Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Di chỉ Vườn Chuối và “những buổi ngày xưa vọng nói về”

Thứ Sáu 15/11/2019 | 12:24 GMT+7

VHO- Số phận của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, Hoài Đức-Hà Nội) thuộc thời đại Hùng Vương sẽ như thế nào trong tương lai gần, là câu hỏi mà chính cơ quan có thẩm quyền, giới nghiên cứu lịch sử, khảo cổ cũng không thể trả lời được nữa, bởi sự quyết định “giữ hay không giữ”, “bảo tồn di sản hay xây dựng chung cư” không nằm trong tay họ. Giờ họ chỉ có đề nghị rồi kiến nghị mà thôi.

Nói sòng phẳng ra, giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, khảo cổ, dân tộc học... của di chỉ Vườn Chuối như thế nào thì họ có thể kê ra vài trăm trang, thậm chí đến nghìn trang, còn ai có thể nâng niu, trân trọng để giữ di sản ấy cho muôn đời con cháu sau này thì họ cũng chỉ biết “cầu trời, khấn Phật” mà thôi.

 Sở dĩ cần phải nhấn mạnh như thế, sở dĩ phải chỉ ra những lo lắng như thế là vì từ khi phát hiện lần đầu cho đến nay đã trải qua 9 lần khai quật, vừa tròn 50 năm, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối ít được những cơ quan có trách nhiệm, chính quyền địa phương quan tâm một cách đúng mức theo hướng bảo tồn, xếp hạng... mà chỉ có giới nghiên cứu lịch sử, khảo cổ và người dân địa phương đau đáu với nó. Không đau đáu sao được khi ở đấy là tài sản chứa đựng vô vàn thông điệp của cha ông đang “rì rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa vọng nói về”, vì thế khi có cơ hội là họ tiến hành thám sát, thăm dò, khai quật. Người dân ở địa phương cũng rất mặn mà để rồi mò mẫm đi quanh di chỉ nhặt nhạnh những di vật, hiện vật trồi lên mặt đất, rồi thau rửa, giữ gìn nó. Và đến nay họ đã có hẳn một “bảo tàng” Vườn Chuối.

Nhìn thấy trước về số phận di sản Vườn Chuối sẽ bị đe doạ, uy hiếp dẫn đến không còn gì, nhiều nhà nghiên cứu khoa học đã phải lên tiếng kiến nghị với cấp có thẩm quyền của thành phố Hà Nội, rằng cần phải giữ gìn di chỉ này nếu không sẽ có tội với tiền nhân. Tại những cuộc khảo sát, hội thảo đầu bờ, nhiều chuyên gia về di sản cũng đồng thuận kiến nghị “phải giữ lấy di sản này bằng được. Xoá sổ di chỉ Vườn Chuối chúng ta sẽ vô cùng ân hận”. Thế nhưng những tiếng nói đầy gan ruột và đầy trách nhiệm ấy không hiểu sao nó cứ rơi vào hư không, ít được đọng lại trong tâm trí của ai đó có trách nhiệm.

Và mới đây nhất Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, trong đó đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đưa di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố Hà Nội, tiến hành lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích để bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mở đường 3.5 tránh ra khỏi khu vực di chỉ Vườn Chuối theo kết quả khai quật khảo cổ. Yêu cầu UBND huyện Hoài Đức, chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công có biện pháp bảo vệ di chỉ trong quá trình thi công, đảm bảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan văn hóa theo dõi và dừng thi công khi phát hiện di tích theo đúng quy định tại Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng kiến nghị. Cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hoá cũng đã có văn bản gửi thành phố Hà Nội với những đề nghị rất cụ thể để bảo vệ cho được di sản quan trọng này. Hy vọng, số phận của di chỉ khảo cổ Vườn Chuối sẽ không bị rơi vào một kịch bản xấu nhất để gây nên tiếng than thở “những ai thật sự biết yêu quý di sản mới thấy sự xót xa...”. 

NGUYỄN HÒA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top