Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Khánh Hoà hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Thấy gì từ trách nhiệm ở cấp cơ sở?

Thứ Tư 06/11/2019 | 11:35 GMT+7

VHO- Trước đây, người dân ở các huyện miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa rất e ngại đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng từ năm 2017 đến nay, với những chính sách thiết thực cùng với cách làm sáng tạo của ngành chức năng đã làm thay đổi và tạo ra nhiều khởi sắc.

Từ nguồn lương của con gái gửi về mà gia đình ông Nê Y Rú đã xây được căn nhà mới

Năm mươi lao động đầu tiên đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần nâng cao đời sống, thay đổi suy nghĩ của nhiều lao động là người DTTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Thay đổi cuộc sống, thay đổi suy nghĩ

Chị Đrao H’ Mai (thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) chỉ học hết lớp 3 rồi bỏ học đi rẫy với bố mẹ. Cuộc sống khó khăn, nhà lại đông anh em nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Đến năm 2016, chính quyền địa phương cùng với doanh nghiệp cung ứng nhân lực đi xuất khẩu lao động đến gia đình tuyên truyền, vận động, giải thích cặn kẽ về những chính sách và lợi ích đi làm việc ở nước ngoài.

Sau thời gian suy nghĩ, năm 2017 chị Đrao H’ Mai đăng ký đi xuất khẩu lao động sang thị trường Ả-Rập-Xê-Út làm giúp việc gia đình. Trao đổi qua điện thoại, chị Đrao H’Mai chia sẻ: “Công việc của tôi khá nhẹ nhàng, gia chủ đối đãi rất tốt và luôn xem mình như người thân trong nhà nên tôi rất thích được làm việc ở đây. Mọi thứ từ ăn, ở, mặc và các đồ dùng sinh hoạt của chúng tôi đều được gia chủ trang cấp”. Mỗi tháng chị Đrao H’ Mai gửi về cho gia đình hơn 10 triệu đồng. Ông Nê Y Rú (bố chị Đrao H’ Mai) cho biết: “Từ ngày con gái đi làm việc ở nước ngoài gửi tiền về tôi đã tích cóp xây được căn nhà cấp 4 khang trang rộng hơn 60m2. Ngoài ra, vợ chồng tôi có tiền đầu tư mua cây giống và phân bón trồng được 4ha keo, mua được 2 con bò cái sinh sản. Số tiền còn lại tôi gửi ngân hàng để sau này con gái về nước có vốn làm ăn. Tôi rất mừng là con gái mình được làm công việc phù hợp, lương cao và được gia chủ đối đãi rất chu đáo. Sau này, mấy đứa em của Mai lớn lên tôi cũng sẽ cho chúng đi làm việc ở nước ngoài”.

Tương tự, chị Mấu Thị Tép (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) cũng chỉ học hết lớp 4 rồi bỏ học. Năm 2017, được chính quyền tư vấn, vận động nên gia đình đồng ý cho chị đi xuất khẩu lao động sang thị trường Ả-Rập-Xê-Út với công việc giúp việc nhà. Trước khi đi, chị Tép không chỉ được học tiếng, nghiệp vụ, giáo dục định hướng miễn phí mà còn được hỗ trợ 100% chi phí xuất cảnh. Số tiền hơn 10 triệu đồng/tháng chị Tép gửi về, gia đình dành trả nợ ngân hàng và tích góp xây nhà, mua sắm vật dụng sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, xe máy; phần còn lại gia đình gửi tiết kiệm làm vốn sau này cho chị Tép sau khi về nước đầu tư làm ăn…

Tham gia xuất khẩu lao động, không chỉ giúp người dân có việc làm, thu nhập khá cao mà còn tạo ra nhiều thay đổi về tư duy, cách nghĩ của người dân. Chị Cao Thị Phượng (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh), sau gần 2 năm đi làm việc ở Ả-Rập-Xê-Út trở về, không chỉ có tiền xây nhà mới, vốn làm ăn mà cuộc sống, suy nghĩ của chị cũng có nhiều thay đổi. Chị Phượng chia sẻ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, câu nói này quả không sai chút nào. Khoảng thời gian làm việc ở nước ngoài tôi đã hiểu được nhiều cái hay, sáng tạo, văn minh, lịch thiệp của người nước ngoài. Trong công việc của mình tôi phải điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa của họ. Qua đó tôi cũng học hỏi được nhiều điều”.

Hỗ trợ 100% chi phí cho người tham gia

Ông Nguyễn Thu, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Khánh Vĩnh cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, công tác xuất khẩu lao động đã có nhiều chuyển biến. Từ không có người nào đến nay đã có hơn 15 người đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, đời sống người dân được nâng lên, có tiền xây dựng nhà cửa, tích cóp làm ăn, mua sắm đồ dùng cần thiết. Có được kết quả ấy là nhờ số tiền gửi về của người thân đi xuất khẩu lao động. Một số gia đình đã thoát nghèo nhờ đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Trịnh Xuân Năm, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Cung ứng nhân lực Tràng An chi nhánh Thanh Hóa cho biết: “Đơn vị chúng tôi có khả năng cung ứng nhân lực cho nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả-Rập-Xê-Út, Malaysia, Đài Loan… Tuy nhiên, khi được Sở LĐ,TB&XH và 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn (Khánh Hòa) chọn đơn vị để thực hiện tuyển chọn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thì gặp rất nhiều khó khăn. Qua khảo sát, người lao động của 2 huyện này rất e ngại đi làm việc nước ngoài và trình độ dân trí khá thấp. Với thực trạng đó, lao động ở 2 huyện này chỉ phù hợp với thị trường Ả-Rập-Xê-Út với công việc giúp việc nhà, còn các thị trường khác thì khác đòi hỏi trình độ, tay nghề của người lao động cao hơn. Do vậy, để đạt được kế hoạch đề ra, chúng tôi đã cắt cử nhân viên bám địa bàn để ngày, đêm phối hợp với chính quyền các xã, cán bộ thôn, các đoàn thể tuyên truyền, vận động, giải thích và thuyết phục người dân. Với cách làm “mưa dầm thấm lâu”, đến nay cả 2 huyện đã có gần 50 lao động người đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài”.

Người lao động đồng bào dân tộc thiểu số chỉ cần biết đọc và viết đều có thể tham gia xuất khẩu lao động. Khi đăng ký, Công ty sẽ tổ chức học tiếng, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động từ 45 đến 60 ngày. Đồng thời, toàn bộ chi phí xuất cảnh, làm các thủ tục, ăn, ở, học tập, đồ dùng cá nhân được Công ty hỗ trợ 100%. Đặc biệt, trước khi xuất cảnh, Công ty còn chi trước 1 tháng lương (khoảng 9 triệu đồng) cho gia đình. Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài là 2 năm với mức lương từ 9 triệu đồng trở lên. Sau khi về nước, nếu người lao động muốn tiếp tục đi xuất khẩu sẽ được Công ty hỗ trợ đi làm trở lại.

Ông Văn Đình Tri, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Khánh Hòa cho biết, với những chính sách hỗ trợ trong xuất khẩu lao động đã góp phần giúp các địa phương chuyển biến. Qua đó, góp phần làm thay đổi tư duy, suy nghĩ và nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả đạt được là sự nỗ lực của chính quyền địa phương và cách làm kiên trì, khéo léo của các đơn vị. Do vậy, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động và tuyển chọn, tạo điều kiện cho người dân tham gia xuất khẩu lao động, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. 

 NGỌC BẢO CHÂU

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top