Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xuân Quỳnh và những hồi ức “hạnh phúc và bất hạnh”

Thứ Tư 04/09/2019 | 11:04 GMT+7

VHO- 31 năm đã trôi qua nhưng những câu chuyện về nhà thơ Xuân Quỳnh vẫn luôn làm độc giả thổn thức.

 Bà Đông Mai (trái) chị gái nhà thơ Xuân Quỳnh đã chia sẻ những kỷ niệm về em gái mình

Trong tiết trời oi ả của một ngày cuối hạ, chúng tôi có cơ hội được ngồi lại với cô Đông Mai, chị gái nhà thơ Xuân Quỳnh, được nghe lại những vần thơ khiến hàng triệu trái tim xao xuyến; được nghe những câu chuyện mộc mạc về một thi nhân lừng danh trong thi đàn Việt Nam.

Những ký ức xúc động

Lặn lội từ Sài Gòn ra Hà Nội, cô Đông Mai cho biết, bên cạnh nỗi buồn mất mát, làniềm vui vìđã 31 năm kể từ ngày mất của người em gái, mọi người vẫn nhớ đến Xuân Quỳnh với một tình cảm không thể cân đo, đong đếm.

“Thật ra Xuân Quỳnh được sinh vào ngày mồng 1 Tết. Tuổi thơ của em gái tôi không mấy êm đẹp khi mẹ mất sớm, ba lại sớm đi bước nữa. Những người gần gũi, yêu thương nhất với Quỳnh có tôi và bà. Lớn lên, tôi may mắn được ra Hà Nội học, còn em thì ở với bà. Bà tuổi đã cao, không thể đi làm, không có tiền nên cuộc sống vất vả lắm”, cô Mai tâm sự. Cô kể thêm, những ngày đông giá rét, hai chị em lang thang trên phố, khao khát có được một gia đình đủ đầy cả cha lẫn mẹ với những bữa cơm. Nỗi khao khát đó cứdâng trào, và đôi khi trởthành sự tủi thân vào mỗi đêm Giao thừa, hai chị em ôm nhau khóc.

Theo cô Mai, vì bà không đi làm được nên cũng không có tiền cho Quỳnh đi học nên chỉ có thể học hết tiểu học. Nói đến đây, nhiều người không khỏi giật mình bởi đứng đằng sau những vần thơ khiến người đọc thương nhớ lại là một người con gái chỉ mới học hết tiểu học. Nhưng đáng khâm phục thay, Xuân Quỳnh luôn phấn đấu để hết mình với những áng thơ. Có lẽ, cuộc đời Xuân Quỳnh tươi sáng nhất là lúc cô được tuyển chọn vào đoàn văn công. Khi đó, các anh giải phóng quân tập trung hát cho vui, thấy vậy, Xuân Quỳnh đứng sau cánh cửa lẩm nhẩm hát theo. Sau này, khi đoàn văn công về tuyển người, Xuân Quỳnh mạnh dạn tham gia, được tuyển chọn vào đoàn, được đào tạo trở thành diễn viên múa. Vào đoàn, Quỳnh tự đọc sách, làm thơ, và học cả tiếng Pháp.

Tuổi thơ khốn khó là vậy nhưng trong thơ Xuân Quỳnh dường như không bao giờ có những vết hằn trong tâm trí mà trái lại, thơ của nữ thi sĩ luôn là những áng thơ tròn đầy, xúc động về thiếu nhi, tuổi thơ, gia đình, “… Con yêu mẹ bằng con dế…”. Thay vì oán giận vì mồ côi sớm, cha đi bước nữa thì Xuân Quỳnh muốn yêu nhiều hơn, thương nhiều hơn.

“Mất em, tôi mất nửa cuộc đời”

Qua những câu chuyện mà cô Đông Mai kể trong căn phòng nho nhỏ, có thể hiểu vì sao cô lại nói Xuân Quỳnh là một nửa đời cô. Khi lớn lên, cô Đông Mai theo chồng vào Sài Gòn, còn Xuân Quỳnh ở lại Hà Nội để có môi trường sáng tác tốt hơn. “Thời đó, khó khăn lắm, chỉ ăn hạt bo bo thì tiền đâu mà hai chị em có cơ hội gặp nhau. Nhiều lúc thương em vì cuộc sống vất vả, lại nhờ những người quý Xuân Quỳnh gửi hộ ít gà kho”, cô Mai nói.

Rồi những khi hai chị em có dịp tâm sự, hay viết thư cho nhau đều là những câu chuyện rất đời giữa hai người. Xuân Quỳnh thương chị Đông Mai nhiều. Thậm chí là rất quý những ai đối xử tốt với chị gái mình. Nhưng cô cũng rất cực đoan tới mức từng nói với người con của cô Mai rằng, ai làm mẹ cháu khổ, người đó là kẻ thù của cô.

Càng kể, khán giả càng thấm thía tình cảm của người chị gái dành cho người em của mình: “Số cái Quỳnh sao mà nó khổ thế, lấy Lưu Quang Vũ về rồi, gia đình 5 người ở trong căn nhà 6m2. Sang với em mà thấy em mình xách nước lên tận tầng 3, tôi giận Vũ lắm vì không cùng vợ san sẻ việc nhà. Buổi tối thì nhường chồng chiếc bàn, Quỳnh trải giấy ra sàn viết. Cũng đâu có được ngủ trên giường nên nó thèm được ngủ trên giường lắm. Sau này, khi Lưu Quang Vũ có những thành công trong sự nghiệp, đời sống gia đình khá giả hơn thì tai họa lại ập đến cướp em tôi đi”.

Từ khi nhàthơ Xuân Quỳnh vĩnh viễn ra đi, cô Đông Mai mất đi một người bạn tâm sự, hơn cả, đó lại là người em ruột thịt. Cô như vô định giữa khoảng không, vì một nửa đời cô đâu còn nữa. Nén đau thương, cô viết cuốn sách “Xuân Quỳnh – Một nửa cuộc đời tôi” để mọi người hiểu hơn về Xuân Quỳnh. Cô làm vậy là bởi nghĩ rằng, sau ngần ấy năm, nếu mình không viết về em, thì cũng chẳng ai viết. Cuộc sống càng già càng cô đơn, nhưng cái cô đơn ấy lại bị nhân lên gấp bội khi mất đi một người có thể sẻ chia mọi thứ trong cuộc sống.

Mỗi lần mở từng trang sách đọc về Xuân Quỳnh, cô Đông Mai lại bật khóc. Bạn đọc thương cảm với cô, nhưng trên cả, đó là sự khâm phục bởi ít ai có thể tưởng tượng ra rằng, cô lại có thể nén đau thương để viết nên cuốn sách. Những đau buồn về mất mát năm 1988 có thể vẫn còn đó nhưng sẽ lại mở ra cơ hội cho tương lai để mọi người có thể ngồi cùng nhau, cùng hàn gắn những mất mát trong quá khứ. 

 ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top