Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội: Hàng hóa dồi dào đảm bảo nhu cầu người dân

Thứ Tư 08/04/2020 | 11:34 GMT+7

VHO- Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) từ nhiều năm nay luôn tấp nập người mua, bán. Chợ hoạt động chủ yếu từ 2-3 giờ sáng và vãn chợ vào khoảng 10 giờ sáng. Vào dịp mồng Một hay ngày Rằm âm lịch, lượng khách tới chợ tăng khoảng 50-100% so với ngày thường.

 Khử trùng trước khi vào chợ

 Dù vào những ngày này cả nước cùng chống đại dịch Covid-19, nhưng lượng hàng hóa thiết yếu trong chợ như thịt, cá, rau củ, hoa quả và các đồ gia dụng khác vẫn đáp ứng mọi nhu cầu của người mua.

Siết chặt các biện pháp phòng, chống Covid-19

Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội là khu chợ đã hoạt động được gần chục năm trở lại đây, nằm tại khu đô thị Đền Lừ, Hoàng Mai được khá nhiều tiểu thương tại Hà Nội và các tỉnh gần xa và người dân các quận lân cận biết đến. Tại chợ có các mặt hàng tương đối đa dạng cho tiểu thương tìm kiếm nguồn hàng kinh doanh như rau củ quả, thực phẩm hay thủy, hải sản. Mặc dù là chợ đầu mối, nhưng từ nhiều năm nay chợ đầu mối phía Nam có hai hình thức bán buôn và bán lẻ. Chợ bắt đầu đổ buôn từ lúc 2 giờ sáng và tầm 6 giờ trở đi là nhộn nhịp người đến mua lẻ.

Có mặt tại chợ từ 6 giờ sáng qua (7.4), Văn Hóa ghi nhận hàng nghìn khách hàng tới mua đồ. Một tiểu thương cho biết do là ngày Rằm nên lượng khách đông gấp đôi so với ngày thường, nhưng cũng không bằng lượng khách trước khi dịch xảy ra. Đông khách như vậy nhưng hàng hóa trong chợ vẫn chất ngất, đáp ứng mọi nhu cầu của người mua, kể cả mua buôn hay mua lẻ. Làm việc với Văn Hóa cùng ngày, Ban quản lý chợ cho biết ngay khi dịch xảy ra, chợ đã tăng cường, chủ động công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, tăng cường phun tiêu khử độc, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực kinh doanh trong chợ đầu mối phía Nam với tần suất 3 lần/tuần. Ban quản lý chợ phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức: Dán thông báo tại bảng tin, phát tờ rơi, phát loa tuyên truyền hằng ngày tại các cổng ra vào chợ, triển khai ký cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm. Phối hợp với quản lý thị trường tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh thực hiện kinh doanh đúng pháp luật, không lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, tăng giá, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ban quản lý đã phát khẩu trang cho 100% cán bộ nhân viên từ ngày 16.3. Từ ngày 28.3, Ban quản lý đã thông báo yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh và người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi vào chợ. Đồng thời chợ đã bố trí các bình nước rửa tay tại các trạm trực, khu vệ sinh và các cổng chợ để các hộ kinh doanh và người dân vệ sinh rửa tay, tăng cường phòng dịch.

Lượng hàng hóa dồi dào

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Hữu Quân, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (Ban quản lý chợ) cho biết, trước khi có dịch Covid-19, chợ có khoảng 500 hộ kinh doanh cố định và 200 hộ kinh doanh thời vụ. Nguồn hàng cung cấp cho chợ rất dồi dào từ nhiều nguồn ở các địa phương xung quanh chợ như Hưng Yên, ngoại thành Hà Nội, Hải Dương và các vùng hoa quả đặc sản phía Nam. Tuy nhiên, những ngày này lượng tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong chợ giảm đáng kể không phải thiếu nguồn cung mà do nhu cầu người dân giảm hẳn. Bà Hân, chủ một sạp thịt bò tươi lớn trong chợ chia sẻ, lượng hàng nhập về sạp của bà những ngày này giảm khoảng 2/3 so với trước dịch. Chủ một quầy bán cá trong chợ cho biết lượng hàng nhập về để bán hằng ngày của các sạp hầu hết giảm ít nhất 50% do cá không thể bảo quản lâu. “Chúng tôi ở đây chủ yếu bán buôn cho các nhà hàng và các chợ nhỏ, nay các nhà hàng, quán ăn đóng cửa nên chủ yếu bán lẻ nhưng chẳng được bao nhiêu”, chị Hằng, một chủ quầy hải sản trong chợ chia sẻ.

Đại diện Ban quản lý chợ cho biết những ngày này, có ngày chỉ còn 4 quầy thịt hoạt động trên tổng số 70 quầy kinh doanh tại chợ trước dịch. Trước đó, vào ngày 28.3 thực hiện yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, Ban quản lý đã yêu cầu 98 hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động kinh doanh từ ngày 28.3 cho đến khi có thông báo mới. Sự vắng mặt của các hộ kinh doanh đồ gia đụng này cũng làm giảm đáng kể lượng khách tới chợ.

Cũng theo đại diện Ban quản lý chợ, trước đây hằng ngày có khoảng từ 10-15 xe tải cỡ lớn chuyên chở hoa quả đặc sản phía Nam xuyên Việt tới chợ, nhưng nay tần suất xe đổ hàng xuống chợ giảm một nửa, có ngày không có xe nào. Mặc dù vậy, qua khảo sát thực tế khách hàng tại chợ cũng như khẳng định của Ban quản lý chợ cho thấy, do nguồn cung hàng hóa dồi dào từ các vùng sản xuất ngoại thành và tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, các vùng hoa quả đặc sản miền Nam, trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 nhưng giá cả các mặt hàng tại chợ đầu mối phía Nam vẫn giữ giá, thậm chí giá một số mặt hàng rau còn giảm nhẹ. 

 QUỐC HÙNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top