Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Chính quyền xã Bùi La Nhân (Đức Thọ, Hà Tĩnh) “xin lại” ngôi đình​​​​​​​: Đã hoàn thành nhiệm vụ thì nên trả lại

Thứ Hai 23/03/2020 | 11:37 GMT+7

VHO- Trong suốt 55 năm qua, di tích đình Chợ Trổ đã “hoàn thành nhiệm vụ văn hóa” tại Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, nay nhân dân và chính quyền xã Bùi La Nhân mong muốn được “rước” đình về. Nhưng câu chuyện đã không diễn ra một cách suôn sẻ…

 Đình Chợ Trổ là một hạng mục vô cùng quan trọng hiện đang được bảo lưu tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) Ảnh: TƯ LIỆU

 Chính quyền xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vừa có Tờ trình gửi các cơ quan chức năng của tỉnh này để “xin lại” ngôi đình 260 năm tuổi mà trước đó được cấp có thẩm quyền “trưng dụng” làm thành nhà trưng bày hiện vật đặt tại Khu di tích Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) từ những 55 năm trước. Thế nhưng, nguyện vọng đưa di sản về lại “quê cũ” của nhân dân và chính quyền địa phương đang vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận.

Trước sự việc quan trọng và khá phức tạp này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở VHTTDL tổ chức buổi họp để xem xét, giải quyết việc trả lại đình Chợ Trổ hiện đang tọa lạc tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du về cho xã Bùi La Nhân.

Khi cần chính quyền và nhân dân sẵn sàng…

Theo lãnh đạo chính quyền xã Bùi La Nhân, di tích đình Chợ Trổ được khởi dựng năm 1760 ở làng Chợ Trổ, xã Đức Nhân (cũ), nay đã sáp nhập vào xã Bùi La Nhân. Đình là nơi thờ Thành hoàng làng, sau là nơi hội họp của các cụ cao niên và là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng địa phương. Năm 1965, ngành Văn hóa có chủ trương xây dựng Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Vào thời điểm ấy, nhiều nhà nghiên cứu đề nghị và mong muốn tìm một công trình kiến trúc truyền thống cùng thời với Nguyễn Du để làm nhà trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn - Tiên Điền…

Ngày đó vì Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn, những công trình kiến trúc được khởi dựng từ thời Nguyễn Du còn lại cũng rất hiếm. Các cán bộ văn hóa tỉnh đi tìm khắp nơi và phát hiện di tích đình Chợ Trổ có những nét kiến trúc và điều kiện hoàn toàn phù hợp. Thể theo yêu cầu của các ban ngành cấp tỉnh, địa phương và nhân dân đã đồng ý nhường lại ngôi đình Chợ Trổ để chuyển về xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân làm nơi trưng bày một số tài liệu, hiện vật của Đại thi hào Nguyễn Du, nhưng dưới hình thức “cho mượn”.

Bảng giới thiệu về đình Chợ Trổ tại Khu di tích Nguyễn Du Ảnh: TƯ LIỆU

Đã nửa thế kỷ trôi qua, Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du đã được Chính phủ công nhận là Khu di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt quốc gia và đã được quy hoạch mới. Hiện di tích đình Chợ Trổ năm xưa không còn đóng vai trò là nhà trưng bày, nhưng ngôi đình vẫn chưa được đưa về nơi cũ để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh. Theo chính quyền địa phương, vì điều kiện lịch sử trước đây tỉnh còn khó khăn nên mới đồng ý “cho mượn”. Ngày nay cơ sở vật chất hạ tầng của Khu Lưu niệm đã được Nhà nước đầu tư xây dựng rất khang trang, bề thế thể hiện được tầm vóc, giá trị nên thể theo nguyện vọng của nhân dân, lãnh đạo xã Bùi La Nhân đã gửi Tờ trình đề nghị các Sở, ngành xem xét hoàn trả đình Chợ Trổ để địa phương tiếp tục có nơi thờ tự và duy trì các hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cho cộng đồng. Thế nhưng, sau nhiều lần kiến nghị hiện các Sở, ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa thống nhất nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của chính quyền và nhân dân, nơi ngôi đình Chợ Trổ khởi dựng.

Đã đến lúc “trở về” nơi chốn xưa

Đầu tháng 3 vừa qua, chính quyền xã Bùi La Nhân tiếp tục có Tờ trình gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị được “xin lại” ngôi đình vì cho rằng Khu Lưu niệm Nguyễn Du hiện đã có nhà trưng bày mới, trong khi đó di tích đình Chợ Trổ được dựng lại tại đây năm xưa đã hoàn thành “nhiệm vụ văn hóa”. Chính quyền và nhân dân một lần nữa mong muốn “xin lại” đình để làm nơi thờ tự và duy trì các bản sắc văn hóa tâm linh địa phương. Với đề nghị này, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã giao các Sở, ngành liên quan xem xét, giải quyết và trả lời cho chính quyền xã Bùi La Nhân trước ngày 28.3.2020.

Chiều 20.3 vừa qua, Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp bàn về chuyện “trả lại” đình Chợ Trổ hiện đang tọa lạc tại Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du cho chính quyền xã Bùi La Nhân. Buổi họp có sự tham gia đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội-HĐND-UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư XDCT dân dụng và công nghiệp tỉnh, đại diện UBND và Phòng Văn hóa hai huyện Đức Thọ và Nghi Xuân... Tại cuộc họp, ông Hồ Bách Khoa, Trưởng Ban quản lý Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du thẳng thắn bày tỏ quan điểm và cho rằng, nên trả lại đình Chợ Trổ về nơi vốn nó đã “sinh ra”. “Theo tín ngưỡng văn hóa dân gian, đình làng nào thờ thành hoàng làng đó. Do yếu tố lịch sử, đình buộc phải “rời xa quê hương” nay bà con xã xin lại thì cơ quan chức năng cần đáp ứng nguyện vọng chính đáng này”, ông Khoa cho biết.

 Hiện di tích đình Chợ Trổ đang được hạ giải để tiến hành tu bổ Ảnh: THÂN BA

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, ông Nguyễn Cảnh Thụy, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh bày tỏ, “việc chính quyền và người dân xã Bùi La Nhân xin lấy lại đình, chúng tôi tôn trọng và đã xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, sau nhiều lần xem xét, đánh giá từ góc độ văn hóa, kinh phí và các thủ tục, chúng tôi nhận thấy phương án xin lại đình sẽ gặp nhiều khó khăn… Vì vậy, chúng tôi có ý kiến như sau: Tiếp tục để đình Chợ Trổ ở lại Khu Lưu niệm Nguyễn Du và sẽ đặt đúng vị trí phù hợp, bởi lâu nay đình đã làm rất tốt “nhiệm vụ văn hóa” thì không hà cớ gì đình phải trở về nơi cũ. Đồng thời, ngành Văn hóa sẽ đề xuất với tỉnh hỗ trợ kinh phí phục dựng lại đình mới đúng với “bản gốc” ngay tại vùng đất xưa của xã”.

Ông Thụy cũng cho biết: “Nếu chính quyền xã Bùi La Nhân vẫn kiên quyết đề nghị đưa đình về “quê cũ”, ngành Văn hóa vẫn chấp thuận nhưng xã phải có Tờ trình lên huyện, tỉnh. Thời gian để chấp thuận chủ trương chắc phải chờ trong một thời gian và chúng tôi phải trình xin ý kiến của tỉnh, Bộ VHTTDL. Còn việc đưa ngôi đình này rời khỏi Khu Lưu niệm về tại xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân) như một vài ý kiến trước đó là hoàn toàn không có”. “Mong muốn và quyết tâm của bà con nhân dân xã Bùi La Nhân là đưa đình trở về quê cũ. Còn việc tỉnh đề xuất giữ lại đình và sẽ phục dựng một ngôi đình mới cho bà con, việc này chính quyền và dân làng cần họp bàn. Nhưng chúng tôi cần lưu ý là, đây là vấn đề văn hóa vì thế cần tôn trọng ý kiến của cộng đồng”, đại diện người dân xã Bùi La Nhân phát biểu. 

 

 Cần trả lại cho cộng đồng

Trao đổi với Văn Hóa về vấn đề này, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, việc chính quyền địa phương và người dân đề nghị với mong muốn xin trả lại công trình di tích về nơi vốn nó được khởi dựng, thờ cúng cũng đã có tiền lệ. Vào những giai đoạn khác nhau, vì hy sinh cho mục đích chung nên chính quyền và nhân dân nơi ấy đã đồng ý cho cấp trên mượn công trình di tích. Sau một thời gian khá dài, họ đề nghị thì cũng đã được nơi mượn trả lại.

“Với câu chuyện cụ thể như di tích đình Chợ Trổ, theo tôi, các ngành chức năng của địa phương cần xem xét, giải quyết theo hướng trả lại cho chính quyền địa phương và cộng đồng xã Bùi La Nhân. Còn về mặt thủ tục pháp lý thì cần tiến hành chặt chẽ, đúng quy định”, PGS Đặng Văn Bài đề nghị. L.S

 

 Đình Chợ Trổ có diện tích mặt bằng 105m2 (7,15m x 14,7m), làm bằng gỗ mít, có 4 vì kèo, tạo thành 5 gian 2 hồi, mái lợp ngói âm dương. Kết cấu vì nóc theo kiểu “giá chiêng”, vì nách theo kiểu “kẻ mái”. Vì kèo được chạm trổ khá tinh xảo theo phong cách chạm lộng các đề tài truyền thống như Long, Ly, Quy, Phượng; cá chép hóa rồng, hoa sen; cảnh sinh hoạt lễ hội dân gian... Kiến trúc đình mang phong cách thế kỷ XVIII.

Năm 2003, Nhà trưng bày Bảo tàng Nguyễn Du hoàn thành, các hiện vật, tài liệu được chuyển về trưng bày tại nhà trưng bày mới. Đình Chợ Trổ được bảo lưu gìn giữ, giới thiệu cho du khách gần xa về kiến trúc đình Hà Tĩnh thế kỷ XVIII.

 THÂN BA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top