Mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng

VHO- Trong suốt 10 năm chúng ta đã thành công trong việc khống chế được tình trạng gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế trung bình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều vấn đề về chênh lệch mức sinh giữa các địa phương, đối diện với nguy cơ già hóa dân số nhanh, và đặc biệt là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng - Anh 1

 Nâng cao chất lượng dân số bằng cách tiếp cận dịch vụ y tế khám sức khoẻ tiền hôn nhân

Sáng 29.10 tại TP.HCM, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tập huấn cung cấp nội dung truyền thông theo chủ đề về các vấn đề mới của Nghị quyết số 21-NQ/TW cho các phóng viên, báo chí khu vực phía Nam. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, bên cạnh những mặt đạt được, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng về chênh lệch mức sinh giữa các địa phương, nguy cơ già hóa dân số nhanh và đặc biệt là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng.

Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục cho hay, mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ sinh ra còn sống so với 100 trẻ gái sinh ra còn sống trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm, tại một quốc gia, một vùng hay một tỉnh. Trong đó mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Nếu như năm 2006 mức chênh lệch là 108,6 bé trai/100 bé gái thì sau 10 năm, năm 2016 tỉ lệ này là 112 bé trai/100 bé gái. Hậu quả thiếu khoảng 2,3-3,4 triệu phụ nữ vào năm 2050 gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững. Tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn dẫn đến tan vỡ cấu trúc gia đình. Một bộ phận nam giới sẽ kết hôn muộn và nhiều người trong số họ sẽ không có khả năng kết hôn, không cải thiện được vị thế của người phụ nữ.

ĐỨC KHẢI

Ý kiến bạn đọc