Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam sử dụng hình ảnh di sản đưa lên sản phẩm bia Huda: Bị xâm hại trắng trợn, địa phương phản đối

Thứ Sáu 08/11/2019 | 11:09 GMT+7

VHO- “Việc Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam tùy tiện sử dụng biểu tượng di sản văn hóa chùa Cầu - Hội An rồi gắn lên đó hình lon bia Huda đè sát vào di tích để quảng bá sản phẩm với màu sắc xanh lè, xanh lét là không đúng với bản chất của biểu tượng di sản văn hóa. Địa phương hoàn toàn phản đối cách làm này…”, ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng VHTT TP Hội An (Quảng Nam) bức xúc khi nói với phóng viên Văn Hóa về vấn đề này.

 Những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chụp tấm biển quảng cáo ngoài trời với nội dung bia Huda, trong đó hình ảnh di sản chùa Cầu bị đặt cạnh sản phẩm bia Huda và bị đổi sang màu xanh, hoàn toàn khác với thực tế. Phản cảm hơn, biểu tượng di tích chùa Cầu gần như bị lon bia khổng lồ “đè chèn” lên. Hình ảnh này đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, thậm chí đòi tẩy chay sản phẩm bia này vì cho rằng hình ảnh quảng cáo đã không tôn trọng biểu tượng di sản thế giới của Hội An.

 Bộ sản phẩm bia Huda đã sử dụng nhiều di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có hình ảnh Làng Sen, quê nội của Bác Hồ,... gây bức xúc trong dư luận

Họ đã quá coi thường biểu tượng di sản thế giới

Hình ảnh trên được người dân chụp lại từ tấm biển quảng cáo bia Huda đặt tại tuyến Quốc lộ1 đoạn qua thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Được biết, tấm biển quảng cáo này đã được đặt từ trước đó vài tháng, và đã từng vấp phải ý kiến phản đối của dư luận nhưng chưa được giải quyết. Trên tấm quảng cáo ngoài trời thể hiện hình ảnh biểu tượng chùa Cầu được thiết kế đặt cạnh một lon bia Huda khổng lồ, sản phẩm của Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam, “chèn đè”, lấn át lên tổng thể công trình chùa Cầu. Màu sắc của chùa Cầu cũng bị chuyển sang màu xanh, khác xa màu thực tế, trùng với tông màu đặc trưng của sản phẩm bia Huda.

Khi hình ảnh này được đưa lên mạng xã hội Facebook, ngay lập tức hàng trăm ý kiến trái chiều đã vào bình luận, trong đó đa phần bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ xoay quanh việc bia Huda tùy tiện “đổi màu” chùa Cầu, “phủ bia” lên di sản văn hóa, đồng thời cho rằng biểu tượng di sản của hơn bốn thế kỷ của Hội An đã “bị xâm hại một cách trắng trợn bởi Huda Huế”. Anh Nguyễn Công C, một MC và là người dân ở Hội An, bày tỏ: “Cái cách mà họ quảng cáo như thế khiến du khách quốc tế nghĩ rằng, chùa Cầu “đơn giản” như vậy mà sao lại được xem là biểu tượng di sản của Di sản văn hóa thế giới Hội An. Tại sao quảng cáo lại không dùng đúng với màu thực tế của di tích, nếu đúng với màu thực tế thì cũng không nên để đứng cạnh cái lon bia to đùng, chèn lấn cả lên hình ảnh chùa Cầu”.

Nhiều ý kiến cũng phản đối và nhấn mạnh biểu tượng chùa Cầu là “tài sản văn hóa của quốc gia, di sản của nhân loại và là niềm kiêu hãnh, tự hào của người dân Hội An. Không thể muốn làm gì thì làm”. Ngoài ra nhiều người còn nói, nhìn vào hình ảnh quảng cáo có thể thấy, “từ một màu đỏ thắm, chùa Cầu được “tắm” bia Huda thành xanh lè, xanh lét”. Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Khoa Trần, Hội An bức xúc: “Không thể chấp nhận sự hỗn xược với sự sáng tạo của các bậc tiền nhân. Họ đã quá cẩu thả, coi thường biểu tượng chùa Cầu trong cách quảng cáo của bia Huda. Không thể tùy tiện đổi màu cho chùa Cầu như vậy được. Hôm nay xanh thì mai có thể tím, mốt cam, kia hồng. Nếu vậy thì còn gì là biểu tượng của di sản văn hóa thế giới Hội An nữa”.

 Bia Huda từng “băng kín” Ngọ Môn

 Hình ảnh các chai bia Huda được thiết kế “dán” lên di tích Ngọ Môn (Đại nội Huế) đã gây bức xúc dư luận

Còn nhớ, năm 2017 trên trang Facebook Huda Beer đã cho đăng tải hình ảnh phản cảm về di tích Ngọ Môn (Đại Nội Huế) để quảng cáo cho một chương trình của hãng bia này. Cụ thể, Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam đã dùng hình ảnh các chai bia Huda “dán” lên di tích Ngọ Môn, cầu Trường Tiền để thu hút người xem. Tuy nhiên, những hình ảnh này khi đăng tải lên đã khiến người dân ở Huế bức xúc và bị dư luận “ném đá”.

Ngay sau đó lãnh đạo Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cho rằng hình thức quảng cáo của Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam đã vi phạm quy định Luật Quảng cáo và yêu cầu Thanh tra Sở này kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh và nhắc nhở. Những hình ảnh phản cảm nói trên cũng đã được đơn vị tháo gỡ khỏi trang Facebook Huda Beer. SƠN THÙY

Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam yêu cầu chỉnh sửa, nhưng...

Trước câu hỏi dư luận, “liệu bia Huda Huế đã được sự đồng ý của các cơ quan chức năng của TP Hội An chưa mà đã dám đổi màu sắc của biểu tượng chùa Cầu trong chiến dịch quảng cáo bia của mình?”, ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng Phòng VHTT TP Hội An cho biết, tấm biển quảng cáo này đã được dựng lên tại địa bàn thị xã Điện Bàn cách đây mấy tháng. Cụ thể, vào khoảng tháng 7.2019, Phòng VHTT thị xã Điện Bàn đã gửi văn bản liên quan đến việc này đến Phòng VHTT TP Hội An. Đồng thời cũng đã có văn bản phản ánh sự việc này đến Sở VHTTDL Quảng Nam, đơn vị cho phép doanh nghiệp sử dụng hình ảnh chùa Cầu để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên vẫn chưa có thông tin phản hồi từ Sở VHTTDL về sự việc nói trên.

Ông Lanh cũng cho rằng, việc Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam sử dụng hình ảnh chùa Cầu và hình một lon bia Huda để quảng bá sản phẩm với màu sắc, hình ảnh chùa Cầu là không đảm bảo, không đúng với bản chất của biểu tượng di sản văn hóa thế giới. Cách làm như vậy là sai, địa phương hoàn toàn phản đối. TP Hội An đã đề nghị Sở VHTTDL Quảng Nam có ý kiến chính thức để có hướng xử lý theo thẩm quyền. Trong trường hợp Sở VHTTDL Quảng Nam đã cho phép thì cần phải yêu cầu thay đổi lại màu sắc cho phù hợp, có tính chân xác của chùa Cầu vì chùa Cầu là một phần, là biểu tượng của Hội An, di sản chung của cả nước và thế giới.

 Hình ảnh, màu sắc chùa Cầu (Hội An) trên tấm biển quảng cáo sản phẩm bia Huda gây phản ứng dư luận

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Tấc Thành, Chánh Thanh tra Sở VHTTDL Quảng Nam, cho biết đến ngày 6.11 doanh nghiệp tư nhân Quảng cáo-Trang trí nội thất Lê Nguyễn, đơn vị thực hiện quảng cáo đã tháo gỡ tấm biển nói trên (sở dĩ tháo dỡ tấm biển quảng cáo này là do hết thời hạn so với giấy phép-NV). Trước đó, Công ty này đã dựng 2 tấm biển quảng cáo có nội dung trên tại thị xã Điện Bàn. Sau khi những tấm biển quảng cáo này được dựng lên và vấp phải ý kiến phản ứng của dư luận, đơn vị đã nắm sự việc.

Liên quan đến sự việc, ngày 9.7.2019, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam đã có văn bản số 834/ SVHTTDL-QLVH đề nghị doanh nghiệp tư nhân Quảng cáo-Trang trí nội thất Lê Nguyễn (địa chỉ 61-63 Kỳ Đồng, TP.Đà Nẵng) tiến hành chỉnh sửa maket quảng cáo.Văn bản nêu rõ, hiện doanh nghiệp Lê Nguyễn đang thực hiện một số quảng cáo “Huda-Quảng Nam đậm tình miền Trung” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong đó có sử dụng hình ảnh chùa Cầu. Tuy nhiên, hình ảnh thể hiện chưa đảm bảo tính chân xác, màu sắc sử dụng chưa phù hợp.

“Theo quy định tại Điều 19 của Luật Quảng cáo, nội dung quảng cáo phải đảm bảo trung thực, chính xác, rõ ràng. Vì vậy Sở VHTTDL Quảng Nam đề nghị doanh nghiệp Lê Nguyễn cần nghiên cứu thay đổi hình ảnh quảng cáo nói trên, không cắt, ghép, thêm bớt hình ảnh chùa Cầu, Hội An, đảm bảo tính trung thực của hình ảnh di tích. Đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh, thay đổi maket quảng cáo và gửi về Sở VHTTDL xem xét, thẩm định trước khi thực hiện”, văn bản nêu rõ. Tuy nhiên theo ông Thành, ngành chức năng Quảng Nam chưa nhận được trả lời và hình ảnh cũ vẫn nguyên vẹn và đơn vị làm quảng cáo vẫn chưa thực hiện việc tháo dỡ tấm biển quảng cáo đến tận hôm 6.11 mới triển khai tháo dỡ.

Được biết, quá trình xin dựng biển quảng cáo ngoài trời đối với sản phẩm bia Huda gắn với hình ảnh chùa Cầu đã được Phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTTDL Quảng Nam) tham mưu và đã được Phó giám đốc Sở VHTTDL ký đồng ý. Theo quy định, Phòng Quản lý văn hóa là đơn vị giám định nội dung, thống nhất và cho phép doanh nghiệp lấy hình ảnh chùa Cầu để quảng cáo. Ông ông Nguyễn Tấc Thành, Chánh thanh tra Sở VHTTDL Quảng Nam cũng cho biết hiện các đơn vị nghiệp vụ của Sở sẽ tiếp tục xem xét, thảo luận, trao đổi với các bên liên quan để điều chỉnh, sửa đổi để hình ảnh quảng cáo không gây phản cảm. 

** Theo quy định tại Điều 19 của Luật Quảng cáo, nội dung quảng cáo phải đảm bảo trung thực, chính xác, rõ ràng. Vì vậy Sở VHTTDL Quảng Nam đề nghị doanh nghiệp Lê Nguyễn cần nghiên cứu thay đổi hình ảnh quảng cáo nói trên, không cắt, ghép, thêm bớt hình ảnh chùa Cầu, Hội An, đảm bảo tính trung thực của hình ảnh di tích. Đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh, thay đổi maket quảng cáo và gửi về Sở VHTTDL xem xét, thẩm định trước khi thực hiện.

(Văn bản số 834/ SVHTTDL-QLVH của Sở VHTTDL Quảng Nam)

 

**  Hình ảnh quảng cáo này nằm trong chiến dịch “Huda yêu miền Trung” của Carlsberg Việt Nam. Vào đầu hè 2019, Huda ra mắt bộ lon phiên bản giới hạn “Huda yêu miền Trung” với 8 mẫu thiết kế có sử dụng hình ảnh của các địa danh, thắng cảnh du lịch nổi tiếng của 8 tỉnh miền Trung bao gồm Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Làng Sen (Nghệ An), Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), chợ Đông Hà (Quảng Trị), Điện Thái Hòa (Huế), Cầu Vàng - Bà Nà Hills (Đà Nẵng), Chùa Cầu - Hội An (Quảng Nam). Các địa danh này đều đổi thành màu xanh lá cây, màu nhận diện thương hiệu của bia Huda. 

**  Chiều qua 7.11, trao đổi với phóng viên Văn Hóa về việc Công TNHH Carlsberg Việt Nam lấy hình ảnh Làng Sen (Kim Liên-Nghệ An) để đưa lên sản phẩm bia Huda, ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở VHTT Nghệ An cho biết: Sau khi biết thông tin và qua rà soát, Phòng Quản lý văn hóa là đơn vị giám định nội dung cho biết doanh nghiệp này chưa xin phép, chưa thông qua Sở để lấy hình ảnh làng Sen Kim Liên in trên lon bia để quảng cáo. Sở đã giao cho Phòng Quản lý văn hóa theo dõi sự việc và sẽ có công văn về vấn đề này. (PHẠM NGÂN)

 

Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam nói gì?

Hôm qua 7.11, phóng viên Văn Hóa đã liên hệ với cán bộ của Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam với mong muốn được giải đáp những thắc mắc từ dư luận. Nhưng đến chiều cùng ngày chúng tôi chỉ nhận được bản trả lời qua email: “Biển quảng cáo ngoài trời của Huda với hình ảnh chùa Cầu là một phần của chiến dịch “Huda yêu miền Trung”. Mong muốn của chúng tôi là tôn vinh Việt Nam và thể hiện tình yêu với miền Trung. Chính vì vậy, chúng tôi đã xin ý kiến phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi sử dụng hình ảnh. Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi có một số người dân và báo chí cảm thấy bị xúc phạm, đây là điều mà chúng tôi không hề mong muốn.

Carlsberg Việt Nam đã nhận được thông tin liên quan đến biển quảng cáo ngoài trời, chúng tôi luôn lắng nghe và ghi nhận những phản hồi từ báo chí và công chúng. Vì vậy, mặc dù nội dung biển quảng cáo ngoài trời của Huda tại Quảng Nam đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo đúng quy định của pháp luật, chúng tôi vẫn sẽ phối hợp cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có những giải pháp phù hợp”. THÙY TRANG

** Sử dụng các hình ảnh, biểu tượng di sản văn hóa để quảng cáo còn một số bất cập, gây bức xúc

Đó là nội dung trong văn số 836/DSVH-DT vừa được Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) gửi các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở VHTT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm chấn chỉnh các dự án trong khu vực có di sản và sử dụng các hình ảnh, biểu tượng di sản văn hóa trong hoạt động quảng cáo, tuyên truyền. Cục Di sản văn hóa nêu rõ, thời gian gần đây việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực có di sản và sử dụng các hình ảnh, biểu tượng di sản văn hóa trong hoạt động tuyên truyền, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như quảng cáo kinh doanh của các tổ chức, cá nhân còn một số bất cập, gây bức xúc trong dư luận.

Vì vậy, Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở VHTT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trong việc thực hiện trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư tại khu vực có di sản, đảm bảo pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Về phê duyệt, cấp phép các hoạt động, nội dung tuyên truyền, quảng cáo có liên quan đến di sản văn hóa, cần có biện pháp quản lý, hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng các hình ảnh, biểu tượng di sản văn hóa trên tinh thần tôn vinh được giá trị di sản và tôn trọng ý nguyện của cộng đồng sở hữu di sản, tránh việc tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung, giá trị của di sản văn hóa, phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. PHƯƠNG ANH

 KHÁNH CHI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top