Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Liên quan vụ 39 người chết trong xe container ở Anh: Nỗi niềm từ “làng xuất ngoại”

Thứ Tư 30/10/2019 | 11:05 GMT+7

VHO- Đã tròn một tuần trôi qua kể từ khi thông tin 39 người chết cóng trong thùng xe container tại Essex (Vương quốc Anh) đến nay nhiều người thân ở Nghệ An, Hà Tĩnh có con, em đi lao động nước ngoài vẫn đang mất liên lạc.

Một vùng quê xã Thiên Lộc, địa phương được xem là có nhiều người đi XKLĐ

Con em họ có phải là một trong số nạn nhân xấu số đó hay không? Tất cả đều không muốn tin nhưng nỗi lo vẫn cứ ập về. Và đằng sau những nỗi ngóng trông đó, chúng tôi còn muốn đi tìm những thông tin không ai muốn tiết lộ để những gia đình khác cảnh giác.

Người đi trước móc nối người đi sau

Ngồi thẫn thờ bên góc nhà, ông N.V. L, bố em N.V.T (15 tuổi, trú tại xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nghẹn giọng cho biết, cả tuần nay gia đình không thể liên lạc được với T. Tuy nhiên, ông L vẫn luôn hi vọng T không nằm trong danh sách những nạn nhân xấu số trong container ở Anh. “Hôm 23.10, khi thông tin phát hiện xe container chứa 39 thi thể, gia đình không liên lạc được với em út nên đã lên mạng xã hội đăng thông tin tìm kiếm, đến nay vẫn chưa có kết quả. Giờ đây gia đình tôi chỉ biết “nín thở” chờ tin”, ông L nói.

Theo ông L, để có tiền cho T sang trời Âu làm việc, gia đình phải cầm cố nhà, vay mượn hơn 500 triệu đồng để lo lót cho con đi xuất khẩu “chui” qua đường du lịch. Để sang được Anh, T phải bay qua Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp rồi đến Pháp, chi phí mất 22.000 USD. Sau đó, bỏ thêm 11.000 bảng Anh nữa để được đưa qua Anh. Cùng chung nỗi lòng, ngày đêm ngóng tin con, ông N.Đ.G. (trú xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) có con trai là N. Đ.L (20 tuổi) mất liên lạc gần 10 ngày nay cho biết: Tháng 8.2017, L sang Pháp làm việc qua giới thiệu của một số người quen, chi phí cho chuyến đi khoảng 18.000 USD. L bay từ Việt Nam sang Nga, sau đó tới Ukraine rồi đến Đức. Ngày 27.4.2018 mới đến Pháp, tại đây L làm trong một nhà hàng do người Việt quản lý được một năm hai tháng, lương mỗi tháng gần 50 triệu đồng. “Ngày 10.10, L có gọi điện về nói giờ nợ nần gần trả xong, sắp tới muốn sang Anh làm việc sơn móng tay, móng chân cho một số cơ sở thẩm mỹ, thu nhập cao hơn gấp 3-4 lần hiện tại. Cháu bảo đã liên hệ, có người Việt Nam ở châu Âu hứa đưa sang Anh, nếu thành công nhờ bố mẹ gửi tiền sang để trả cho họ. Nếu đây là sự thật thì gia đình tôi không biết sống thế nào nữa”, ông G ngậm ngùi.

Gia đình ông G cho biết L là con trai út trong gia đình có 3 chị em, cuộc sống dựa vào mấy sào ruộng khoán nên quá khó khăn. Học hết cấp 3 L phải “gác bút” vào Đắc Lắk làm thuê đủ nghề. Năm trước, trong lần về quê qua bạn bè giới thiệu L biết được một “đường dây” môi giới đưa người ra nước ngoài lao động bất hợp pháp nên quyết định ở nhà rồi vay mượn được số tiền gần 500 triệu đồng để sang châu Âu làm việc với hi vọng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Ai ngờ giờ chỉ biết ngóng chờ tin con trong vô vọng.

Cũng như anh L, cách đây 3 tháng ông V.T. T ở thôn Trường Lộc, xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng phải cầm cố ngân hàng ngôi nhà đang ở rồi vay mượn được một khoản tiền khá lớn để cho đứa con trai đầu là anh V.T. Đ (25 tuổi) để làm “lộ phí” sang châu Âu bằng con đường đi “chui”. “Nó đi thông qua ai gia đình không nắm rõ nên giờ không biết ai để gọi điện hỏi thông tin. Chỉ biết rằng, khi đến được nước Anh nó gọi điện về gia đình sẽ chuyển tiền cho môi giới. Giờ đây, gia đình tôi chỉ biết chờ thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng. Hi vọng đây không phải là sự thật”, ông T nói.

Chia sẻ về những nỗi lo lắng, hoang mang của những người đang nghi là nạn nhân chết trong thùng xe ở Vương quốc Anh vừa qua, anh Võ Văn S, một người dân thôn Trường Sơn, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc cho hay: Trong thôn hầu như nhà nào cũng có người đi làm ăn ở nước ngoài. Có người đi xuất khẩu lao động theo đường chính thống nhưng cũng có người đi “chui”...

 Ông N.Đ.G, xã Thiên Lộc đau xót ngóng tin con khi nghi là nạn nhân

Góc khuất sau những căn biệt thự bạc tỉ

Để hiểu hơn hành trình đi đến với xứ “thiên đường” lao động bằng con đường bất hợp pháp, chúng tôi tìm về xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), nơi được xem là địa phương có nhiều người đi lao động nước ngoài. Thiên Lộc cũng được xem là địa phương nổi tiếng với tên gọi như “làng xuất ngoại” hay “phố ở làng”. Đi từ đầu làng đến cuối xã, có hàng trăm ngôi biệt thự khang trang, hàng chục chiếc xe ô tô hạng sang… được làm nên từ nguồn tiền đi lao động nước ngoài gửi về.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc, hiện nay xã có trên 8.200 nhân khẩu nhưng đã có khoảng 1.300 lao động đang làm ăn ở nước ngoài, trong đó số người tham gia bằng đường không chính thống chiếm tỉ lệ cao. Thiên Lộc cũng là địa phương có 5 người đang được nghi là nạn nhân vụ trong vụ 39 người chết cóng trong thùng xe container. Đến nay thông tin về vụ việc cũng đang chỉ là nghi ngờ và chờ tin chính thức từ các nhà chức trách, nhưng một không khí hoang mang đang bao trùm lên làng quê.

Nói về lịch sử “làng xuất ngoại” Thiên Lộc, anh Phạm Văn C. (SN 1969), người từng ra nước ngoài lao động bất hợp pháp trở về quê hương sống cuộc sống bằng nghề kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng tại quê cho biết, vào những năm 90 của thế kỷ trước, nơi đây chỉ là vùng đất đồi núi “khô cằn sỏi đá”. Người dân xã Thiên Lộc chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng ruộng khoán nên đời sống rất khó khăn.

Sở hữu căn biệt thự hơn vài tỉ đồng với những tiện nghi gia dụng đắt tiền từ những chuyến “vượt biên” sang trời Âu lao động và trở về nguyên vẹn nhưng khi nói đến con đường đi đến với những chuỗi ngày sống chui nhủi ở đất người khiến anh C không khỏi rợn người. Anh C khẳng định: “Nếu được cho 100.000 USD để đi lại con đường năm xưa thì anh thà ở nhà chứ không đi lại nữa. Bởi vì nó quá khổ và anh quá sợ sẽ không có cơ hội sống sót”.

Theo anh C, để sang được các nước châu Âu chỉ có hai con đường duy nhất là đi xuất khẩu lao động hợp pháp ở các nước đã hợp tác lao động với Việt Nam hoặc mạo hiểm vượt biên để lao động “chui”. Tuy nhiên, ở các nước xuất khẩu hợp pháp như Ba Lan, Rumani, Nga... thường thu nhập không cao. Vì vậy, sau khi hết hợp đồng họ bỏ trốn ra ngoài lao động “chui” rồi tìm cách sang Anh, nơi được coi là “thiên đường” về thu nhập cao. 

 Chưa có kết luận cuối cùng vụ 39 người chết trong container tại Anh

Liên quan tới vụ 39 người chết trong container tại Anh, trao đổi với báo chí bên hành làng Quốc hội hôm qua 29.10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin, ngày 28.10, Bộ Công an đã làm việc với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam để liên hệ, tính toán thời gian phù hợp để Bộ trưởng Công an 2 nước điện đàm với nhau. Theo đó, hiện Bộ Công an đang xác minh 4 hồ sơ phía Anh gửi sang Việt Nam, đồng thời yêu cầu công an Nghệ An, Hà Tĩnh phối hợp làm theo quy định.

Bộ Công an đang xác minh thông tin có người Việt tử nạn trong xe container ở Anh hay không và hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Mọi thông tin hiện mới chỉ là dự báo, cần phải đưa tin chính xác, tránh gây hoang mang dư luận. Các gia đình có con mất tích cần bình tĩnh, chờ kết quả từ cơ quan chức năng, và khuyên con em đi lao động nước ngoài một cách hợp pháp, đừng đi bất hợp pháp, phải chốn chui chốn lủi, mất tiền lại mất an toàn.

Bộ Công an đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ phía Anh trả lời là sẽ cử người sang ngay để tiếp tục điều tra. Trường hợp có nạn nhân là người Việt Nam thì Chính phủ sẽ triển khai việc đưa nạn nhân về, đồng thời cử người sang phối hợp với Anh để xác định chính xác danh tính nạn nhân. Chính phủ sẽ hỗ trợ, Bộ Công an cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các gia đình nạn nhân. P.V

 

 Nhiều công ty, văn phòng ở Hà Tĩnh không có giấy phép XKLĐ

Ngày 29.10, Sở LĐ,TB&XH Hà Tĩnh cho biết, qua công tác kiểm tra đã phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng vẫn tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tiếp nhận hồ sơ đăng ký XKLĐ; tổ chức cung ứng lao động cho các doanh nghiệp XKLĐ.

Thời gian qua trên địa bàn cũng đã xuất hiện nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp XKLĐ ngoại tỉnh mặc dù chưa được Sở KH&ĐT tỉnh này cấp phép hoạt động nhưng vẫn treo biển quảng cáo; tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động, tiếp nhận hồ sơ của người lao động (NLĐ) đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, một số đơn vị, cá nhân đã lợi dụng chủ trương về đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc để tư vấn, giới thiệu, lừa thu tiền của NLĐ, như Công ty TNHH Tư vấn Du học XKLĐ Lucky TD MASAN (TP Hà Tĩnh) thu của 43 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài (có lao động đăng ký làm thời vụ tại Hàn Quốc phải đóng tổng số tiền là 260 triệu đồng và 2.500 USD). Vụ việc đã được Sở LĐ,TB&XH lập biên bản và yêu cầu công ty khắc phục hậu quả, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Theo Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2009 đến nay, Hà Tĩnh có 72.236 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân mỗi năm có 6.600 người.

THÂN BA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top