Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đơn vị kinh doanh biểu diễn nghệ thuật: Sẽ tiến hành xem xét cấp giấy đủ điều kiện

Thứ Tư 30/10/2019 | 10:42 GMT+7

VHO- Sau gần 2 năm sửa đổi, bổ sung Dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động Nghệ thuật biểu diễn, chiều qua 29.10 tại Hà Nội, Ban soạn thảo tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định này (khu vực phía Bắc).

 Tiếp cận với Dự thảo, nhiều cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật của Trung ương và địa phương cho biết đã phần nào an tâm, hi vọng đối với nội dung của Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn với những quy định cởi mở, thông thoáng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia và đảm bảo sự chặt chẽ trong việc quản lý.

Dự thảo Nghị định mới đã giải quyết nhiều vấn đề

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết trong hai năm qua, Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng để có một Dự thảo Nghị định mới nhằm thay thế cho Nghị định số 79 và Nghị định 15 của Chính phủ về lĩnh vực này. Nghị định 79 và Nghị định 15 đã góp phần tích cực giúp cơ quan quản lý thực hiện tốt các biện pháp quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo nghệ thuật và hiện nay các đơn vị quản lý nhà nước cũng như các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục áp dụng.

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị

Tuy nhiên, công tác quản lý lĩnh vực NTBD luôn chứa đựng những yếu tố mới phát sinh về nội dung, hình thức thể hiện; thường xuyên tiếp nhận cái mới vì thế đã đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cần phải thích ứng kịp thời, nhạy bén, sáng tạo trên cơ sở vận dụng đúng quy định pháp luật. Một số quy định tại các Nghị định nói trên sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp với thực tiễn, hoặc các thủ tục hành chính trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật… Vì vậy cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Được tiếp cận với văn bản mới nhất của dự thảo, đại diện Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và một số các nhà hát cho biết sự phấn khởi và hi vọng về một Nghị định mới trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn với những quy định chặt chẽ hơn, sát với thực tế hơn. NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam chia sẻ: “Đọc dự thảo lần này tôi thấy yên tâm, phấn khởi bởi những băn khoăn, lo lắng từ thực tế đã được giải đáp một cách chặt chẽ với những quy định đầy đủ”. Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật (Sở VHTT Hà Nội) nói: “Quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đều phải dựa vào những Nghị định của Chính phủ, các văn bản của Bộ, ngành có thẩm quyền. Nhưng trong quá trình thực hiện có rất nhiều vấn đề bất cập, nảy sinh khó có thể giải quyết. Dự thảo Nghị định lần này đã giải quyết được về cơ bản những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đời sống”.

Có rất nhiều điểm mới được các đại biểu đánh giá cao, và cho rằng rất cần thiết đưa vào dự thảo Nghị định lần này. Đặc biệt, Điều 9 của Dự thảo đã quy định Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật đối với tổ chức, cá nhân là cần thiết. Bởi quy định như vậy sẽ giúp cho các đơn vị nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Điều 6 của Dự thảo Nghị định quy định Trách nhiệm của chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật: Từ chối các hoạt động vi phạm những quy định trong Nghị định; Không được phát vé quá số ghế hoặc quá sức chứa của địa điểm; Bảo đảm âm thanh, ánh sáng và các hiệu ứng kỹ thuật khác, không làm ảnh hưởng tới môi trường, đời sống và sinh hoạt của dân cư xung quanh địa điểm tổ chức; Bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ theo quy định; Không tổ chức biểu diễn nghệ thuật gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; Dừng, thay đổi thời gian hoạt động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

Một trong những điểm mới trong xây dựng dự thảo lần này đó là hướng tới đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục hành chính. Tất nhiên giảm bớt không có nghĩa “bỏ trắng” mà ở đây là phân cấp mạnh cho địa phương. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật ở địa phương nào thì đối tượng tổ chức biểu diễn nghệ thuật sẽ phải gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc trực tuyến 01 bộ hồ sơ đến Sở VHTTDL hoặc Sở VHTT tại địa phương nơi tổ chức. Trong quy định về quy mô, số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu cũng thể hiện rất rõ sự phân cấp này.

Thoáng trước, chặt sau

Đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ VHTTDL căn cứ vào tình hình cụ thể từng năm để xem xét, quyết định nhưng mỗi năm không quá 2 cuộc. Đối với các cuộc thi người đẹp, người mẫu toàn quốc, người đẹp, người mẫu cấp tỉnh, vùng, ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức vòng Chung kết xem xét, quyết định nhưng mỗi năm không quá 1 cuộc tại địa phương. Một điểm nổi bật là Dự thảo lần này đã bỏ điều kiện dự thi người đẹp, người mẫu trong nước với yêu cầu là “công dân nữ” như trước đây, điều này theo chia sẻ của các thành viên Ban soạn thảo thì các cuộc thi người đẹp “nam vương” hay kể cả những cuộc thi với các tiêu chí đặc biệt khác cũng có thể được chấp nhận nếu như không vi phạm pháp luật.

Không quy định những điều “cấm” hay quy định về nội dung thời gian sáng tác các ca khúc, tiết mục hay chương trình biểu diễn. Theo đó, Điều 4 của Dự thảo về điều kiện đối với chương trình, tiết mục biểu diễn nghệ thuật; bản ghi âm, ghi hình và địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải không có những nội dung: Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, xúc phạm vĩ nhân, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; hành vi biểu diễn nghệ thuật có sử dụng trang phục, ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, hình thức biểu diễn, phương tiện biểu đạt hành vi tệ nạn xã hội, dâm ô, đồi trụy, tội ác, không phù hợp với mục đích, nội dung, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc tác động tiêu cực đến đạo đức, tâm lý xã hội...

Có thể nhận thấy rất rõ Dự thảo Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn tạo sự thông thoáng, cởi mở ở phần thủ tục. Tuy nhiên “thoáng trước chặt sau”, các ý kiến tại Hội nghị đều cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần có sự phối hợp để xây dựng một hệ thống xử phạt, kiểm tra xử lý vi phạm mạnh hơn, thực sự có tính răn đe đối với những đối tượng, tổ chức vi phạm.

Dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn dự kiến sẽ tiếp tục lấy ý kiến tại các tỉnh phía Nam và sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL để lấy ý kiến rộng rãi trước và trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm nay. 

 Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ cập nhật các doanh nghiệp đã được cấp đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh về biểu diễn nghệ thuật trên website toàn quốc để các địa phương có thể dễ dàng truy cập, qua đó biết doanh nghiệp xin phép tổ chức biểu diễn trên địa bàn của mình có đủ điều kiện hay không. Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chỉ cần xem xét về nội dung chương trình, tiết mục biểu diễn. Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh này thực chất là giảm bớt cho các đơn vị tổ chức biểu diễn những thủ tục rườm rà.

(NSND NGUYỄN QUANG VINH, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn)

 

 Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại VN

Bộ VHTTDL vừa ban hành quyết định về việc tổ chức Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam”. Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) và một số đơn vị tổ chức hội thảo “Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam” vào ngày 31.10 tại Hà Nội. Đây là hoạt động tiếp nối và kế thừa dự án “Đối thoại giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hóa” do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ cho Việt Nam từ 2011-2015 tổ chức các cuộc hội thảo nhằm mở rộng khung tham khảo cho việc thiết kế và triển khai chính sách về văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam.

Hội thảo thu hút khoảng 80 khách mời là các nhà quản lý văn hóa trung ương và địa phương, chuyên gia của Đan Mạch và các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan văn hóa của nước ngoài tại Việt Nam, các nghệ sĩ… Các đại biểu sẽ tham gia phiên toàn thể thảo luận về toàn cảnh hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam cũng như các chính sách của Việt Nam đối với các hoạt động tổ chức sự kiện nghệ thuật. Sau phiên toàn thể, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận sâu về 04 chủ đề: Tác động của các dự án nghệ thuật; quản lý các dự án nghệ thuật; tầm quan trọng của thương hiệu sự kiện; nghệ sĩ và các vấn đề liên quan. Đặc biệt, hội thảo sẽ tập trung nghiên cứu điển hình Liên hoan Âm nhạc Gió mùa. T.SƯƠNG

 

THÚY HIỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top