Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện kiến nghị những giải pháp phát triển văn hóa và du lịch

Thứ Năm 31/10/2019 | 11:55 GMT+7

VHO-Sáng 31.10, trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã phát biểu về giải pháp khắc phục sự phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức và lối sống cũng như những giải pháp để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trước khi phát biểu, thay mặt ngành VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cảm ơn Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã luôn quan tâm đến lĩnh vực VHTTDL. Bộ trưởng cũng cho biết, ông và ngành VHTTDL sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.   

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ du lịch tăng trưởng cao nhất thế giới

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội vào sáng 31.10

Trả lời câu hỏi Du lịch Việt Nam hiện đang nằm ở đâu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2015 đến năm 2018, khách quốc tế tăng gần 2 lần, từ 8 triệu lên 15,5 triệu và tốc độ tăng trưởng là 25%/năm. Việt Nam hiện là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Khách nội địa cũng tăng 1,4 lần, từ 57 triệu lên 80 triệu trong năm 2018, đóng góp 8,4% GDP. Trong 10 tháng đầu năm 2019, Du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với mức tăng trưởng 4% của Du lịch toàn cầu và 5% của khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều giải thưởng như giải thưởng du lịch hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á; thành phố Hội An được bình chọn là Thành phố điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á; nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup, Sungroup, FLC, Saigon Tourist, Hanoi Tourist… đã nhận được nhiều giải thưởng du lịch danh giá của châu Á.

Về năng lực cạnh tranh, từ năm 2015-2019, vị trí của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện và hiện đã tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng, đứng thứ 63/140 nước. Các chỉ tiêu của Du lịch Việt Nam như mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam là đến năm 2020 đạt 10 triệu lượt khách thì nay dự kiến, tăng gần gấp đôi. Và như thế năm 2019, ngành du lịch cơ bản sẽ thực hiện được Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.

Tuy đạt được nhiều thành tích nhưng Bộ trưởng Thiện cũng thẳng thắn thừa nhận du lịch Việt Nam cũng còn những tồn tại, hạn chế như chất lượng chưa cao, sản phẩm chưa phong phú… Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Thiện cho biết, Bộ VHTTDL đã đề ra nhiều giải pháp.

Đó là tiếp tục đổi mới nhận thức phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, mang tính xã hội hoá cao; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh phối hợp công- tư; ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là tăng nguồn kinh phí cho Chương trình hành động du lịch quốc gia và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. Hiện nay, kinh phí dành cho hai chương trình này rất thấp, chỉ đạt 54 tỉ đồng/năm (tương đương 2,5 triệu USD), thấp hơn nhiều so với Thái Lan khoảng 80 triệu USD/ năm).

Đó cũng là việc tiếp tục đơn giản hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng nghề cho lao động ngành du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đa dạng hoá thị trường, sản phẩm du lịch, đẩy mạnh thiết chế du lịch và đẩy mạnh xã hội hoá Du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch.

“Trong thời gian vừa qua, nhờ công tác xã hội hoá, số lượng buồng, phòng, đặc biệt là 4-5 sao tăng gấp đôi. Sau khi có những hãng hàng không mới ra đời như Bamboo Airlines, Vietjet đã có hàng trăm chuyến bay thẳng đến các điểm đến và có nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng với sự phát triển du lịch như sân bay Vân Đồn, cảng Hạ Long…”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Giải pháp để văn hoá thực sự phát triển bền vững

Đối với lĩnh vực Văn hoá, Bộ trưởng Thiện cho biết, từ Đề cương Văn hoá Việt Nam từ năm 1943 đến nay đã luôn xác định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. “Lĩnh vực văn hoá luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo đầu tư phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Văn hoá đã trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, sự phát triển của văn hoá hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết. Ông nói: “Giờ đây chúng ta nói nhiều đến sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, qui tắc ứng xử văn minh công cộng, lối sống cá nhân ích kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội… Nhưng rõ ràng những bất cập đó đó đều là vấn đề của văn hoá, liên quan đến văn hoá và có nguyên nhân từ văn hoá”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề xuất 7 nhiệm vụ và giải pháp để văn hóa phát triển

Cũng theo người đứng đầu ngành VHTTDL, việc xây dựng văn hoá hay sự phát triển con người chính là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển. Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, những thành tựu trên lĩnh vực văn hoá còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường văn hoá lành mạnh như tinh thần của Nghị quyết 33 đã đặt ra.

Vì vậy theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, để văn hoá thực sự hướng tới sự phát triển bền vững, cần tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

 Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hoá; xây dựng sự nghiệp văn hoá là sự nghiệp toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hoá và con người hôm nay. Môi trường văn hoá lành mạnh, gia đình, nhà trường, xã hội là nơi hình thành nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách; văn hoá phải giáo dục lối sống của con người để cái tốt, cái thiện được bảo vệ, phát triển, còn cái xấu, cái ác thì bị lên án, loại trừ.

Thứ ba, tăng cường xây dựng văn hoá gắn với chính trị và kinh tế.

Thứ tư, để văn hoá gắn kết chặt chẽ, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội thì phải quan tâm xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, đồng thời đầu tư cho văn hoá tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân và cộng đồng tham gia sáng tạo.

Thứ năm, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với việc xây dựng đạo đức, văn hoá ứng xử.

Thứ sáu, phải tăng cường đầu tư cho Văn hoá tương xứng với vai trò của văn hoá, đặc biệt là nguồn nhân lực.

Giải pháp thứ bảy là tăng cường hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa của văn hoá nhân loại đồng thời giới thiệu quảng bá văn hoá Việt Nam…

“Lúc sinh thời Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển của đất nước. Bác cũng nói “Văn hoá soi đường quốc dân đi”, văn hoá chính là hồn cốt của dân tộc, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất trong sự phát triển của đất nước”, Bộ trưởng  Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top