Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tìm giải pháp cấp bách bảo vệ tranh dân gian Đông Hồ

Thứ Tư 30/10/2019 | 10:54 GMT+7

VHO- Thu hút sự tham gia của đông đảo học giả trong nước và quốc tế, Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại” là sự kiện quan trọng được tổ chức trong bối cảnh Trung tâm Bảo tồn tranh Đông Hồ và Đề án triển khai xây dựng Hồ sơ quốc gia “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đệ trình UNESCO trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đang được triển khai.

 Phòng bán tranh Đông Hồ

Hội thảo do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo, Viện VHNT Quốc gia Việt Nam và Sở VHTTDL Bắc Ninh phối hợp tổ chức từ ngày 1-2.11.2019 tại TP. Bắc Ninh. Triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ Xưa và Nay” diễn ra ngày 31.10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

Những mẫu tranh quý hiếm

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội thảo khoa học quốc tế, ngày 31.10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ Xưa và Nay”, trưng bày hơn 100 hiện vật, từ tranh in đến các ván khắc, dụng cụ thực hành nghề.

Ở không gian phòng tranh Đông Hồ Xưa sẽ trưng bày một số bộ tranh in đã lưu giữ gần một thế kỷ, cùng với đó là các tranh in theo mẫu truyền thống được thị trường ưa chuộng. Công chúng yêu mến các giá trị văn hóa dân gian truyền thống sẽ gặp lại ở đây những hình ảnh mộc mạc, quen thuộc của “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong. Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Mỗi tác phẩm đều hàm chứa những giá trị biểu tượng tốt đẹp, đại diện cho những lời chúc trường thọ, thịnh vượng, sung túc, con cháu đủ đầy, viên mãn, học hành đỗ đạt.

Phòng tranh Đông Hồ Nay lại tập hợp một số tranh được phục chế gần đây cùng một số sáng tác mới về hình thức cũng như nội dung biểu đạt. Đặc biệt, phòng tranh tập hợp một số mẫu tranh được cho đã thất lạc, dựa trên nguồn tư liệu đáng quý của Maurice Durand và Henri Oger. Người xem cũng sẽ gặp tại đây những hình ảnh ngộ nghĩnh, đặc trưng tranh xưa như: Nghinh xuân, sơn du, phúc lộc song toàn, cô gái bắt cua, thập nguyệt dưỡng thai... Bên cạnh đó còn là những hình ảnh người Pháp trong nhiều mẫu tranh độc đáo như phong tục cải lương, văn minh tiến bộ, nhảy đầm, thể dục chấn hưng...

Đến với không gian triển lãm, với sự hướng dẫn trực tiếp của nghệ nhân Đông Hồ, người xem còn có thể tự tay in tranh và lưu giữ như một món quà về một nghề thủ công độc đáo: nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.

Gần 500 năm trôi qua, tranh dân gian Đông Hồ vẫn là sản phẩm văn hóa tinh thần giá trị của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Năm 2012, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Bộ VHTTDL chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo vệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc sản xuất tranh dân gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng do số lượng tiêu thụ bị sụt giảm. Phần lớn cơ sở sản xuất bị đình trệ, chuyển sang làm hàng mã, việc sản xuất và cung ứng giấy truyền thống không còn. Cũng như các trung tâm sản xuất tranh dân gian khác ở Việt Nam, làng tranh Đông Hồ cũng đã và đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Mộc bản tranh Đông Hồ

Cấp bách và cần thiết

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại” có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh giá trị của tranh dân gian Đông Hồ đang dần mai một. Đây sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học và đại diện cộng đồng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các vấn đề về bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nói chung, di sản tranh dân gian và tranh dân gian Đông Hồ nói riêng. Hội thảo có sự hiện diện của 14 học giả quốc tế đến từ Na Uy, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước, những nghệ nhân trực tiếp làm tranh dân gian Đông Hồ...

“Bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là một công việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và các nghệ nhân. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo vệ, phát huy một dòng tranh đã đi vào cuộc sống của người Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam và thế giới nói chung...”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

GS.TS.Bùi Quang Thanh, Viện VHNT quốc gia Việt Nam cũng trăn trở, từ 150 gia đình làm tranh ở những năm 60 thế kỷ trước, đến nay chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân chuyên tâm với nghề. Trong điều kiện xã hội hiện nay, dòng tranh nghệ thuật này đang có dấu hiệu, nguy cơ biến đổi và thương mại hóa. GS.TS.Bùi Quang Thanh cho rằng, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện còn sức sống như hiện nay là nhờ vào những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ nghệ nhân có lòng yêu nghề, trung thành, chuyên tâm với vốn quý di sản của ông cha để lại. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực trong quá trình quảng bá, đầu tư các nguồn lực để bảo tồn và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ nhiều năm qua nhưng thực tế, hiệu quả của mục tiêu tiêu thụ sản phẩm và mở mang cơ sở làm tranh vẫn còn gặp nhiều thách thức, khó khăn. Chính vì thế, đến nay, 3 gia đình nghệ nhân chuyên tâm làm tranh vẫn chỉ hiện diện ở con số 3 cơ sở làm tranh của làng, chưa đủ sức để tạo lực hút, thúc đẩy các gia đình vốn có truyền thống nghề làm tranh nhưng hiện đang chuyên tâm nghề hàng mã quay lại nghề truyền thống.

Nếu không có một bước ngoặt quyết định

PGS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, trước nguy cơ mai một, việc giữ gìn và bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ cần được đặt ra một cách cấp thiết. Bà Loan nhấn mạnh, cần gấp rút tiến hành xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Với sự phát triển nhanh chóng của nghề làm mã ở làng hiện nay, với xu thế nghệ nhân ngày càng ít đi và thế hệ trẻ không còn muốn theo nghề truyền thống, thì sự mai một của nghề tranh là rất khó tránh khỏi nếu không có một bước ngoặt quyết định.

Một giải pháp mang tính khả thi khác là phát triển du lịch cộng đồng. Bắc Ninh là tỉnh có nhiều di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng và dày đặc. Có thể kết hợp các tour, tuyến du lịch văn hóa, du lịch tâm linh với du lịch làng nghề. Bên cạnh đó, đề cập đến mô hình quản lý di sản theo hướng phát triển bền vững, bà Nguyễn Thị Hạnh, Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho rằng, để bảo vệ và phát huy nghề làm tranh dân gian Đông Hồ theo hướng bền vững, trước tiên cần có sự đồng thuận của các bên liên quan là Nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng, đặc biệt là vai trò của các nghệ nhân tâm huyết đang kế thừa những giá trị và thành tựu của nghề làm tranh từ quá khứ đến nay. Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp cần đưa ra kế hoạch, chiến lược và hoạt động trong thực tế.

Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, GS.TS Trương Quốc Bình cho biết, thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã và đang có sự quan tâm và giải pháp hữu hiệu nhằm khôi phục và bảo tồn làng nghề. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng dành cho việc bảo tồn làng tranh Đông Hồ những sự quan tâm không nhỏ. Hy vọng rằng, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ từng bước được khôi phục và duy trì nhằm bảo vệ, phát huy giá trị những di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam và đồng thời, là một bộ phận hữu cơ của văn hóa nhân loại.

 Bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là một công việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và các nghệ nhân. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo vệ, phát huy một dòng tranh đã đi vào cuộc sống của người Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam và thế giới nói chung...

(Ông BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam)

 

 HÀ PHƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top