Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Mai này còn ai nhớ đến Thanh Bình từ đường

Thứ Hai 30/03/2020 | 09:08 GMT+7

VHO- Là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia, Thanh Bình từ đường được xem là nhà thờ tổ lớn nhất của nghệ thuật Hát bội, nhưng đang dần bị quên lãng. Suốt nhiều năm liền, di tích này rơi vào cảnh “cửa đóng then cài”, thậm chí không ít người dân gần đó vẫn không biết đến...

 Di tích Thanh Bình từ đường gần như bị quên lãng

Thanh Bình từ đường nằm sâu trong một con hẻm nhỏ cuối đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp, TP Huế, xung quanh là nhà cửa dân cư san sát. Di tích được xây dựng và hoàn thành vào năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng của triều Nguyễn. Ban đầu, đây là nơi thờ cúng các thánh thần và những người có công trong nghệ thuật sân khấu Tuồng cổ Huế (Hát bội), đồng thời cũng là nơi sinh hoạt và cư ngụ của những quan viên của Thanh Bình thự, một đội Nhã nhạc triều Nguyễn.

Lối kiến trúc của Thanh Bình từ đường mang nét đặc trưng của nhà rường cổ xứ Huế 3 gian 2 chái; tường xây bằng gạch, hệ mái bằng gỗ và lợp ngói liệt. Trong khuôn viên của di tích vẫn còn tấm bia đá được khắc từ năm Minh Mạng thứ 5 (tức năm 1825), nói rõ đến mốc thời gian hoàn thành xây dựng Thanh Bình từ đường; cùng một tấm bia được lập vào năm 1958 ghi tên những người đã có công trong việc trùng tu công trình. Từ đường vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, trong đó có một số sắc phong do vua Minh Mạng ban tặng.

Không chỉ là nơi quy tụ các bậc “anh tài” đến biểu diễn sinh hoạt Tuồng cổ dưới triều nhà Nguyễn, những năm sau giải phóng Thanh Bình từ đường cũng được nhiều người dân biết đến. Bởi nghệ thuật Hát bội là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung. Đến năm 1992, Thanh Bình từ đường được công nhận là di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia. Các nghệ sĩ Hát bội, những người yêu thích loại hình nghệ thuật này cũng như người dân Huế vui mừng biết bao. Nhiều đoàn nghệ sĩ ở miền Nam thường xuyên tổ chức những đợt viếng Thanh Bình từ đường, không chỉ vào dịp “giỗ nghề”.

Cụ Trần Ngọc Lợi (92 tuổi), người đã có hơn 65 năm trông coi và hương khói cho di tích, kể lại trong niềm vui lẫn tiếc nuối: “Mỗi lúc đoàn nghệ sĩ từ Sài Gòn ra cũng có chừng hai - ba chục người. Họ dâng hương tế tổ, lo tất tần tật các khâu dựng sân khấu ngay trước khuôn viên Thanh Bình từ đường để biểu diễn cho bà con xem. Khi hay tin có đoàn diễn, không chỉ người dân trong khu vực mà nhiều nơi của thành phố Huế cũng kéo đến xem. Sân khấu chật kín người, bà con liên tục vỗ tay khiến cho các nghệ sĩ có “sức” diễn đến tận 2-3 giờ sáng... Nhưng bây giờ, các buổi diễn đó rất hiếm”. Không chỉ hiếm buổi diễn, mà còn thưa người đến. Nhiều năm nay, di tích gần như “cửa đóng then cài”. Nhiều hạng mục công trình cũng xuống cấp, hư hại nhưng cũng chỉ được thực hiện tu sửa nhỏ, với tính chất tạm thời. Theo NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, dưới triều Nguyễn, Thanh Bình từ đường được đông đảo công chúng biết đến, trong đó có lễ tế tổ được tổ chức rất trọng thể, diễn ra trong 3 ngày liền và thu hút đông đảo người tham gia. Các gánh Hát bội ở nhiều địa phương lo sắm sửa lễ vật, cử người đại diện về đây tham dự.

Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức tái hiện lại lễ tế Thanh Bình từ đường theo nghi thức dưới triều Nguyễn. Tuy không kéo dài nhiều ngày, nhưng cơ bản đã thể hiện được những nội dung chính của lễ, với lòng tri ân đến ông tổ nghề và các nghệ sĩ đã cống hiến cho nghệ thuật Tuồng cổ. Nghệ thuật Tuồng đã được phát triển từ thời các chúa Nguyễn, sau đó được nâng lên vị trí đỉnh cao với Tuồng cung đình dưới triều nhà Nguyễn. Thanh Bình từ đường được xây dựng tại vùng đất Cố đô cũng nhấn mạnh cho việc giữ gìn loại hình diễn xướng Tuồng cổ (hay Hát bội) của xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung. 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top