thiệu âm nhạc dân tộc đến sinh viên do Trung tâm Văn hóa TP.HCM phối hợp với Khoa Văn hóa học của trường tổ chức.

Các tiết mục nghệ thuật truyền thống được giới thiệu đến sinh viên

Tại chương trình, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đã giới thiệu nhiều loại hình âm nhạc dân tộc, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật dân gian đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cùng với đó là các tiết mục trình diễn đặc sắc của những nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ các đoàn nghệ thuật và sinh viên, giảng viên nhà trường.

Bàn về tính hiện đại trong bộ gõ âm nhạc dân tộc, Nghệ nhân ưu tú Đức Dậu đã minh họa bằng màn biểu diễn đàn môi độc đáo thông qua các nhạc cụ tự chế đơn giản như thanh tre, chiếc lá, cây nứa hay thanh kim loại,… Trong mỗi nhạc cụ phát ra một âm thanh mê hoặc khác nhau, lúc hùng tráng rộn ràng trong ngày lễ hội, khi du dương ngọt ngào trong lời tỏ tình nam nữ. Ngoài ra, Nghệ nhân ưu tú Đức Dậu và nghệ nhân Thu Hiền đã giới thiệu và trình diễn đến các sinh viên những loại nhạc cụ dân tộc khác như bộ gõ, bộ trống, đặc biệt là hai nghệ nhân đã biểu diễn bài Chiếc khăn piêu của nhạc sĩ Doãn Nho bằng tiếng đàn T’rưng kết hợp với các loại nhạc cụ khác nhau.

Theo diễn giải của tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nhà nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ tại chương trình, thì trong số các nhạc cụ gõ của dân tộc Jrai và Bana ở Tây Nguyên, đàn T’rưng là một nhạc cụ độc đáo và tiêu biểu. Đàn T’rưng có hình dáng như một chiếc võng, gắn kết 12 đến 16 ống tre theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, mỗi ống tre chứa một vị thần. Theo truyền thống của dân tộc Jrai, Bana, thì chiếc đàn T’rưng do nam đánh, tiếng đàn phát ra âm vang như tiếng các vị thần, dùng để đuổi chim, thú phá hại mùa màng, bảo vệ nương rẫy. Đàn T’rưng âm vực rộng 3 quãng 8 kết hợp cùng kỹ thuật diễn tấu của nhạc công, người nghe như cảm nhận được tiếng suối chảy róc rách, tiếng thác đổ, tiếng gió lùa qua rừng tre trúc, là những âm thanh của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, mang lại cảm xúc tươi vui, hạnh phúc cho người nghe, vì thế mà đàn T’rưng được dùng trong các ngày lễ, hội quan trọng của cộng đồng Tây Nguyên.

Sau phần biểu diễn đầy sinh động và ngẫu hứng này, các sinh viên được thưởng thức nghệ thuật biểu diễn hát nói với bài Chí làm trai của Nguyễn Công Trứ, qua phần biểu diễn hát nói của ca nương Hoài Anh cùng các nghệ nhân. Diễn giải về loại hình di sản dân tộc này đến sinh viên, các nhà nghiên cứu cho biết, hát nói là một thể điệu của Ca trù, được hình thành trên thể thơ lục bát và song thất lục bát rất thịnh hành vào thế kỷ XIX. Đây là một thể loại duy nhất của Ca trù được sáng tác và nghiên cứu với tư cách là thể loại của văn học Việt Nam. Thông thường một bài hát nói có 11 câu và chia làm 3 khổ. Một trong những bài hát nói nổi tiếng gắn với lịch sử phát triển của nghệ thuật Ca trù vào thế kỷ XIX phải kể đến bài Chí làm trai của Nguyễn Công Trứ.

Một loại hình nghệ thuật không thể thiếu đối với người dân Nam Bộ là nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương. Tại chương trình, các sinh viên đã được thưởng thức bài Dạ cổ hoài lang qua phần trình diễn của nghệ sĩ Bích Phượng, phần ca ra bộ và trích đoạn cải lương Tiếng trống Mê Linh của các giọng ca tài tử. Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên cũng đã giới thiệu một cách cơ bản và đầy đủ về cái hay, cái đẹp về loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc này với sinh viên. Ngoài ra, chương trình còn có tiết mục biểu diễn đặc sắc Hát - Múa - Hầu đồng Ông Hoàng Mười; phần biểu diễn hát Chầu văn Cô đôi thượng ngàn của nữ sinh Trần Hoàng Phương Thảo, sinh viên năm 4 Khoa Văn hóa học, tiết mục ca cổ Nhớ Nha Trang của tiến sĩ Lê Hồng Phước, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp,… được đông đảo sinh viên thích thú cổ vũ.

Chương trình đã mang lại không gian nghệ thuật đa dạng, đậm bản sắc văn hóa với nhiều loại hình di sản phi vật thể của dân tộc. Nhiều sinh viên cho biết điểm thú vị của chương trình là ngoài phần trình diễn của các nghệ sĩ, nghệ nhân, sinh viên còn được nghe các nhà nghiên cứu văn hóa giới thiệu chi tiết về từng loại hình, nhờ vậy mà các em có cơ hội hiểu rõ hơn về các di sản phi vật thể, như những đặc trưng, giá trị để được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại, đồng thời các em còn được trao đổi với các nghệ nhân để qua đó có cái nhìn toàn diện hơn, hỗ trợ thêm cho việc tìm hiểu, học tập chuyên ngành Văn hóa học ở nhà trường.

Tiến sĩ Lê Thị Ngọc Điệp, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hay, trước đây nhà trường có tổ chức các buổi giới thiệu về nghệ thuật kịch nói, các chương trình ca múa nhạc đến sinh viên, tuy nhiên, chương trình giới thiệu kết hợp trình diễn di sản vào trường học là hoạt động hiếm hoi, vì liên quan đến kinh phí tổ chức và cả việc mời gọi cùng lúc nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đến biểu diễn do không kết nối được. Có những chương trình biểu diễn về nghệ thuật dân tộc ở các sân khấu, nhà hát nhưng sinh viên thường phải mua vé để xem, vì thế mà mức độ lan tỏa không được nhiều. Do đó, chương trình “Biểu diễn - giới thiệu một số loại hình di sản trong các trường cao đẳng - đại học” mà Trung tâm Văn hóa TP.HCM thực hiện là một hoạt động rất có ý nghĩa giáo dục và cần thiết đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc đến thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên các chuyên ngành văn hóa. Theo ông Trần Thanh Bình, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa TP.HCM, chương trình “Biểu diễn - giới thiệu một số loại hình nghệ thuật di sản trong các trường cao đẳng - đại học” do Trung tâm chủ động thực hiện trên cơ sở kết nối với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Chương trình diễn ra từ nay đến hết năm 2019, trong đó chú trọng các trường có giảng dạy các chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, xã hội nhân văn,… 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top