Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nhiều người dùng mạng xã hội: Đừng để số đông làm nên "chuẩn mực xã hội”

Thứ Hai 04/11/2019 | 10:49 GMT+7

VHO- Tham dự tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội” do báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường ĐH Mở TP.HCM vừa tổ chức tại TP.HCM, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh mặt tích cực của mạng xã hội như gắn kết cộng đồng, cung cấp thông tin,… thì không ít mặt trái khác đang tác động đến xã hội.

Các đại biểu chia sẻ về ứng xử trên mạng xã hội của giới trẻ

 Có thể dễ nhận thấy nhất là tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, kích động bạo lực, câu like bán hàng, thậm chí trong nhiều trường hợp còn gây hại đến tính mạng do những bình luận ác ý từ cộng đồng mạng…

Không cần đọc, không cần hiểu vẫn cứ like

PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM cho rằng, mạng xã hội ở nước ta thực sự đang ở giai đoạn “trăm hoa đua nở”. Theo thống kê, đến đầu năm nay số người dùng Facebook tại Việt Nam đã ở mức 62 triệu tài khoản, tập trung ở lứa tuổi từ 18-34. Đây là đối tượng có khả năng tiếp cận và bắt nhịp xu hướng khá nhanh chóng.

“Với một hình thái xã hội mới và rộng mở, mạng xã hội và cộng đồng người dùng trên “xã hội ảo” vẫn tồn tại những mặt trái khó lường khi cho phép họ thể hiện một số tính cách ẩn mà họ chưa thể bộc lộ ở cuộc sống thật”, PGS. TS Nguyễn Minh Hà cho hay, những trường hợp tiêu cực khác đối với nhóm học sinh – sinh viên là họ có thể có những hoạt động hay ngôn ngữ chưa phù hợp với độ tuổi, môi trường và đặc biệt đáng ngại khi đây là điều dưới chuẩn mực của đời sống thực. Mặc dù vậy, những hệ lụy của cuộc sống ảo lại có tác động rất thực đến cuộc sống.

Theo các chuyên gia, trên thực tế, những câu chuyện hay tình huống thương tâm đã xảy đến với mạng sống con người có thể được tìm thấy trên mặt báo thường xuyên, mà nguyên nhân sâu xa lại là những mâu thuẫn rất nhỏ trên mạng xã hội. Nhiều người dùng mạng xã hội thậm chí không cần đọc, không cần hiểu mà vẫn cứ share, bình luận, like theo số đông, lâu dần số đông quyết định nên chuẩn mực xã hội, đạo đức bị thay đổi trên thế giới ảo bất chấp Luật An ninh mạng đã có hiệu lực… Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra từ thế giới ảo của mạng xã hội.

 Sinh viên trao đổi tại tọa đàm

Nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân của người trẻ rất lớn

Tại tọa đàm, thiếu tá, TS xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, Trường ĐH An ninh dẫn lại câu chuyện ca sĩ Đ.V.H đã lên mạng viết status với nhiều lời lẽ kích động, kêu gọi cộng đồng mạng dạy dỗ người cha vì đã bạo hành con mình. Nghệ sĩ này còn treo thưởng hàng chục triệu đồng. Sự việc được chia sẻ nhanh chóng, nhiều người nghe theo “xúi giục” trên trang cá nhân này đã kéo đến tìm người cha đánh con để “hỏi chuyện”… Sự việc ngày sau đó phải nhờ chính quyền, công an vào cuộc điều tra, nghệ sĩ nổi tiếng này đã phải lên tiếng xin lỗi vì hành vi không đúng đắn của mình. Nhà báo Lý Thành Tâm cũng nhắc đến trường hợp mới đây, gia đình của một nữ sinh cấp 3 ở Gò Vấp phải tìm đến công an địa phương cầu cứu vì con mình bị đánh hội đồng rồi quay clip tung lên mạng xã hội. Quá hoang mang, lo sợ, thậm chí là xấu hổ, nữ sinh này đã nhiều lần đòi tìm đến cái chết. Nguyên nhân của sự việc được gia đình cho biết là các em mâu thuẫn với nhau trên mạng xã hội…

Rõ ràng, những ứng xử trên mạng xã hội nay không còn là ảo nữa. Một hành động không đúng đắn, một mâu thuẫn nhỏ là có thể gây nên một hậu quả lớn ở đời thật, một cái giá phải trả rất đắt.

TS tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng, nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân của người trẻ rất lớn nhưng năng lực hạn chế nên các bạn chọn cách thể hiện “độc đáo” để gây chú ý cho mọi người. Đó là các bài học về thách thức đủ số lượng like thì sẽ làm một hành động ngông cuồng nào đó… Chuyên gia tâm lý này cũng nhắn nhủ với các sinh viên, không phải số lượng like nhiều hay ít tỉ lệ thuận với giá trị các thông tin trên mạng xã hội.

“Chẳng hạn, bạn đăng một thông điệp tích cực - một bức ảnh tình nguyện mùa hè xanh chẳng hạn, chỉ nhận về 30 like, nhưng có những bạn đăng thông tin “sốc” thì nhận hàng nghìn like, nhưng trong số like bấm cho thông tin có yếu tố sốc đó thật ra là “like cho chết” hoặc like vô thưởng vô phạt, còn trong số 30 like cho thông tin tích cực kia, biết đâu có đến 10 nhà tuyển dụng tiềm năng đang chú ý các bạn”, TS An nói và cho biết thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên thông qua trang cá nhân mà các bạn trẻ thể hiện. 

 T.TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top