Ứng xử trong gia đình: Không chỉ là câu chuyện cấm đoán

VHO- Trong thời đại công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt thì việc một đứa trẻ ngay từ khi còn nhỏ đã được tiếp xúc với những chiếc smartphone cũng không còn là câu chuyện hiếm gặp.

Ứng xử trong gia đình: Không chỉ là câu chuyện cấm đoán - Anh 1

 Cha mẹ cần hướng dẫn con sử dụng thiết bị thông minh đúng cách (Ảnh minh họa)

 Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn cho các con sử dụng đúng cách bởi bên cạnh những tiện ích trong quản lý con cái, những chiếc smartphone còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Chắc hẳn nhưng người làm cha, làm mẹ trong kỷ nguyên số ngày nay không còn biết đến cảm giác cho con ăn bằng việc cho con chơi những món đồ chơi thông thường hay dắt con đi quanh xóm. Thay vào đó, để không phải “đánh vật” cùng các con trong mỗi bữa ăn, người lớn thường sử dụng smartphone như một công cụ để khiến các con chịu ngồi yên một chỗ. Điều này đã khiến những đứa trẻ có tâm lý phụ thuộc vào những thiết bị công nghệ ngay từ khi còn nhỏ.

Nguy hiểm hơn cả, trong thời buổi cái gì cũng có thể đưa lên mạng như hiện nay, nếu như cha mẹ không trang bị cho các con những kiến thức cần thiết thì việc các con bị cuốn vào những trào lưu xấu trên mạng là điều không thể tránh khỏi. Những trang web đen, bắt nạt trực tuyến, game online bạo lực hay cả những trang web chính trị xuyên tạc sẽ là cái bẫy gây tê liệt cảm xúc cũng như là cái “nôi” đào tạo ra những đứa trẻ chỉ biết dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Anh cho biết, trẻ em khi sử dụng smartphone quá nhiều còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ngủ dẫn đến những vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần gây ảnh hưởng đến kết quả học tập, giảm khả năng nhận thức và phá vỡ nhịp sinh học của con người. Các nguy cơ về béo phì cũng cần được cha mẹ lưu ý, những đứa trẻ “nghiện” sử dụng điện thoại thông minh thường ít tập thể dục và có chế độ ăn không lành mạnh. Chất lượng cuộc sống của những đứa trẻ này cũng không được đánh giá cao bởi thay vì đầu tư cho những hoạt động ngoài trời như thể thao, tương tác xã hội thì chúng chỉ biết “dán mắt” vào màn hình, khó tạo lập được những mối quan hệ mới bên ngoài.

Cấm hay không cấm?

Hiện người Việt chủ yếu dùng smartphone để lên mạng xã hội mỗi ngày, nhất là người trẻ. Thực tế không khó để thấy tâm lý e ngại của các bậc phụ huynh khi con cái dành thời gian quá nhiều cho smartphone và mạng xã hội. Bên cạnh những ý kiến cho rằng nên cấm tuyệt đối trẻ, thì cũng có ý kiến cho rằng không nên cấm hoàn toàn mà phụ huynh nên định hướng cho các con sử dụng một cách lành mạnh bởi nếu càng cấm sẽ càng kích thích trí tò mò của trẻ, từ đó chúng sẽ tìm mọi cách để thỏa mãn tâm lý.

Theo các chuyên gia, cũng không thể cấm tuyệt đối các con sử dụng những thiết bị thông minh vì sẽ rất bất công trong cạnh tranh việc làm sau này vì sẽ thiếu đi một số kỹ năng cần thiết. Cha mẹ sẽ cần là người định hướng cho trẻ để những chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng phát huy đúng chức năng của nó. Theo đó, khi con tiếp xúc với những thiết bị di động, cha mẹ có thể hướng dẫn con những trang web phù hợp với lứa tuổi, cách tiếp thu thông tin có chọn lọc và những quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Ngoài ra, cũng cần nhắc nhở trẻ không sử dụng điện thoại trong bữa ăn, để điện thoại quá gần mắt và tích cực giao tiếp trong gia đình và ngoài xã hội.

Cha mẹ là người cổ vũ, động viên con cái và tạo môi trường tốt để con rèn luyện nên thay vì cấm cản, cha mẹ có thể tận dụng những nền tảng sẵn trên thiết bị thông minh để thiết kế những bài giảng sáng tạo giúp cải thiện kết quả học tập, phát triển cảm xúc và khả năng nhận thức của con. Đó mới là cách giáo dục hiện đại, đào tạo trẻ khoa học và bài bản. 

 NAM ANH

Ý kiến bạn đọc